Trong và sau mưa, bão, lũ lụt, rất nhiều vi sinh vật, bụi, rác, chất thải… theo dòng nước lan đi khắp nơi, gây ô nhiễm môi trường và tăng nhanh khả năng bùng phát lây lan dịch bệnh, vì vậy, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh bệnh dịch lây lan.
Thông thường, phải đến giữa tháng 7 mùa mưa mới chính thức bắt đầu. Bây giờ bắt đầu vào mùa mưa lũ, thành phố Hà Nội cùng nhiều địa phương khác trên cả nước xuất hiện nhiều đợt mưa lớn, gây lũ lụt, ngập úng trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.
Trong và sau các trận mưa vô số các vi sinh vật, bụi, rác, chất thải,… theo dòng nước tràn ra nhiều nơi, gây ô nhiễm môi trường và tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh. Những dịch bệnh phổ biến có thể phát sinh, phát triển trong mùa mưa lũ như: Bệnh đường tiêu hóa (tiêu chảy, tả, lỵ, thương hàn…); Các bệnh về da (nước ăn chân, viêm da, viêm nang lông…); Các bệnh về mắt (đau mắt đỏ, mắt hột)… Không chỉ bùng phát các dịch bệnh, trong mùa mưa bão, nguy cơ xảy ra tai nạn thương tích đối với người dân cũng tăng cao hơn
Hình ảnh minh họa
Do vậy, để chủ động phòng, chống, ứng phó có hiệu quả với các diễn biến bất thường trong và sau mưa lũ, người dân cần chủ động thực hiện các khuyến cáo sau đây:
– Thực hiện ăn chín, uống chín, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
– Thực hiện thau rửa bể nước, dụng cụ chứa nước và dùng những hóa chất như Cloramin B hoặc những hóa chất khác được Bộ Y tế khuyến cáo để khử trùng nước sử dụng cho ăn uống và sinh hoạt.
– Bảo đảm vệ sinh môi trường: Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó. Sử dụng vôi bột hoặc các hóa chất được Bộ Y tế khuyến cáo để xử lý. Phun hóa chất diệt côn trùng truyền bệnh tại các vùng có nguy cơ.
– Kịp thời phát hiện và dập tắt bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, đặc biệt cần đề phòng dịch tả, lỵ, thương hàn…
- Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất