Hội chứng ruột kích thích là bệnh lý rối loạn chức năng của ruột, tái đi tái lại nhiều lần mà không tìm thấy tổn thương niêm mạc ruột. Từ đó, bệnh gây ra những triệu chứng giống viêm đại tràng như đau bụng, đầy hơi, đi ngoài nhiều lần, chướng bụng, phân táo, phân lỏng, nhưng lại không có bất cứ tổn thương nào trên thực thể. Phần nhiều do các yếu tố thần kinh như đồ ăn dễ gây kích thích, lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi gây ra. Chính vì những triệu chứng “na ná” này, khiến đa phần bệnh nhân đang lầm tưởng với bệnh viêm đại tràng hoặc rối loạn tiêu hóa, từ đó tự kê thuốc điều trị hoặc điều trị sai phương thức khiến bệnh không những thuyên giảm mà còn nặng hơn.
Tuy nhiên, có một điều may mắn, khác với các bệnh đường ruột khác như viêm đại tràng, viêm Crohn, hội chứng ruột kích thích không gây ra các tổn thương mô ruột nặng nề để có thể dẫn đến ung thư đại trực tràng. Hầu hết bệnh nhân có thể kiểm soát bệnh bằng thay đổi lối sống, tránh căng thẳng và chế độ ăn uống hợp lý.
Các nguyên nhân:
Không biết chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích. Như trên đã nói, bệnh do vấn đề co thắt nhu động ruột do thần kinh nội tại ruột chi phối. Ví dụ:
Thực phẩm: nhiều bệnh nhân thấy các triệu chứng của bệnh khi ăn các thức ăn hoặc uống các đồ uống nhất định. Như sau khi uống rượu, ăn đồ hải sản bị đi lỏng hoặc táo bón, sau khi uống nước có ga bị chướng bụng, đi lỏng..vv..
Căng thẳng; nhiều bệnh nhân khi gặp áp lực, stress gây lên đầy bụng khó tiêu, đại tiện phân lỏng hoặc táo.
Nội tiết: phụ nữ mắc bệnh hội chứng ruột kích thích nhiều hơn nam giới. Trong thời kỳ kinh nguyệt một số bệnh nhân nữ có triệu chứng của bệnh.
Các bệnh: một số bệnh như nhiễm khuẩn tiêu hóa, tiêu chảy cấp cũng gây ra hội chứng ruột kích thích.
Các triệu chứng:
Rất khác nhau tùy từng bệnh nhân. Các triệu chứng phổ biến gồm:
Đau bụng cơn hoặc cảm giác trống rỗng ruột
Cảm giác đầy bụng chướng hơi
Đi ngoài phân lỏng hoặc táo bón, có thể có chất nhầy trong phân.
Vì triệu chứng của bệnh có nhiều biểu hiện từ nhẹ đến nặng, và đôi khi lẫn trong một bệnh cảnh khác như ung thư đại tràng, nên khi có các thay đổi về thói quen đi ngoài, đau bụng cần đến gặp bác sĩ để khám, chẩn đoán và loại trừ các bệnh khác.
Biện pháp khắc phục:
Ngoài việc quan trọng nhất là người bệnh cần tới cơ sở y tế khám, chẩn đoán bệnh, dùng thuốc theo đơn, việc thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt sẽ góp phần đáng kể trong điều trị bệnh.
Cố gắng ăn vào thời điểm cố định trong ngày, không bỏ bữa ăn để giúp điều chỉnh chức năng ruột. Nếu táo bón cần bổ sung nhiều chất xơ trong rau củ quả. Nếu ỉa lỏng cần ăn chia nhiều bữa nhỏ sẽ tốt hơn.
Tránh các thực phẩm nghi ngờ làm cho dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nặng hơn. Ví dụ các thực phẩm dễ gây ra như rượu, socola, nước ngọt, sữa. Thực phẩm nhiều chất béo cũng có thể là vấn đề với một số người bệnh. Uống nước qua ống hút hoặc nhai kẹo cao su cũng có thể gây ra chướng bụng do nuốt không khí vào ruột.
Uống nhiều nước: hãy cố gắng uống nhiều nước mỗi ngày. Hãy cẩn thận với các sản phẩm sữa, nếu không dung nạp lactose thì thử thay sữa chua cho sữa, hoặc sử dụng các thuốc enzyme giúp phân hủy lactose.
Tập thể dục thường xuyên; không những giúp cơ thể khỏe mạnh, còn tốt cho việc tránh căng thẳng thần kinh, tốt cho điều hòa nhu động ruột.
Sử dụng thuốc nhuận tràng và thuốc tiêu chảy theo chỉ định của bác sĩ. Không nên tự mua thuốc, tự uống thuốc theo thói quen có thể gây phản tác dụng điều trị.
Hội chứng ruột kích thích là một thách thức khi người bệnh mắc phải. Nó có thể ảnh hưởng từ nhẹ đến nghiêm trọng tới cuộc sống. Khi có các dấu hiệu của bệnh cần thiết phải trao đổi với bác sỹ. Một điều quan trọng nữa là xác định yếu tố gây ra bệnh để phòng tránh, kiểm soát, mang lại một cuộc sống tốt hơn.