Bệnh lao là một trong những bệnh nhiễm trùng mạn tính xuất hiện sớm nhất ở loài người. Vào đầu thế kỷ 18, bệnh lao đã hoành hành ở Châu Âu, Châu Mỹ và trở thành bệnh dịch nguy hiểm gây chết nhiều người nhất, cứ 07 người thì có 01 bệnh lao. Từ năm 1882 đến nay đã có hơn 200 triệu người chết vì bệnh lao. Ngày nay dưới tác động của đại dịch HIV/AIDS mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 09 triệu người mắc bệnh lao và gần 03 triệu người chết do lao.
Ngày 24 tháng 03 năm 1882, nhà bác học người Đức Robert Kock là người đầu tiên công bố tìm ra nguyên nhân gây bệnh lao, đó là trực khuẩn lao (Mycobacterium Tuberculosis) khi xét nghiệm đờm của người mắc bệnh lao phổi. Phát hiện quan trọng của ông đã mở đường cho việc loại trừ căn bệnh nguy hiểm này.
Để kỷ niệm 100 năm ngày tìm ra trực khuẩn lao của R.Kock, năm 1982. Tổ chức Y tế Thế Giới, Hiệp hội Bài lao và Bệnh phổi quốc tế lần đầu tiên tổ chức, kỷ niệm ngày 24/3, và lấy ngày đó làm Ngày Chống lao thế giới để kêu gọi sự quan tâm của nhân loại đối với căn bệnh nguy hiểm này.
Từ năm 1998, Ngày Chống lao thế giới – 24/03 được xem là ngày chính thức của Liên Hiệp Quốc và đã trở thành một sự kiện sức khỏe quan trọng trên toàn cầu. Nhưng Ngày Chống lao thế giới không phải là ngày lễ ăn mừng, bởi lẽ, kẻ giết người mạnh nhất trong lịch sử nhân loại là bệnh lao vẫn còn đang hoành hành cho dù các biện pháp chẩn đoán và điều trị hữu hiệu đã có.
Ngày Thế giới chống lao 24/03 là dịp để truyền thông nhằm nâng cao sự hiểu biết của cộng đồng về bệnh lao, là dịp để huy động chính phủ các nước, các nhà tài trợ, các tổ chức xã hội và cộng đồng cùng cam kết tăng cường hoạt động phòng chống lao trong phạm vi mỗi quốc gia và trên toàn cầu.
Việt Nam hiện vẫn nằm trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới, đứng thứ 16 về số người mắc lao cao và đứng thứ 15 gánh nặng laokháng đa thuốc. Trong đó, 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Vì vậy, lao thực sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung. Đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Ngày 26 tháng 9 năm 2018 tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc về chấm dứt bệnh lao với sự cam kết của các nhà lãnh đạo cấp quốc gia các nước thành viên Liên hiệp quốc. Tại đây, Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu 2030 không còn bệnh lao Việt Nam đã có nhiều hành động, chính sách và chiến lược cụ thể:
1. Nghị quyết Trung ương 20 kỳ họp thứ VI khoá XII đã nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt bệnh lao với những chỉ đạo về quan tâm đầu tư nguồn lực cũng như chính sách hỗ trợ cho tiến trình chấm dứt bệnh lao trên phạm vi toàn quốc.
2. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đến năm 2020, tầm nhìn 2030 với nội dung tham chiếu Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu. Do vậy, có thể nói Chiến lược chấm dứt bệnh lao của Việt Nam có mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và tổ chức thực hiện rõ ràng.
