1. Đại cương
+ Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, ung thư tuyến giáp chỉ chiếm 1-2% trong tất cả các loại ung thư nhưng chiếm đến 90% ung thư của các tuyến nội tiết. Theo GLOBOCAN 2008, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 9 trong các loại ung thư ở nữ giới với khoảng hơn 160.000 ca mới mắc hàng năm, đứng hàng thứ 20 trong số các loại ung thư ở nam giới với gần 50.000 ca mới mắc hàng năm và đứng hàng thứ 17 chung cho cả 2 giới.
+ Tỷ lệ mắc khoảng 3/100.000 dân ở cả 2 giới và tỷ lệ nam/nữ là 1/3.
+ Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, với 2 đỉnh cao: 7-20 tuổi và 40-65 tuổi
+ Việt Nam nằm trong nhóm các nước có tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao. Theo thống kê của tác giả Nguyễn Bá Đức năm 2000, tỷ lệ mắc ở nữ xếp thứ 12 trong các loại ung thư nói chung với 2.3/100.000 dân. Và ở nam xếp hàng thứ 13 với tỷ lệ 1,3/100.000 dân.
+ Ung thư tuyến giáp có thể chia ra làm 2 nhóm khác nhau về lâm sàng và tiên lượng, đó là ung thư tuyến giáp thể biệt hóa và ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa. Ung thư tuyến giáp thể biệt hóa tiến triển chậm, bệnh nhân thường đến viện ở giai đoạn chưa di căn xa, u tại chỗ và hạch di căn còn có thể cắt bỏ được và tiên lượng tốt. Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa tiến triển nhanh, bệnh nhân thường đến viện khi khối u và hạch đã xâm lấn rộng. không cắt bỏ được, di căn xa sớm và tiên lượng xấu.
+ Trong điều trị ung thư tuyến giáp, phẫu thuật đóng vai trò quan trọng nhất có tính chất quyết định đến kết quả điều trị.
+ Ung thư tuyến giáp là bệnh lý tiên lượng rất tốt, tỷ lệ sống thêm 10 năm trung bình của nhóm biệt hóa khoảng gần 90%.
2. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
+ Hiện nay chưa tìm thấy nguy cơ rõ ràng nào sinh bệnh ung thư tuyến giáp. Hầu hết nghiên cứ đều chỉ ra các yếu tố nguy cơ cao dễ mắc bệnh. Hiệp hội các nhà ung thư Hoa Kỳ đã đưa ra một số yếu tố nguy cơ hay gặp sau:
+ Tiền sử xạ trị vùng cổ nhằm mục đích điều trị các bệnh lý khác hoặc tiền sử tiếp xúc, chiếu tia X hay các tia liên quan đến máy chụp CT được coi là những yếu tố nguy cơ cao. Đặc biệt bệnh nhân đã có tiền sử tia xạ vùng cổ mà xuất hiện khối u giáp thì khả năng khối u đó là ung thư rất cao.
+ Chế độ ăn thiếu Iodin làm tăng nguy cơ mắc các khối bướu giáp đơn thuần cũng như ung thư tuyến giáp và trong nhóm này thường gặp ung thư tuyến giáp thể nang.
+ Tiền sử mắc các bệnh tuyến giáp mạn tính như viêm tuyến giáp mạn tính Hashimoto hoặc viêm tuyến giáp bán cấp De Quervain,… có nguy cơ cao mắc ung thư giáp trạng.
Đặc biệt trong ung thư giáp trạng thể tủy, có liên quan chặt chẽ với tính chất gia đình và di truyền. Thường những bệnh nhân ung thư tuyến giáp thể tủy thường nằm trong bệnh cảnh đa u nội tiết MEN 2, trong đó có 2 dưới nhóm MEN 2a và MEN 2b.
+ Yếu tố di truyền và nguồn gốc gen:
Hiện nay người ta biết đến một số đột biến gen sinh ung thư tuyến giáp, tuy nhiên vai tròn chắc chắn của chúng còn chưa được chứng minh. Đột biến gen RET nằm trên NST số 10, gen BRAF và gen PTC có thể sinh ung thư tuyến giáp thể nhú và thể tủy, gen RAS có thể sinh ung thư tuyến giáp thể nang. Phần lớn đột biến này chủ yếu xảy ra trên các đoạn DNA kiểm soát sự sao chép và nhân đôi tế bào. Các đột biến này là cơ sở cho điều trị nhắm trúng đính trong ung thư tuyến giáp giai đoạn tiến triển và di căn.
Một số yếu tố nguy cơ cao khác liên quan đến gen sinh ung thư như đột biến gen APC gây bệnh đa polyp có tính chất gia đình, đột biến gen PTEN gây bệnh ung thư đường niệu và ung thư vú, đột biến gen PRKAR1A gây rối loạn chức năng các tuyến nội tiết lành tính.
+ Ngoài ra một số tác giả Việt Nam ghi nhận một số yếu tố nguy cơ khác như: người sống vùng biển, nơi có chế độ ăn giàu iod hoặc người có tiền sử Basedow khi có u đặc tuyến giáp thì tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp rất cao. Tiền sử gia đình có người mắc ung thư tuyến giáp thì có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn.