Trẻ sơ sinh có thể lây nhiễm virus viêm gan B từ những đường sau:
- Lây từ mẹ qua con (chu sinh): Lây truyền virus từ mẹ sang trẻ trong lúc sinh rất dễ dàng. Nếu mẹ có HBsAg+ và HBeAg+ thì 90% trẻ sinh ra sẽ bị nhiễm virus viêm gan B. Nếu mẹ chỉ mang HBsAg+ thì khoảng 10% trẻ bị nhiễm. Lây truyền trong bào thai rất hiếm xảy ra, ước tính khoảng dưới 2% trong hầu hết các nghiên cứu. Chưa có bằng chứng cho thấy virus VGB lây truyền qua đường nuôi con bằng sữa mẹ.
- Lây truyền từ trẻ qua trẻ, từ người thân: liên quan đến sự tiếp xúc các vết thương, vết trầy xước nhỏ ở da, niêm mạc có chảy máu, hay dịch tiết của vết thương. Virus viêm gan B cũng có thể lây truyền bằng cách tiếp xúc với nước bọt thông qua vết cắn, vết trầy xước khác ở da và cũng như qua sự nhai thức ăn trước cho trẻ. Bên cạnh đó, virus có thể lây qua khi dùng chung khăn lau hay bàn chải đánh răng bởi vì virus có thể tồn tại ít nhất 7 ngày bên ngoài cơ thể và có thể được tìm thấy trên những vật dụng hàng ngày.
Việc tiêm vaccin thực hiện càng sớm thì hiệu quả càng cao, với mũi tiêm trong 24 giờ có khả năng phòng được 85-90% các trường hợp lây truyền từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng ngừa sẽ giảm dần theo từng ngày từ 50-57% và không đạt được nếu tiêm sau 7 ngày. Tiêm vaccin viêm gan B mũi 1 càng sớm càng tốt nhằm mục đích bảo vệ trẻ sơ sinh đã phơi nhiễm với virus ngay khi sinh, đây là một cuộc đua giữa sự nhân lên của virus và vaccin tạo ra kháng thể kịp thời bắt lấy virus đang có trong cơ thể.
WHO khuyến cáo: các bà mẹ có xét nghiệm HBsAg(-) vẫn cần tiêm vaccine viêm gan B trong 24h đầu cho bé để đề phòng xét nghiệm (-) giả hoặc mẹ đang trong giai đoạn cửa sổ (30-60 ngày) hoặc mẹ mắc chủng VGB đột biến chưa phát hiện được qua xét nghiệm và phòng trừ trẻ lây nhiễm từ các thành viên khác trong gia đình.
Vaccin viêm gan B là một trong những vaccine an toàn, các phản ứng sau tiêm có thể xảy ra như sưng, đau tại chỗ tiêm 1-3%; sốt 0,4-8% hoặc mệt mỏi, kích thích 8-18%. Ngày đầu tiên sau khi sinh là thời điểm nguy cơ cao đối với tử vong sơ sinh và điều đó dễ dẫn đến dễ đổ lỗi do tiêm chủng.
Trước khi tiêm chủng, trẻ cần được thăm khám kĩ. Những trẻ đẻ non, nhẹ cân, trẻ đẻ khó, mẹ bị sốt trước - sau khi sinh, nước ối bẩn, thai già tháng, trẻ bị dị tật…cần thăm khám cẩn thận để tránh các trường hợp trùng hợp ngẫu nhiên. Những trẻ đang ốm, sốt, mắc bệnh nhiễm khuẩn cấp thì nên hoãn tiêm.
Hiện tại, khoa Sản bệnh viện đa khoa Đức Giang đã và đang triển khai chương trình tiêm chủng vaccine viêm gan B cho tất cả các bé trong 24h đầu sau sinh - đóng góp một phần không nhỏ vào việc phòng chống lây nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng-mục tiêu mà Bộ y tế đang hướng tới.