Nang và rò bẩm sinh vùng cổ là những bệnh thường gặp trong phẫu thuật đầu mặt cổ. Nguyên nhân của bệnh là do sự phát triển không hoàn hảo của phôi thai. Bệnh gặp ở nam và nữ với tỉ lệ ngang nhau, thuờng gặp ở bệnh nhân trẻ tuổi.Tuy ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng đến thẩm mỹ, đời sống lao động, đặc biệt khi có biến chứng điều trị kéo dài gây tốn kém.
I. ĐẠI CƯƠNG
Dựa trên nghiên cứu, các tác giả trên thế giới cho rằng nang và rò cổ bên có nguồn gốc từ sự phát triển không bình thường của các cung mang. Đường đi của chúng rất phức tạp, xuyên qua nhiều cơ quan, gần mạch máu, thần kinh.
Nang có thể xuất hiện ở mọi nơi vùng cổ mặt. Phần lớn nang ở vùng cổ trên, vùng trán. Khi nang to cỡ hạt đậu người ta mới phát hiện. Nang có thể phát triển đến cỡ trứng cút, trứng gà rồi ngừng lại. Một số nang ở vùng giữa mặt cổ là đầu ngoài của rò, thí dụ như rò nang giáp móng. Vùng dưới lưỡi cũng có nang, còn gọi là u nhái, nó có thể đơn độc, có thể có hai thuỳ hoặc cả bên đối diện.
II. CÁC LOẠI RÒ
1. Rò rễ mũi: Đường rò rất ngắn ở giữa vùng sóng mũi.
2. Rò giáp móng: Đi từ đáy lưỡi đến xương móng. Đầu rò ngoài có thể nhỏ bằng lỗ kim, rỉ ít nước nhớt. Có khi đầu rò ngoài chỉ là một nang ở giữa cổ vùng xương móng. Rò này dễ nhiễm trùng vì đầu trong của rò là đáy lưỡi. Đường rò đi từ đáy lưỡi đến mặt sau xương móng và chuyển ra dưới da nếu là nang và chuyển ra da nếu là đầu rò.
3. Rò trước tai: Đây là rò ngắn ở vùng trước tai. Đầu ngoài của đường rò ra da thường ở trước sụn vành tai, trên sụn bình tai. Ở dưới là một cái nang, nang này thường nằm sát sụn vành tai. Nếu rò không nhiễm trùng thì không cần phải phẫu thuật. Nếu nhiễm trùng, rỉ nhớt, hôi, có khi đục như mủ to ra, đỏ và rất đau và vỡ ra da thì nên phẫu thuật. Bệnh thường hay tái phát sau mổ.
4. Rò khe mang:
- Rò khe mang số 1: Đường rò ngắn, đi ngang qua tuyến mang tai, đầu ngoài ở vùng cạnh hàm, vùng tuyến mang tai. Đầu trong ở mặt dưới ống tai ngoài. Đường rò này ít nhiễm trùng. Phẫu thuật hay chạm dây VII gây liệt mặt.
- Rò khe mang số 2: Đầu ngoài của rò ở 1/3 trên cạnh cổ. Đầu trong tiếp xúc với cực dưới amiđan, thường hay rỉ nhớt của nước bọt, dễ phát hiện và cần phẫu thuật.
- Rò khe mang số 3: Đây là đường rò dài nhất. Đầu ngoài đường rò ở 1/3 giữa cổ bên. Đường rò đi vào trong ngang qua chạc cảnh và đến đáy xoang lê. Đường rò này hay bị rỉ nhớt, nước bọt. Nên phẫu thuật từ dưới lên trên. Phải cẩn thận khi đi ngang qua chạc cảnh.
- Rò khe mang số 4: Đây là rò hiếm gặp và ngắn. Đường rò bắt đầu ở 1/3 dưới cổ bên và đi thẳng vào khí quản, ít rỉ nhớt và ít được phát hiện. Phẫu thuật dễ.
III. CÁC LOẠI NANG
1. Nang tuyến ức: Tuyến ức xuất phát từ túi hầu thứ 3. Hình thành từ tuần thứ 6 thời kỳ phôi thai. Phần tồn dư dạng dây chằng chạy dọc theo góc hàm đến cổ giữa.
2. U nang bì: Thường nằm ở vùng dưới hàm. Không di đông theo sự di động của lưỡi, lót bởi lớp biểu bì và phần phụ. Xử trí bằng cách rạch mở nang bóc nang.
3. U nhái sàng miệng: Khối giả u nằm ở sàng miệng thường do sự tăng tiết chất nhầy hoặc do tắc nghẽn ống tuyến dưới lưỡi. Khối đơn độc dưới hàm hoặc nằm dưới lưỡi.
4. Nang bạch huyết: Lành tính, khối u có vách, mềm mại, không đau, đè ép được - Tỷ lệ 1.2 – 2.8‰. Vị trí hay gặp ở tam giác cổ sau. Sinh lý bệnh: bất thường về sự phát triển hoặc có sự tắc nghẽn hệ bạch huyết. Siêu âm và chụp CT: nang thành mỏng, nhiều vách. Xử trí: phẫu thuật tạo hình cắt bỏ khối u. Khối u nằm ở cổ trước có thể có ảnh hưởng đến hô hấp ở trẻ do chèn ép. Tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật: 25 – 50%.
5. U máu: Là dạng u vùng đầu cổ hay gặp nhất ở trẻ em. Xuất hiện khoảng 30% lúc trẻ sinh ra, trong những tháng đầu đã hiện diện khối u. Khối u gia tăng kích thước đến lúc trẻ 12 tháng tuổi. Sau đó teo dần khoảng 90% trường hợp. Thận trọng trong điều trị, phẫu thuật đối với những u nằm sâu.
(Nguồn: Bệnh viện)