Nếu như cách đây khoảng 10 năm, bệnh tay chân miệng vẫn còn là một loại "bệnh lạ" đối với người Việt Nam thì đến nay, căn bệnh này đã trở thành nỗi lo thường trực của nhiều bậc cha mẹ có con nhỏ, đặc biệt là trẻ từ 5 tuổi trở xuống. Đây cũng là độ tuổi trẻ tập trung ở các nhà trẻ, mẫu giáo khiến căn bệnh có điều kiện lây lan mạnh. Ước tính, cứ một trẻ bị tay chân miệng có biến chứng nặng thì đã lây truyền cho khoảng 400 trẻ ngoài cộng đồng.Trong thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng đến khám và điều trị tại các bệnh viện nói chung và tại khoa Nhi bệnh viện đa khoa Đức Giang nói riêng có chiều hướng tăng cao do đang là mùa dịch và bước vào năm học mới. Hơn nữa bệnh tay chân miệng là bệnh có thể gây thành dịch lớn, có nhiều biến chứng nguy hiểm. Do vậy, việc nhận biết sớm và chăm sóc trẻ mắc bệnh là yếu tố rất quan trọng giúp giảm tỷ lệ mắc, giảm tử vong vì bệnh cũng chưa có vaccin phòng bệnh đặc hiệu.
Bệnh tay-chân-miệng là bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người thường gặp do Coxsackie virus A16 và Enterovirus 71 (EV71) gây ra. Nguồn lây chính là từ nước bọt, chất tiết và phân của trẻ nhiễm bệnh. Bệnh có thể gặp rải rác quanh năm, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt tập trung ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Các dấu hiệu của bệnh tay-chân -miệng rất dễ nhận biết và bao gồm:
– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao, sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
– Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Phân loại bệnh theo mức độ nặng.
– Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà:
Có tổn thương ở da đi kèm hoặc không kèm sốt. Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi, cách phát hiện sớm các triệu chứng nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời khi cần. Ưu điểm của chăm trẻ bệnh nhi tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.
– Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị:
Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:
Sốt cao liên tục không thể hạ được.
Mệt mỏi không chơi, ngủ nhiều, lơ mơ, ngủ gà….
Giật mình
Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc khu trú ở tay, chân.
Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè….
Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.
Điều trị và chăm sóc.
Bệnh chân tay miệng có thể do nhiều loại virus gây nên và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tổn thương ở niêm mạc miệng gây đau, khiến trẻ ăn kém, có thể dẫn đến hạ đường máu. Các biện pháp khắc phục:
– Dùng các thuốc giảm đau, sát trùng niêm mạc miệng như nước muối 0,9%, Kamistad…
– Cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu như cháo loãng, sữa…
– Vệ sinh da tránh bội nhiễm vi khuẩn: tắm cho trẻ bằng các loại nước có tính sát trùng nhẹ như nước lá chè, lá chân vịt…Dùng dung dịch Betadin bôi các tổn thương ngoài da sau khi tắm.
Nguyên tắc phòng bệnh trong cộng đồng.
– Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng nhiều lần trong ngày.
– Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống sôi; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, thìa, đồ chơi…
– Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng.
– Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
Trên đây là những cách chăm sóc và cách phòng bệnh tay chân miệng, hãy thực hiện đúng những cách trên để giúp bé mau khỏe và tránh lây lan bệnh sang các bé trong nhà cũng như các bé ở cộng đồng.