3. Sau năm 2015, mặc dù Quốc hội đã cắt giảm Chương trình mục tiêu quốc gia, tuy nhiên, Chương trình chống lao vẫn được hỗ trợ từ một phần ưu tiên trong Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu Y tế và Dân số của Chính phủ theo Quyết định 1125/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
4. Các chính sách hỗ trợ người bị lao và nhân viên y tế tham gia phòng chống lao: Thông tư, Nghị định, Quyết định làm nền tảng: Nghị định 56/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập; Thông tư 02/2013/TT-BYT ngày 15 tháng 01 năm 2013 quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao; Thông tư 04/2016/TT-BYT ngày 26 tháng 02 năm 2016 quy định về khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh lao,…
5. Xây dựng mạng lưới y tế từ Trung ương đến địa phương tích hợp vào hệ thống y tế chung tại cơ sở vận hành trong nhiều năm, mạnh về tổ chức và kinh nghiệm. Đến nay toàn quốc đã có 51 Bệnh viện chuyên khoa, trong đó 48 Bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh có thể nhanh chóng áp dụng tốt tất cả các kỹ thuật can thiệp mới được WHO khuyến cáo. Mạng lưới đã phủ kín toàn quốc đến xã/ phường, thôn bản.
6. Hướng dẫn kỹ thuật với phác đồ chuẩn được triển khai rộng rãi trên phạm vi toàn quốc từ tiêu chuẩn chẩn đoán, các kỹ thuật xét nghiệm, phác đồ điều trị lao thường, lao đa kháng, tiền siêu kháng, siêu kháng và lao tiềm ẩn đều được cấp thuốc miễn phí từ Trung ương đến xã/ phường, thôn bản.
7. Việt Nam đã có mạng lưới nghiên cứu rất mạnh với việc thành lập Trung tâm hợp tác nghiên cứu lao và bệnh phổi tại Bệnh viện Phổi Trung ương với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Đã xây dựng được chiến lược nghiên cứu và các ưu tiên quốc gia về nghiên cứu và đổi mới. Có những nghiên cứu tầm cỡ toàn cầu đã được tiến hành và hoàn thành từ thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu điều tra, nghiên cứu can thiệp dịch tễ và được đăng tải trên những tạp chí mạnh nhất trên thế giới, được WHO coi là một nước đi đầu trong triển khai Chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn cầu.
8. Hợp tác quốc tế: Việt Nam được hỗ trợ mạnh mẽ của quốc tế cả về tài chính và kỹ thuật. Hiện nay, về tài chính, Quỹ toàn cầu đang hỗ trợ chủ yếu cùng với các đối tác khác đang chiếm khoảng 70% kinh phí vận hành chương trình. Về mặt kỹ thuật WHO, KNCV, CDC Hoa Kỳ, CHAI … đang hỗ trợ rất đắc lực để Việt Nam có thể áp dụng nhanh và hiệu quả nhất các công nghệ mới, đồng thời cũng cung cấp nhiều bằng chứng và kỹ thuật cho các nước trên thế giới. Hiện tại có hơn 40 đối tác trong nước và quốc tế cùng tham gia nhiệt tình với cơ chế điều phối mềm dẻo, từ cơ quan quản lý nhà nước, đến các hiệp hội, trường đại học, tổ chức phi chính phủ và cộng đồng, trong đó có 9 tổ chức cùng được hỗ trợ kinh phí của Quỹ toàn cầu thực hiện chung một mục đích chấm dứt bệnh lao.
Thách thức lớn nhất của Chương trình chống lao hiện nay là duy trì bền vững tất cả những điều kiệnthuận lợi hiện nay, giữ vững những quả đã đạt được cho đến năm 2030. Việt Nam cần có sự tiếp cận chủ động của cộng đồng với các dịch vụ phòng, chống lao để phát hiện sớm và tất cả mọi trường hợp bị lao, điều trị khỏi tất cả các thể lao, vì vậy mà cắt đứt nguồn lây, chấm dứt bệnh lao.
Chúng ta cần sự tham gia tích cực của cộng đồng, tuyên truyền giáo dục giảm thiểu kỳ thị mặc cảm về bệnh lao và có chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ kinh tế cho mọi người dân, không còn rào cản nào khiến họ phải giấu bệnh hoặc bỏ trị.