Gần đây bạo hành y tế ở nước ta đang có xu hướng gia tăng báo động cả về số lượng lẫn mức độ nghiêm trọng, đẩy nhân viên y tế làm việc trong môi trường đặc biệt khó khăn về áp lực cả về chuyên môn lẫn an ninh. Khoa cấp cứu là nơi tiếp nhận bệnh nhân ban đầu nên thường xuyên tiếp cận nguy cơ hành hung nhân viên y tế. Khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa Đức Giang đang dần hoàn thiện các quy trình chuyên môn, quy trình ứng xử giao tiếp với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân, nhằm hạn chế các vụ hành hung y tế đáng tiếc có thể xảy ra.
Do đặc điểm thường xuyên tiếp nhận các ca nặng liên quan đến tính mạng bệnh nhân như tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, các bệnh nặng nội khoa,...nên đòi hỏi nhân viên y tế phải làm việc khẩn trương và chính xác, trong khi nhóm gây hành hung nhân viên y tế thường là những người sử dụng ma túy, rượu và chất kích thích, lối sống côn đồ hoặc tính tình nóng nảy. Ngoài ra các vụ hành hung có thể đến từ sự chậm trễ trong khâu đăng ký khám chữa bệnh, các thủ tục hành chính, chế độ chính sách dẫn tới người nhà dễ mang bực tức, hằn học trút giận lên người thầy thuốc.
Lãnh đạo khoa cấp cứu dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc thường xuyên nhắc nhở mọi người làm việc tập trung, khẩn trương, rà soát lại quy trình cấp cứu, tư vấn đề đăng ký ban đầu được nhanh và thuận lợi nhất, tiếp nhận và phân loại bệnh ngay tại nơi đăng ký, giường cáng cấp cứu lưu động, tủ thuốc cấp cứu lưu, quy trình và trang thiết bị cấp cứu ngừng tuần hoàn, đặc biệt là hệ thống an ninh bảo vệ nơi cửa ra vào, hạn chế người ra vào khi không cần thiết, lối thoát hiểm cho nhân viên y tế. Quy trình theo dõi và điều trị, giải thích liên tục về tình trạng bệnh cho người thân liên tục được đề cao, đặc biệt là những tình huống nặng, cân nhắc giải thích cho người thân trong gia đình.
Cho đến nay, ngoài những vụ phát ngôn thiếu văn hóa, quay phim, chụp ảnh, ghi âm bừa bãi... rất may chưa có sự cố hành hung nào xảy ra tại khoa cấp cứu, bước đầu khẳng định quy trình làm việc ngày càng chuyên nghiệp và linh hoạt hơn, là thành công ban đầu của tập thể khoa, sự chỉ đạo liên tục của Ban giám đốc, sự phối hợp nhịp nhàng các khoa và phòng ban chức năng liên quan, đội ngũ an ninh của bệnh viện. Hy vọng với cố gắng đồng bộ của ngành y tế, các cơ quan chức năng và dân trí nâng cao, nước ta không còn việc hành hung, bạo hành nhân viên y tế.