Hội chứng Tennis elbow (hay còn gọi là viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay) là chấn thương thường gặp ở người chơi tennis.
Đây là tình trạng viêm hoặc rách của khối gân cơ duỗi tại vị trí bám của gân cơ vào mỏm lồi cầu ngoài xương cánh tay.
Nguyên nhân gây bệnh
Hội chứng Tennis elbow xảy ra ở những người chơi thể thao dùng nhiều đến khuỷu tay gồm: tennis, cầu lông, golf, bowling, chèo thuyền… Có nhiều nguyên nhân gây nên hội chứng này như: khởi động không kỹ trước khi luyện tập, kích thước tay cầm của cây vợt quá to hoặc quá nhỏ, kỹ thuật chưa đúng khi chơi tennis, lưới vợt quá căng hay banh quá nặng do ướt nước cũng làm khuỷu tay bị đau nhức hơn bình thường, chơi thể thao khi cơ thể mệt mỏi cũng có thể gây đau cơ bắp…
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hiện nay không phải chỉ những người chơi thể thao mới bị chứng Tennis elbow, mà một số người làm những công việc đòi sử dụng lặp đi lặp lại và mạnh mẽ của cơ bắp cẳng tay như họa sĩ, thợ sơn, thợ mộc, thợ ống nước, thậm chí người đầu bếp hay người nội trợ chặt thịt cũng dễ bị hội chứng Tennis elbow.
Hầu hết những người bị hội chứng Tennis elbow ở độ tuổi từ 30 - 50, mặc dù ai cũng có thể bị chứng Tennis elbow nếu họ có các yếu tố nguy cơ.
Dấu hiệu nhận biết
Những dấu hiệu của hội chứng Tennis elbow phát triển theo thời gian. Đa phần triệu chứng đau bắt đầu yếu nhẹ và chậm trong vài tháng. Thường không có chấn thương đặc hiệu liên quan tới triệu chứng. Những triệu chứng hay gặp là đau hoặc viêm đỏ trên phần ngoài của khuỷu, đau tăng dần khi dùng lực đối kháng trong động tác duỗi khuỷu.
Triệu chứng trên thường yếu với hoạt động cẳng tay, như là cầm vợt, đánh rờ-ve hoặc bắt tay. Tay thuận thường bị ảnh hưởng, tuy nhiên không loại trừ cả 2 tay. Nếu nặng hơn, đau xuất hiện thường xuyên kể cả khi không chơi thể thao, đau khi cầm vật nặng và ngay cả khi lái xe.
Những điều nên và không nên làm khi bị đau cơ elbow
Khi bị đau cơ elbow, người bệnh nên ngừng chơi thể thao để cơ thể có thời gian hồi phục. Không nên cố gắng chơi tiếp hoặc vận động khi bị đau cơ elbow vì có thể làm bệnh trở nên trầm trọng hơn do rách gân, máu bầm ra nhiều hơn.
Chườm lạnh có tác dụng giảm đau. Nên chườm lạnh tầm 10 - 15 phút, có thể làm 4 - 5 lần/ngày, mỗi lần cách nhau ít nhất 2 giờ. Nếu đau nhiều nên băng treo tay bất động tạm thời. Có thể dùng các thuốc giảm đau, kháng viêm uống thông thường.
Không nên xoa bóp với các loại dầu nóng, thuốc xoa bóp, hoặc đi nắn sửa không đúng sẽ gây viêm mạn tính tại chỗ, rất khó điều trị sau này.
Điều trị
Nếu đã dùng những phương pháp trên nhưng tình trạng đau cơ elbow vẫn không đỡ, bạn nên đến chuyên khoa cơ xương khớp để thăm khám và chữa trị kịp thời. Tùy từng tình trạng chấn thương mà bác sĩ có thể kê toa thuốc đặc trị giúp giãn cơ, tan máu bầm, và kháng viêm tại chỗ; hoặc có thể chích thuốc kháng viêm có chứa steroid tại chỗ viêm, hoặc phải phẫu thuật hay nội soi lấy mô viêm trong gân trong trường hợp nặng, hoặc tái phát nhiều lần mà các biện pháp trên không hiệu quả sau 3 tháng điều trị.
Ngày nay với sự phát triển của phẫu thuật nội soi, với những ưu điểm như đường mổ nhỏ, ít đau, ít xâm lấn, phẫu thuật nội soi ngày càng được ứng dụng trong điều trị hội chứng Tennis elbow.
Phòng ngừa
Để phòng tránh chấn thương loại này, với người chơi tennis, nên điều chỉnh vợt phù hợp với kích thước tay cầm và không nên để vợt quá căng hay banh quá nặng. Khởi động, làm nóng thật kỹ. Sửa chữa kỹ thuật cho đúng, đặc biệt là cú trái tay. Nên đeo băng giảm chấn khi chơi.
Với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, nên thường xuyên tập luyện các bài tập kéo giãn các nhóm cơ vùng khuỷu.
Sau khi hồi phục chấn thương cơ elbow, nên chơi thể thao với lượng thời gian từ từ tăng dần, từng bước hồi phục lại khả năng tập luyện và không chơi quá sức.