1. Đại cương
Các bệnh tuyến giáp cần điều trị ngoại khoa tương đối đa dạng, đặc biệt đó là các loại bướu tuyến giáp. Đó là tình trạng tuyến giáp to toàn bộ hay cục bộ do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Dịch tễ học và yếu tố nguy cơ
U tuyến giáp là bệnh lý thường gặp, tỷ lệ phát hiện qua khám lâm sàng là khoảng 4% - 7% dân số, 10% - 41% qua siêu âm tuyến giáp và 50% trên tiêu bản mô bệnh học trong khám nghiệm tử thi. Khả năng mắc u tuyến giáp trong đời người là 10%. Bệnh thường gặp ở phụ nữ hơn nam giới. Tỉ lệ mắc bệnh của nữ/nam dao động từ 1,2/1 đến 4,7/1.
Yếu tố nguy cơ:
- Giới: U tuyến giáp gặp ở nữ nhiều gấp 4 lần nam giới
- Chế độ ăn: U tuyến giáp thường gặp ở các khu vực thiếu hụt iod trong chế độ ăn địa phương. Tuy nhiên những người sống ở nơi có đủ Iod trong thực phẩm vẫn có u tuyến giáp.
- Tiền sử gia đình: Ở Mỹ mỗi năm có thêm khoảng 0,1% dân số có u tuyến giáp, ước tính khoảng 300. 000 người mắc mới trong năm 2007. Tỷ lệ này ở Châu Âu có cao hơn: Khoảng 30% số bệnh nhân nhiễm độc giáp là nhân cường năng tự phát. Hầu hết u cường năng gặp ở người trên 40 tuổi và hơn nửa là trên 60 tuổi.
2. Phân loại:
Dựa vào những thay đổi về hình thái giải phẫu và chức năng sinh lý. Có thể phân loại bướu tuyến giáp như sau:
- Bướu giáp đơn thuần;
- Bướu giáp nhiễm độc;
- Các khối u lành tuyến giáp;
- Ung thư tuyến giáp;
- Viêm tuyến giáp có triệu chứng bướu giáp.
3. Các xét nghiệm trong chẩn đoán bệnh lý tuyến giáp:
- Các xét nghiệm về chẩn đoán hình ảnh:
+ Siêu âm tuyến giáp: mô tả được hình thái và cấu trúc của bướu.
Jin Joung Kwak và cộng sự (2011) đưa ra bảng phân loại TIRADS dựa vào các đặc điểm siêu âm gồm: 1. Cấu trúc dạng đặc hoặc thành phần đặc là chủ yếu, 2. Giảm âm hoặc rất giảm âm, 3. Có vi vôi hóa, 4. Bờ không đều hoặc có múi nhỏ, 5. Hình dạng (chiều cao>chiều rộng), 6. Tăng tưới máu ngoại vi. 7. Hạch cổ. Tác giả xếp loại TIRADS từ 1đến 6 như sau:
- TIRADS 1: Mô giáp lành- TIRADS 2: Tổn thương lành tính (0 % ác tính)- TIRADS 3 :Tổn thương nhiều khả năng lành tính (<5% nguy cơ ác tính)- TIRADS 4:Tổn thương có nguy cơ ác tính gồm :+ TIRADS 4a:Tổn thương có một đặc điểm siêu âm nghi ngờ (5-10% nguy cơ)
+ TIRADS 4b: Tổn thương có hai đặc điểm siêu âm nghi ngờ (10-50% nguy cơ)
+ TIRADS 4c: Tổn thương có 3-4 đặc điểm siêu âm nghi ngờ (50- 95% nguy cơ)
- TIRADS 5: Tổn thương có >4 đặc điểm siêu âm nghi ngờ (>95% nguy cơ)
- TIRADS6: Biết chắc tổn thương đó là ung thư từ trước.
+ Chụp Xquang: có nhiều cách thực hiện như chụp không chuẩn bị cùng cổ ngực; chụp thực quản có cản quang; chụp tuyến giáp có bơm khí vào quanh tuyến giáp, chụp động mạch tuyến giáp …
+ Chụp xạ hình tuyến giáp: thường dùng chất đồng vị phóng xạ iot 131… có khả năng xác định cả trọng lượng của bướu.
+ Chụp CT Scan hay MRI…
- Các xét nghiệm về chức năng tuyến giáp: Đo độ tập trung iod, định lượng T3, T4, TSH máu, chuyển hóa cơ bản, đường máu, cholesterol máu……
- Các xét nghiệm về tế bào học và tổ chức học:
+ Chọc sinh thiết hút bướu giáp bằng kim nhỏ để xét nghiệm tế bào học.
+ Xét nghiệm mô bệnh học bướu giáp sau mổ giúp có chẩn đoán xác định.
- Một số xét nghiệm khác:
+ Nội soi thanh quản: khảo sát tình trạng dây thanh âm, xác định các dây thần kinh quặt ngược có bị tổn thương hay không.
+ Soi khí quản: để đánh giá xem bướu có chèn ép khí quản hay không.
4. Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ:
4.1. Ngày trước mổ:
– Cởi bỏ tư trang người bệnh, tháo răng giả là yêu cầu tuyệt đối vì răng giả gây trở ngại trong việc đặt nội khí quản, gãy hay sứt răng giả, dị vật đường thở nếu răng rớt vào khí quản.
– Vệ sinh: vệ sinh vùng cổ tốt nhất với xà bông sát khuẩn.
– Ăn uống: chiều trước mổ ăn nhẹ loãng, tối trước mổ nhịn ăn hoàn toàn, thường nhịn ăn tối thiểu 8 giờ trước mổ, ngưng uống tối thiểu trước 4 giờ. Sáng hôm sau thực hiện truyền dịch cho người bệnh trước mổ.
– Tâm lý trước mổ: để tránh người bệnh lo âu, căng thẳng, điều dưỡng cho người bệnh gặp gỡ người nhà, khuyên người bệnh ngủ sớm, có thể thực hiện thuốc an thần cho người bệnh đêm trước mổ.
4.2. Sáng hôm mổ
- Kiểm tra mạch, huyết áp, nhiệt độ, nhịp thở
- Thông tin bàn giao người bệnh: đeo bảng tên, nên ghi rõ ràng cả họ tên, tuổi, khoa, chẩn đoán, phương pháp phẫu thuật..
- Truyền dịch, thực hiện thuốc theo y lệnh..
- Chuyển bệnh tới phòng mổ: điều dưỡng cùng thân nhân chuyển người bệnh đến phòng mổ bằng các phương tiện an toàn.
4.3. Thuốc trước mổ
Thuốc trước mổ được sử dụng nhằm giảm lo lắng, tăng an thần, giúp giảm đau, ngăn ngừa nôn ói, ngăn ngừa các phản xạ tự động, giúp đặt nội khí quản dễ dàng trước mổ, giảm sự bài tiết dịch dạ dày–ruột, hô hấp, dự phòng trước mổ.
4.4. Di chuyển người bệnh tới phòng mổ:
Điều dưỡng cần di chuyển người bệnh xuống phòng mổ an toàn, hướng dẫn người nhà nơi phòng đợi và những thông tin khác. Cần di chuyển người bệnh bằng xe lăn, băng–ca, tránh để người bệnh tự đi bộ.