Ung thư đại-trực tràng là một trong các bệnh ung thư có tỉ lệ mắc cao và tỉ lệ gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tuy vậy, nếu được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng thành công cũng rất cao.
I. Ung thư đại trực tràng là gì?
Đại-trực tràng là phần cuối cùng của ống tiêu hóa.
Đại – trực tràng chia thành 5 đoạn ( đại tràng lên, đại tràng ngang, đại tràng xuống, đại trang xích ma, trực tràng), Ung thư có thể khởi phát từ bất cứ đoạn nào trên đại tràng hoặc trực tràng. Ung thư xuất phát từ lớp trong cùng của thành ruột (niêm mạc đại trực tràng) sau đó xâm lấn ra ngoài các lớp khác của thành ruột.
II. Triệu chứng của ung thư đại trực tràng
* Mệt mỏi, chán ăn, gầy sút cân
* Rối loạn phân: phân táo, phân lỏng, hoặc táo lỏng xen kẽ; phân có nhày máu; khuôn phân bé hoặc bị khuyết.
* Các triệu chứng khác, như: Đau bụng, đầy chướng bụng, khó tiêu, tự sờ thấy u cục bất thường trên thành bụng.
* Một số bệnh nhân được phát hiện ung thư đại trực tràng khi đã có biến chứng tắc ruột, thủng ruột, hoặc đi ngoài phân đen, lẫn máu…
Ung thư ở mỗi vị trí trên khung đại trực tràng sẽ biểu hiện các triệu chứng khác nhau. Ung thư đại tràng phải thường gặp đi ngoài phân lỏng, ngược lại ung thư đại tràng trái lại hay gặp táo bón kéo dài, trong khi đó mót rặn, đi ngoài phân nhày máu lại là các biểu hiện của bệnh ung thư trực tràng.
III. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ
Hiện nay chúng ta chưa biết nguyên nhân chính xác gây ra ung thư đại-trực tràng, tuy nhiên có những yếu tố chắc chắn làm bệnh nhân dễ mắc bệnh như:
* Các Polyp đại-trực tràng:
* Viêm loét đại tràng hoặc bệnh CROHN
* Tiền sử cá nhân bị ung thư
* Tiểu sử gia đình bị ung thư đại trực tràng
* Các yếu tố lối sống
* Tuổi trên 50
IV. Các phương pháp chẩn đoán
1. Thăm khám lâm sàng:
“Thăm trực tràng” là một biện pháp đơn giản, không gây đau đớn, giúp phát hiện sớm các dấu hiệu của ung thư đại-trực tràng, bác sĩ dùng tay đeo găng sạch, thăm khám qua đường hậu môn có thể sờ thấy khối u, rút ngón tay ra có máu dính theo găng, đó đều là những triệu chứng cảnh báo vô cùng giá trị
2. Các xét nghiệm cận lâm sàng:
* Xét nghiệm tìm máu ẩn trong phân (FOBT): Xét nghiệm tìm dấu vết hồng cầu trong phân.
* Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong máu: Xét nghiệm CEA, CA 19-9 rất có giá trị trong việc đánh giá hiệu quả điều trị và theo dõi bệnh.
* Chụp cản quang khung đại tràng: giúp quan sát một cách toàn diện trạng thái của đường ruột, xem có sự hiện diện của các khối u về vị trí, mức độ hẹp, giãn của lòng ruột.
* Nội soi đại tràng, trực tràng bằng ống mềm: nhằm xác định sự có mặt của khối u trong lòng đại trong, cũng như vị trí, kích thước, hình dạng. Đặc biệt thông qua nội soi có thể sinh thiết khối u làm chẩn đoán.
* Siêu âm, Chụp CT, MRI ổ bụng có hoặc không tiêm thuốc cản quang: giúp đánh giá vị trí, kích thước khối u, mức độ xâm lấn ra tổ chức xung quanh, khả năng di căn gan, hạch ổ bụng.
* Chụp PET-CT: rất có ý nghĩa trong việc đánh giá tái phát, di căn.
V. Các biện pháp phòng tránh ung thư đại trực tràng:
* Lắng nghe cơ thể bạn, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, nên đi khám bác sĩ ngay.
* Khám sức khỏe định kì hàng năm đối với người trên 40 tuổi.
* Ăn nhiều hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên chất, bổ sung các vi chất như canci, acid folinic, vitamin A, C, E
* Hạn chế chất béo, thịt, mỡ, thực phẩm chiên rán, pho mát, kem, dầu dừa và dầu cọ, rượu, thuốc lá, tuyệt đối không ăn các đồ ăn ôi thiu, hết hạn sử dụng, dưa muối lâu ngày…
* Luôn tập luyện và duy trì cân nặng, sức khỏe