Rối loạn giấc ngủ là một chứng bệnh rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày và gây cho người bệnh nhiều phiền toái, khó chịu.
Mất ngủ là một dạng rối loạn giấc ngủ được đặc trưng bởi tình trạng khó đi vào giấc ngủ và/hoặc ngủ không sâu, chất lượng giấc ngủ không đảm bảo.
Căn cứ vào thời gian kéo dài trong bao lâu và mức độ thường xuyên xảy ra, mất ngủ được phân chia thành mất ngủ cấp tính (trong thời gian ngắn) và mất ngủ mạn tính (trong thời gian dài). Trong đó mất ngủ cấp tính có thể kéo dài từ một đêm đến một vài tuần. Mất ngủ được coi là mạn tính khi một người bị mất ngủ ít nhất là ba đêm trong một tuần trong tháng hoặc lâu hơn.
Tùy từng trường hợp mà biểu hiện của mất ngủ sẽ khác nhau:
Có rất nhiều yếu tố có thể gây mất ngủ:
Sự căng thẳng trong quan hệ gia đình và xã hội
Ô nhiễm môi trường, ô nhiễm tiếng ồn
Thay đổi môi trường làm việc (ví dụ như chuyển từ ca ngày sang ca đêm)
Thói quen sử dụng máy tính, điện thoại trong đêm
Ăn quá nhiều vào buổi tối, có giấc ngủ ngắn vào buổi chiều
Hormon – estrogen: hooc môn thay đổi trong suốt chu kỳ kinh nguyệt
Các vấn đề về tâm lý - rối loạn lưỡng cực , trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn tâm thần.
Các bệnh lý về Parkinson và bệnh Alzheimer, viêm khớp , tổn thương não, khối u, đột quỵ. Các triệu chứng lâm sàng bao gồm: đau mạn tính, hội chứng mệt mỏi mạn tính , suy tim sung huyết , đau thắt ngực , bệnh acid reflux ( GERD ), bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen suyễn…
Thiếu máu não: 80% trường hợp mất ngủ kinh niên là do thiếu máu lên não. Rối loạn giấc ngủ do thiếu máu não thường khó chịu, khó chữa với các biểu hiện đa dạng như: Không buồn ngủ, rất khó đi vào giấc ngủ, trở mình mãi mà không ngủ được, ngủ không sâu, cổ, lưng mỏi, chân tay tê buồn, bồn chồn, trằn trọc không ngủ tiếp được, gần sáng lại ngủ, sáng dậy thiếu ngủ, mệt mỏi, ban ngày ngủ gà ngủ gật
Viêm xoang, viêm mũi dị ứng, trào ngược dạ dày, viêm khớp, hen suyễn, đau thắt lưng... cũng có thể là nguyên nhân trực tiếp hay gián tiếp dẫn đến mất ngủ.
Các yếu tố khác: điều kiện di truyền, suy nghĩ quá mức, mang thai…
Những trường hợp mất ngủ cấp tính thường không cần điều trị. Mất ngủ nhẹ có thể ngăn ngừa hoặc chữa khỏi bằng cách xây dựng thói quen ngủ tốt. Nếu tình trạng mất ngủ gây khó khăn cho sinh hoạt đời thường do người bệnh quá buồn ngủ và mệt mỏi, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngủ trong một thời gian để hạn chế. Không tự ý sử dụng thuốc ngủ không kê đơn vì chúng có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn và có xu hướng mất đi tính hiệu quả theo thời gian. Với những trường hợp mất ngủ dài ngày cần đi khám bệnh tại bệnh viện bởi mất ngủ có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý tâm thần hoặc một bệnh cơ thể khác.
Tại khoa thần kinh Bệnh viện đa khoa Đức giang đã gặp rất nhiều các trường hợp mất ngủ do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên mà chủ yếu là trong bệnh lý rối loạn lo âu, trầm cảm, nghiện rượu, hoặc ở bệnh nhân đang điều trị một bệnh lý cơ thể nào đó. Tại đây ngoài điều trị bằng thuốc chúng tôi còn kết hợp các liệu pháp tâm lý, hướng dẫn các bài tập thể lực để cải thiện giấc ngủ cho người bệnh.
Tóm lại để có giấc ngủ thoải mái và đảm bảo nhất, cần phải có một cơ thể khỏe mạnh, một tâm lý thật thoải mái để đi vào giấc ngủ, chuẩn bị nơi nằm ngủ hợp lý, có chế độ ăn uống, sinh hoạt và tập luyện hợp lý. Khi mất ngủ kéo dài và ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày thì cần đến khám bệnh để tìm hiểu nguyên nhân mất ngủ và được tư vấn những phương pháp điều trị tốt nhất.