Vaccine ra đời vào thế kỉ thứ XVI, là một trong những thành tựu vĩ đại của y học nói riêng và của nhân loại nói chung bởi nó đã giúp phòng ngừa hay loại trừ một số bệnh lý nguy hiểm có thể gây tử vong hoặc để lại di chứng nghiêm trọng ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ. Tiêm Vaccine được xem là biện pháp hiệu quả và kinh tế nhất hiện nay giúp cho chúng ta khỏe mạnh. Nhưng không phải bậc cha mẹ nào cũng có hiểu biết đầy đủ về vấn đề chủng ngừa Vaccine. Đồng thời vấn đề thông tin báo chí truyền thông đôi khi không chính xác đã làm cho phụ huynh lo sợ, thậm chí một số còn có những hiểu lầm về vaccine dẫn tới không tiêm hoặc tiêm không đầy đủ dẫn tới hậu quả trẻ mắc bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng hay bị di chứng suốt đời, đồng thời gây một số dịch bệnh lan rộng (như dịch sởi năm 2013). Do đó, bài viết này được thực hiện nhằm lý giải những thắc mắc phổ biến của các bậc cha mẹ về tiêm chủng.
1. Tiêm vaccine có phải là nguyên nhân thực sự khiến nhiều trẻ tử vong? Không.
Mấy năm gần đây, thông tin truyền thông đăng tin một số vụ tử vong liên quan đến tiêm vaccine,như vụ 3 trẻ tử vong sau tiêm phòng viêm gan B ở Quảng Trị Sau khi thanh tra y tế điều tra thì phát hiện ra tiêm nhầm thuốc. Hay vụ việc đầu năm 2006, một vụ tai biến sau khi chích vaccine MMR(sởi-quay bị - rubenlla) làm 1 cháu tử vọng và khoảng 5-6 cháu bị nhiễm khuẩn huyết khiến phụ huynh không cho con đi chích ngừa MMR. Thực chất sau khi đoàn thanh tra y tế kiểm tra phát hiện vaccine MMR không gây ra tai biến mà do một loại vi khuẩn tên là tụ cầu từ hầu họng của 1 nhân viên y tế chích ngừa cho trẻ gây bệnh. Và thường những kết luận sau cùng thì không được giới truyền thông đính chính, điều này dẫn tới nhiều cha mẹ không dám đưa con đi chích ngừa gây vụ dịch sở năm 2013. Hiện nay,chưa có một kết luận thực sự nào về những trường hợp tử vong sau tiêm phòng là do vaccine.
2. Vaccine đảm bảo chúng ta được an toàn? Không.
Vaccine không đảm bảo có thể bảo vệ chúng ta 100% khỏi bệnh tật, tuy nhiên chúng có thể giúp hạn chế tác hại của bệnh. Chẳng hạn như vaccine phòng cúm và thủy đậu, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm khi đã tiêm ngừa, tuy nhiên mức độ nhẹ hơn rất nhiều.
3. Có cần tiêm Vaccine nữa khi căn bệnh đã được xóa sổ? Có.
Căn bệnh truyền nhiễm duy nhất ở người đã được WHO công bố xóa sổ là bệnh đậu mùa. Còn cho đến nay vẫn có những trận bùng phát bệnh quai bị, sởi và ho gà. Vaccine có thể bảo vệ chúng ta khi chúng ta sống giữa những người chưa tiêm Vaccine.
4. Có nên tiêm vaccine cho trẻ lớn và người lớn không? Có.
Có nhiều loại vaccine dùng cho trẻ lớn và người trưởng thành. Cụ thể như việc chích ngừa cúm định kỳ hàng năm. Sinh viên đại học nên được tiêm vaccine phòng chống viêm màng não trước khi sống tập thể, người già thì nên tiêm vaccine phòng viêm phổi. Người lớn cũng cần hỗ trợ chống bệnh uốn ván và chứng ho gà. Vì trẻ nhỏ dưới 4 tuổi không đề kháng được bệnh ho mà lại rất dễ nhiễm bệnh này từ người lớn.
5. Nếu những người khác đều tiêm vắcxin thì mình có an toàn? Không.
Những gia đình cùng không tiêm ngừa cho con thường gửi trẻ đi học ở cùng trường, cùng một nhóm bạn. Do đó, những bệnh mà lẽ ra vaccine có thể phòng ngừa lại rất dễ lây lan. Hơn nữa, một số người không thể tiêm vaccine do cản trở tuổi tác và sức khỏe. Ngoài ra, một số mầm bệnh như mầm bệnh uốn ván và viêm gan A có thể xâm nhập từ đất và thực phẩm nhiễm bẩn chứ không nhất thiết từ người khác.
6. Tiêm vaccine quá nhiều có làm hệ miễn dịch yếu đi? Không.
Mỗi liều vaccine khiến cho cơ thể có phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể giúp chống lại được căn bệnh khi nó xuất hiện. Hãy cho trẻ em chích ngừa nhiều loại vaccine cùng lúc để bảo vệ trẻ càng sớm càng tốt.
