Tự kỷ - thuật ngữ không chỉ xuất hiện rất nhiều trên các phương tiện truyền thông mà còn là mối quan tâm đặc biệt trong nhận thức của mỗi gia đình. Khác với những đứa trẻ phát triển bình thường, trẻ tự kỷ thường có những khó khăn và rối loạn phức tạp đi kèm. Rối loạn phổ tự kỷ thường được phát hiện ngay từ những năm đầu đời với nhiều mức độ khác nhau. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào trẻ thường xuất hiện những biểu hiện bất thường như: gặp khó khăn khi giao tiếp với người khác (trẻ không nhìn mắt, không cười đáp với người thân, lặp đi lặp lại những từ vô nghĩa …); có nhiều hành vi dập khuôn, lặp đi lặp lại (bịt tai, vẫy tay, quay tròn bánh xe, nhại lời …); ít hoạt động, giảm hứng thú; khó thích ứng với môi trường xung quanh … Ở mỗi trẻ tự kỷ, các biểu hiện xuất hiện khác nhau và mức độ cũng được đánh giá khác nhau và không trẻ nào giống với trẻ nào hoàn toàn.
Chính với những biểu hiện bất thường đó, các gia đình có con tự kỷ thường có chung tâm trạng hoang mang, lo lắng đặc biệt là rối bời trong việc chọn lựa cơ sở can thiệp và lựa chọn biện pháp nào can thiệp hiệu quả nhất. Phòng tự kỷ - Khoa Nhi – Bệnh viện đa khoa Đức Giang là nơi hàng ngày tiếp nhận trẻ đặc biệt, hướng dẫn, giúp đỡ các gia đình ổn định tâm lý, tạo ra nhiều hỗ trợ hiệu quả hơn cho trẻ.
Kể từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, Phòng tự kỷ đã tiếp nhận nhiều trẻ có các rối nhiễu khác nhau như: tự kỷ, tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ, rối loạn cảm giác, chậm nói, chậm phát triển ngôn ngữ … và qua đó cũng tiếp nhận rất nhiều tấm lòng cảm ơn của các gia đình.
Một trong những món quà ý nghĩa nhất mà Phòng tự kỷ nhận được chính là cuốn sách “Can thiệp uốn nắn hành vi cho trẻ tự kỷ” được gia đình bạn Vũ Nam Bảo gửi tặng. Với di chứng não úng tủy, Nam Bảo - 3,5 tuổi được Phòng tiếp nhận điều trị từ tháng 12/2016. Khi mới tiếp nhận Nam Bảo được đánh giá là chậm nhiều so với các bạn cùng tuổi, đi kèm là nhiều rối nhiễu phức tạp và khó khăn trong giao tiếp, cũng như giảm thích ứng với môi trường xung quanh … Là một trong những trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi chỉ vừa mới sinh ra đã mang trong mình căn bệnh não úng tủy, nhưng qua quá trình can thiệp tích cực, Nam Bảo đã và đang ngày càng tiến bộ hơn. Đó chính là niềm vui lớn lao không chỉ dành cho gia đình Nam Bảo mà còn là sự động viên, khích lệ đối với những người làm trong nghề.
Cuốn sách không chỉ là tri thức quý báu, vừa được xuất bản trong năm 2017 mà trong đó còn chứa đựng nhiều nỗi niềm cũng như sự cảm kích mà gia đình Nam Bảo dành tặng cho các cô đang trực tiếp can thiệp trẻ tại phòng tự kỷ.
Cuốn sách: Can thiệp uốn nắn hành vi cho trẻ tự kỷ
Những trang sách hữu ích ấy cũng là sự đóng góp mà gia đình Nam Bảo mong muốn gửi đến những bạn có cùng cảnh ngộ, giúp Phòng tự kỷ có thêm nhiều tài liệu quý báu trong quá trình hoạt động và nâng cao chuyên môn của mình.
Đáp lại sự tin tưởng và ủng hộ của gia đình Nam Bảo, Phòng tự kỷ sẽ sử dụng cuốn sách này thật hữu ích, nghiên cứu và nhân rộng nhiều mô hình can thiệp hiệu quả tới những trẻ khác. Xây dựng môi trường học tập hiệu quả, thú vị, là nơi các gia đình có con em tự kỷ gửi gắm trọn vẹn niềm tin.
Tự kỷ vốn không phải là một căn bệnh, tự kỷ - trên thế giới đã được công nhận là một dạng khuyết tật. Đối với dạng khuyết tật, chắc chắn trẻ tự kỷ sẽ được hưởng nhiều quyền lợi hơn. Thấu hiểu những nỗi niềm xoay quanh thuật ngữ đó, cũng như việc hỗ trợ và giúp đỡ các bệnh nhi tự kỷ giống với trường hợp của bạn Vũ Nam Bảo, bệnh viện đa khoa Đức Giang đã triển khai đồng bộ từ phòng khám tư vấn cho đến các phòng điều trị ngoại trú để kịp thời đáp ứng nhu cầu chữa trị, đặc biệt cũng là nơi đảm bảo nhiều quyền lợi, là địa chỉ uy tín tiếp nhận, tư vấn và điều trị hiệu quả nhất.
Phòng tự kỷ cũng xin chân thành cảm ơn Gia đình Nam Bảo đã gửi tặng cuốn sách. Hi vọng trong thời gian tới, Bệnh viện và Phòng sẽ còn nhận được nhiều món quà ý nghĩa hơn.