1. Đại cương
Từ những năm 1970, Liên cầu khuẩn nhóm B (Group B streptococcus – GBS) nổi lên như tác nhân gây nhiễm khuẩn sơ sinh với tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất tại Mỹ.30-40% các trường hợp nhiễm trùng chu sinh do vi khuẩn là do GBS. Nguyên nhân chính của nhiễm khuẩn sơ sinh do GBS là sự lây truyền từ mẹ sang con, mà chủ yếu xảy ra trong quá trình chuyển dạ hoặc khi ối vỡ non, ối vỡ sớm. Do tỷ lệ tử vong của trẻ nhiễm GBS lên đến 50% nên từ những năm 1980, các nhà khoa học đã cố gắng tìm cách phòng ngừa lây nhiễm GBS từ mẹ sang con.Khi chưa có chiến lược dự phòng bằng kháng sinh, tỷ lệ trẻ nhiễm GBS khoảng 1,5/1000 trẻ đẻ sống và mặc dù được chăm sóc trong điều kiện tốt nhất thì 10% số trẻ sơ sinh được chẩn đoán nhiễm GBS khởi phát sớm sẽ tử vong.Hiện nay, việc áp dụng phác đồ điều trị kháng sinh dự phòng dựa vào kết quả cấy tầm soát bệnh phẩm từ âm đạo – trực tràng khi thai kỳ ở tuổi thai 35-37 tuần, tỷ lệ trẻ sơ sinh bị nhiễm khuẩn và tử vong do bệnh lý này giảm đi đáng kể.
2. Cơ chế và khả năng gây bệnh của GBS
Liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus agalactiae hay GBS (Group B streptococcus)) thuộc chi Streptococcus, họ Streptococcaceae, bộ Lactobacillales.Là một vi khuẩn Gram dương, thường gặp ở đường tiêu hóa và đường sinh dục của người phụ nữ, có thể không gây ra triệu chứng trên người mang bệnh (Người lành mang vi khuẩn). Tuy nhiên GBS là tác nhân gây nhiễm khuẩn hàng đầu liên quan đến thai kỳ và trẻ sơ sinh với tỷ lệ mắc và tử vong cao.
2.1. Ở phụ nữ mang thai
- GBS gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu, viêm màng ối
- Vi khuẩn chứa nhiều men phospholipid A2 để tổng hợp prostaglandin E2, gây nên sảy thai, thai chết lưu, vỡ ối sớm, đẻ non,…
- GBS gây viêm nhiễm các tổn thương đường sinh dục khi chuyển dạ.
- GBS gây viêm NMTC sau đẻ
2.2. Ở trẻ sơ sinh
- NKSS sớm do nhiễm từ mẹ do ối vỡ non, ối vỡ sớm; do thai hít, nuốt dịch ối, dịch âm đạo, tổn thương da khi đi qua ống đẻ.
- Trong những tháng đầu đời do lây nhiễm từ mẹ, người chăm trẻ hoặc từ trẻ khác.
- Bệnh cảnh lâm sàng thường là nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não – màng não, viêm tủy xương… dẫn tới tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề.
3. Hiệu quả của chiến lược dự phòng
Sau một thời gian áp dụng chiến lược dự phòng gồm xét nghiệm sàng lọc cấy GBS từ bệnh phẩm âm đạo – trực tràng, xét nghiệm nước tiểu, sử dụng kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ với đối tượng nguy cơ, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy hiệu quả to lớn từ việc sử dụng kháng sinh dự phòng:
- Giảm tỷ lệ lây truyền dọc từ mẹ sang con
- Giảm 21% tỷ lệ bệnh lý nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở mẹ
- Giảm 70% bệnh lý nhiễm trùng sơ sinh sớm
3.1. Kháng sinh dự phòng GBS trong chuyển dạ
- Phụ nữ xét nghiệm thấy GBS trong nước tiểu ở bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ hoặc có tiền sử sinh con nhiễm GBS nên tiêm kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ và không cần sàng lọc lại vào quý 3.
- Mọi phụ nữ mang thai khác nên sàng lọc vào tuần thứ 35-37 bằng xét nghiệm tìm GBS trong âm đạo và trực tràng.
- Tiêm kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ cho mọi sản phụ có xét nghiệm GBS dương tính khi vỡ ối hoặc chuyển dạ, trừ trường hợp mổ đẻ trước khi chuyển dạ với màng ối còn nguyên vẹn.
- Nếu chưa có kết quả sàng lọc tại thời điểm chuyển dạ đẻ, khuyến cáo tiêm kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ cho sản phụ có tuổi thai < 37 tuần 0 ngày, vỡ ối ≥ 18 giờ hoặc có nhiệt độ ≥ 380C.
- Không dùng kháng sinh điều trị GBS đường sinh dục – trực tràng cho các trường hợp không có nhiễm khuẩn tiết niệu do GBS.
- Không khuyến cáo thực hiện thường quy tiêm kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ ở sản phụ mổ đẻ với màng ối còn nguyên vẹn.
- Nhân viên y tế cung cấp đầy đủ thông tin về kết quả xét nghiệm và các biện pháp điều trị cho thai phụ.
Bảng khuyến cáo tiêm kháng sinh trong chuyển dạ dự phòng NKSS do GBS
Chỉ định tiêm phòng | Không có chỉ định tiêm phòng |
· Tiền sử sinh con nhiễm GBS · Có GBS trong nước tiểu trong thai kỳ này · Sàng lọc GBS âm đạo – trực tràng dương tính ở tuần thai 35-37 · Không rõ tình trạng nhiễm GBS khi chuyển dạ và một trong các triệu chứng: - Chuyển dạ trước 37 tuần - Vỡ ối ≥ 18 giờ - Nhiệt độ ≥ 380C - Xét nghiệm khuếch đại acid nuleic cho GBS dương tính | · Có biểu hiện nhiễm GBS thai kỳ trước (trừ khi có chỉ định tiêm phòng ở thai kỳ này) · Có GBS trong nước tiểu thai kỳ trước (trừ khi có chỉ định tiêm phòng ở thai kỳ này) · Sàng lọc GBS âm đạo, trực tràng âm tính, bất kể có yếu tố nguy cơ trong chuyển dạ hay không. · Đẻ mổ khi màng ối còn nguyên vẹn, bất kể tình trạng nhiễm GBS hay tuổi thai. |
3.2. Kháng sinh dự phòng trong chuyển dạ
- Penicillin là lựa chọn đầu tay, có thể dùng ampicillin thay thế
- Sản phụ dị ứng nhẹ với penicillin có thể thay thế bằng cefazolin. Nếu dị ứng mạnh có thể thay thế bằng clindamycin hoặc vancomycin.
- Bác sỹ lâm sàng cần cung cấp thông tin về tình trạng dị ứng penicillin cho phòng xét nghiệm phục vụ quá trình làm kháng sinh đồ.