Mặc dù ít trẻ em bị bệnh COVID-19 hơn so với người lớn, nhưng trẻ em có thể bị nhiễm vi-rút gây ra COVID-19 và làm lây lan vi-rút cho những người khác. Hầu hết trẻ em bị COVID-19 có các triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, một số trẻ em có thể bị bệnh nặng do COVID-19 phải nhập viện chăm sóc đặc biệt, thở máy và có nguy cơ tử vong. Đặc biêt đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi và trẻ em có bệnh lý nền có thể bị bệnh nặng do COVID-19, bao gồm: Hen suyễn hoặc bệnh phổi mãn tính; các bệnh về rối loạn chuyển hóa; bệnh hồng cầu hình liềm; bệnh tim bẩm sinh; suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng các thuốc làm suy giảm hệ thống miễn dịch; béo phì.
Theo thông tin từ Sở y tế Hà Nội, số trẻ em mắc covid -19 tại Hà Nội trong đợt dịch này cũng đang có dấu hiệu gia tăng đáng kể. Từ 5/7 đến 30/7/2021 có tới khoảng 5% tổng số ca mắc Covid – 19 ở Hà Nội là trẻ từ 0-5 tuổi. Tỷ lệ này khá cao so với những đợt dịch trước ở nước ta. Hầu hết trẻ mắc đều do lây nhiễm trong hộ gia đình, tuy nhiên cũng có thể do biến chủng Delta dễ lây nhiễm cho trẻ em. Điều may mắn là hầu hết trẻ mắc Covid – 19 đều thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc ở thể nhẹ.
Hình ảnh bác sĩ thăm khám cho trẻ tại khu điều trị
Triệu chứng nghi ngờ COVID-19 ở trẻ em
Các triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 ở trẻ em là sốt và ho, nhưng ngoài ra có thể có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào sau đây của COVID-19:
- Sốt hoặc ớn lạnh,ho,nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi,mất vị giác hoặc khứu giác, đau họng.
- Thở gấp hoặc khó thở
- Tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa.
- Đau bụng
- Mệt mỏi, đau đầu
- Đau nhức mỏi cơ
- Chán ăn hoặc bú kém, đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi
Nếu trẻ có một trong các dấu hiệu trên, cha mẹ cần theo dõi sát các triệu chứng xem có sự thay đổi nặng lên hay có kèm biểu hiện khác không. Ngoài ra, cha mẹ cần theo dõi những người mà trẻ/cha mẹ có tiếp xúc gần bị nhiễm COVID-19, và cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được tư vấn và hỗ trợ.
Cách phòng ngừa COVID-19
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế kêu gọi người dân Việt Nam cùng thực hiện và lan tỏa nghiêm túc thông điệp “5K+ Vắc xin” gồm Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế + Vắc xin. Đối với trẻ, cần hướng dẫn và củng cố các hoạt động phòng ngừa hằng ngày, bao gồm:
· Rửa tay bằng xà phòng và nước trong 20 giây. Nếu không có, hãy sử dụng nước rửa tay có chứa ít nhất 60% cồn. Đối với trẻ dưới 6 tuổi cần có sự giám sát của người lớn khi trẻ sử dụng nước rửa tay.
· Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng
· Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hay nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực, cổ; uống nước ấm.
· Đảm bảo mọi người trong gia đình đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách an toàn khi ra ngoài.
· Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ theo các khuyến nghị đã có.
· Thường xuyên hoạt động thể chất để cải thiện sức khỏe và tinh thần cho trẻ
· Khai báo y tế cho trẻ và những người trong gia đình, báo ngay cho cơ quan y tế hoặc ứng dụng NCOVI khi có triệu chứng nghi ngờ.