Trong thời tiết giao mùa hiện nay, bệnh tay chân miệng (TCM) ở trẻ em có nguy cơ gia tăng mạnh và có thể bùng phát thành dịch, đặc biệt khi năm học mới chuẩn bị bắt đầu.
Theo số liệu ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2018, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã tiếp nhận 96 ca bệnh nhi nhập viện điều trị do TCM và gia tăng đỉnh điểm trong các tháng 5, 6 (với tổng 94ca bệnh). Số ca mắc TCM chủ yếu tập trung ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi (hay gặp nhất ở trẻ 1-3 tuổi).
Bệnh TCM là gì?
Bệnh TCM là bệnh truyền nhiễm cấp tính thường gặp ở trẻ nhỏ do virus gây ra. Bệnh TCM có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3- 5 và tháng 9- 10.
Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường tiêu hóa qua tiếp xúc với đồ dùng, đồ chơi, vật dụng dùng chung... và có khả năng gây thành dịch lớn. Trong một số trường hợp, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm dẫn tới tử vong
Những dấu hiệu chính của bệnh TCM:
Các dấu hiệu của bệnh TCM ở trẻ rất dễ nhận biết, bao gồm:
Sốt (Sốt nhẹ hoặc sốt cao)
Xuất hiện bọng (bóng) nước: Ban đầu là những chấm đỏ, sau thành bọng (bóng) nước và vỡ ra thành vết loét. Thường thấy ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Một số trẻ có thể đau miệng, bỏ ăn, nôn, tăng tiết nước bọt, tiêu chảy, mệt mỏi, quấy khóc…
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình cần cho trẻ nghỉ học và đưa con đến khám tại cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng lên, kịp thời điều trị, tránh hậu quả đáng tiếc
Các dấu hiệu bệnh nặng cần nhập viện
Sốt cao không hạ: Trẻ sốt trên 38,5 độ C, kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt như Ibuprofen đường uống cần được đưa đến bệnh viện ngay.
Giật mình: đây là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Chú ý phát hiện triệu chứng này ngay cả khi trẻ đang chơi, quan sát xem tần suất giật mình có tăng theo thời gian hay không
Khó thở: có thể là biểu hiện của tình trạng suy tim, rối loạn huyết động… Phát hiệu triệu chứng khó thở bằng cách quan sát các dấu hiệu co rút cơ hô hấp ở mũi ức, trẻ thở khó nhọc, thở nhanh hơn bình thường, cánh mũi phập phồng….
Rối loạn ý thức: có thể là biểu hiện của viêm não, huyết áp thấp… Cần phát hiện rất sớm từ khi trẻ ngủ gà, chậm chạp.
Tiểu ít: có thể là biểu dấu hiệu sớm của tình trạng nặng. Tiểu ít là biểu hiện của tình trạng rối loạn huyết động, tụt huyết áp, suy thận. Đánh giá lượng nước tiểu hàng ngày của trẻ bằng cách thu thập nước tiểu vào các dụng cụ có thể đánh giá số lượng như chai nước nhựa.
Một số dấu hiệu khác: nôn nhiều, nôn khan, yếu chân tay, khó nuốt, đi loạng choạng….
Nguyên tắc phòng bệnh: Hiện chưa có vaccin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu
Để chủ động phòng chống bệnh TCM, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo các biện pháp như sau:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em), đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.
Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.
Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.
Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, phân và các chất thải của bệnh nhân phải được thu gom và đổ vào nhà tiêu hợp vệ sinh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.