7. Vaccine gây tác dụng phụ? Có.
Vaccine có tác dụng phụ, hay gặp nhất là đau ở chỗ tiêm và sốt. Hai triệu chứng này cha mẹ trẻ dễ dàng đẩy lùi bằng cách dùng một chiếc khăn lạnh đắp lên vết tiêm chủng nhằm làm giảm sưng đau( khăn cần được tuyệt trùng kĩ càng) hoặc dùng thuốc hạ sốt acetaminophen và ibuprofen. Ít gặp hơn là các cơn co giật, hiếm gặp sốc phản vệ. Các nguy cơ cũng còn tùy thuộc vào loại vaccine và một số trẻ có nguy cơ chịu tác dụng phụ cao hơn trẻ khác. Trong trường hợp này, tốt nhất là nên cảnh báo gia đình hoặc không cho trẻ tiêm loại vắcxin đó.
8. Sốc phản vệ sau tiêm vaccine? Có.
Có lẽ đây là điều mà phụ huynh lo sợ nhất khi đưa con đi chích ngừa và đây cũng là điều mà báo chí “vịn” vào để đưa ra những thông tin chưa thật xác thực khiến cha mẹ lo lắng về tình trạng vaccine không an toàn. Trên thực tế, để đưa một loại vaccine vào thị trường, thì vaccine đó đã được kiểm tra và thử nghiệm rất rất nghiêm ngặt để loại trừ tất cả rủi ro có thể xảy ra. Đầu tiên là chích ngừa trên động vật sống. Sau đó là một nhóm người tình nguyện nhỏ rồi thử nghiệm trên một nhóm đông hơn trong một thời gian dài để xem xét các phản ứng và hiệu quả của vaccine. Cuối cùng mới được sử dụng cho cộng đồng. Vì thế, xác suất để xảy ra phản ứng sốc phản vệ là RẤT HIẾM( khoảng 1/1.000.000 trường hợp). So sánh với xác xuất trẻ không được tiêm vaccine mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đến tính mạng( như viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn máu, ho gà) và lây nhiễm cho cộng đồng là cao hơn rất nhiều. Mặt khác, các bác sĩ và điều dưỡng tiêm chủng cho trẻ đều được đào tạo sử trí sốc phản vệ ngay tại chỗ để bảo toàn tính mạng cho trẻ nên cha mẹ có thể an tâm tiêm phòng cho trẻ.
9. Tiêm vaccine sớm gây nguy hại cho trẻ? Không.
Ngay từ khi ra đời, trẻ có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể. Kháng nguyên là những chất lạ xâm nhập vào cơ thể và có khả năng kích thích hệ miễn dịch cơ thể sinh ra những kháng thể chống lại chúng. Những kháng nguyên này nhiều nhất là các siêu vi, vi khuẩn, ngoài ra còn có đạm trong sữa hay thức ăn. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới sinh trẻ vẫn được bảo vệ bởi những kháng thể nhận từ mẹ trong giai đoạn bào thai. Mặc dù vậy, có những bệnh nhiễm khuẩn mà mẹ chưa có kháng thể để chống lại hoặc có kháng thể đó nhưng không thể truyền sang cho con trong giai đoạn bào thai, mà những bệnh này có thể gây bệnh rất nặng cho trẻ. Do đó, trẻ cần được chủng ngừa sớm ngay sau sinh.
10. Có chích ngừa được nhiều loại vaccine cùng một lúc? Có.
Hiện nay, nhiều trẻ vẫn bị từ chối không cho chích ngừa nhiều mũi cùng một lúc. Điều này cũng là một trong những hiểu lầm của chính y-bác sĩ tại các trung tâm chủng ngừa. Hệ miễn dịch của trẻ có thể tiếp nhận hơn 10.000 kháng nguyên cùng một lúc, thế nhưng tổng số vaccine trong thực tế hiện nay chưa bao giờ chiếm một phần nhỏ khả năng đáp ứng của hệ miễn dịch của trẻ. Vì thế, có thể chích ngừa bao nhiêu vaccine cùng một lúc đều được miễn thỏa mãn điều kiện tuổi tối thiểu và khoảng cách tối thiểu giữa các lần chích. Chích nhiều loại vaccine cùng một lúc sẽ giúp trẻ được bảo vệ kịp thời đối với nhiều bệnh truyền nhiễm có thể chủng ngừa bằng vaccine, giúp tiết kiệm thời gian và tiền bạc đi chích ngừa nhiều lần, giúp tránh lỡ một loại vaccine nào đó và đỡ phải hối tiếc khi đến kỳ đi chích vaccine nào đó mà vaccine đó lại đang“ cháy hàng”.
11. Làm thế nào để chích ngừa được đầy đủ và kịp thời?
Việc khan hiếm vaccine hiện nay khiến một số trẻ không được chích ngừa đầy đủ và kịp thời. nếu mỗi khi có dịch bệnh nào đó sảy ra là các bậc cha mẹ lại thêm một phen lo lắng. do đó, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp hiệu quả và đơn giản sau:
Khi đưa trẻ đi khám định kì, lúc đó có thể chích được bao nhiêu mũi vaccine thì hãy cho trẻ chích cùng một lúc.
Nhớ đem theo sổ chích ngừa để bác sĩ biết còn cần chích vaccine nào nữa.
Khi trẻ đi khám một bệnh nào đó trẻ vẫn có thể chích ngừa được miễn trẻ không sốt cao hay lừ đừ. Chích ngừa vào những dịp đó sẽ đỡ tốn công và thời gian cha mẹ đi thêm những lần khác chỉ để chích ngừa mà lại đỡ lo vaccine bị hết sau này. Do đó. Khi đi khám bệnh, phụ huynh nên tập thói quen đem theo sổ chích ngừa.