Phục hồi chức năng trẻ vẹo cổ do xơ hóa, u cơ ức đòn chũm .
Vẹo cổ là một tật thường gặp, do xơ hóa cơ ức đòn chũm bẩm sinh làm trẻ thường nghiêng đầu về một bên đồng thời mặt nhìn về bên đối diện.
Hiện nay tình trạng mắc bệnh xơ hóa cơ ức đòn chũm trong cộng đồng tăng cao nên nhu cầu tập phục hồi chức năng tại nhà cũng tăng theo.
Hàng năm tại khoa phục hồi chức năng, bệnh viện Đa khoa Đức Giang có một lượng không nhỏ số ca bị xơ hóa cơ ức đòn chũm đến điều trị và khoa PHCN cũng thường điều trị kết hợp với khoa sơ sinh để điều trị sớm các trường hợp chấn thương cơ ức đòn chũm ngay sau sinh để dự phòng xơ hóa cơ ức đòn chũm
Sau quá trình điều trị tại bệnh viện, trẻ bị xơ hóa cơ ức đòn chũm cần thêm một thời gian tự được bố mẹ cho tập tại nhà.
Vì vậy tại khoa phục hồi chức năng bệnh viện đa khoa Đức Giang đưa ra một số bài tập hướng dẫn người nhà tập luyện thêm cho trẻ
Bài tập 1: Day, bóp nắn khối xơ cơ ức đòn chũm.
-Tư thế bệnh nhân : Đặt trẻ nằm trên đùi người nhà, vai trẻ trùng với mép đùi , đầu bệnh nhân được năng đỡ bởi tay người điều trị, cổ duỗi và nghiêng bên lành ,mặt quay về bên có khối xơ .
- Kỹ thuật :
+ Một tay KTV cố định khớp vai, hông
+ Tay kia dùng ngón tay cái hoặc ngón trỏ và ngón giữa ấn day trên khối u xơ, lưu ý không day trên da để tránh làm phồng đỏ gây đau rát cho trẻ.
Bài tập 2: Kéo dãn cơ ức đòn chũm.
- Tư thế bệnh nhân : Đặt bệnh nhân ở tư thế như tư thế để day khối xơ.- Kỹ thuật :
+ Người điều trị 2 tay nâng đỡ đầu trẻ ở tư thế thoải mái giúp trẻ không quấy khóc hoặc giãy dụa
+ Thực hiện kéo giãn bằng cách đưa đầu trẻ đến vị trí ngửa -> xoay dần mặt trẻ về bên bệnh
+ Thực hiện động tác kéo giãn chậm , người điều trị cảm nhận độ căng vừa phải của cơ được kéo giãn thì lập tức ngừng lại 5 giây rồi đưa đầu trẻ về vị trí trung tính.
+ Kéo giãn kết hợp day, xoa bóp xen kẽ trong quá trình điều trị.
+ Thời gian buổi kéo giãn: 30 phút/ buổi.
Bài tập 3: Kéo giãn bằng tư thế.
- Cho trẻ bú ở vú ngược bên với bên bệnh nhằm kích thích trẻ xoay đầu về bên bệnh giúp kéo giãn cơ làm tăng tầm vận động cổ ( ví dụ trẻ bị cơ bên phải thì cho bú vú bên trái của mẹ)
- Bế trẻ nằm nghiêng và đầu nghiêng bên lành (bên bệnh ở phía dưới).
- Đặt đầu trẻ ở tư thế trung tính khi ngủ.
Những điểm cần lưu ý
- Người không có chuyên môn không nên tự ý kéo giãn cho trẻ đề phòng tai biến nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
- Không đặt đầu xoay khi trẻ ngủ về một trong hai phía bên lành hay bên bệnh như 1 số tài liệu viết bởi sẽ gây thêm nghẹo cổ (nếu đầu mặt xoay bên bệnh) hoặc trẻ bị chèn ép đường thở ( nếu đặt đầu mặt xoay bên lành).
- Ba bài tập trên được thực hiện cho đến khi trẻ đạt được tầm vận động cổ hai bên như nhau Khối u sẽ tự mất sau đó khi trẻ được 6-8 tháng tuổi.
- Chỉ thực hiện day, xoa bóp khi khối u không có nóng, đỏ, đau
- Kéo dãn nhẹ nhàng, không kéo dãn tối đa ngay tức khắc mà kéo dãn từ từ.
- Không tập khi trẻ khóc, chống đối
- Tập trước khi cho ăn
- Theo dõi dấu hiệu khó thở, tím tái thì ngừng tập.