Ai có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?
Người bị tăng huyết áp.
Người có rối loạn mỡ máu.
Người có tiền sử gia đình có người bị đái tháo đường.
Người thường xuyên hút thuốc lá, thuốc lào.
Người thừa cân hoặc béo phì
Người có lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực.
Vì sao người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường?
Người bị tăng huyết áp có nguy cơ cao mắc đái tháo đường do tăng huyết áp hay đi kèm giảm dung nạp đường huyết, đặc biệt ở người thừa cân hoặc béo phì. Đây là giai đoạn tiền đái tháo đường, vì có khoảng 30-40% sẽ tiến triển thành đái tháo đường týp 2. Hơn nữa, người bị tăng huyết áp thường có thêm các yếu tố nguy cơ khác của đái tháo đường như rối loạn mỡ máu, thừa cân hoặc béo phì, hút thuốc lá, …
Vì sao cần phát hiện sớm đái tháo đường ở người tăng huyết áp?
Đái tháo đường có thể xuất hiện sau một thời gian bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp là yếu tố làm tăng mức độ nặng của đái tháo đường và ngược lại. Nếu bệnh nhân có đồng thời tăng huyết áp và đái tháo đường sẽ làm tăng nguy cơ bệnh lí mạch vành và đột quỵ gấp 2-3 lần, đồng thời làm trầm trọng thêm các biến chứng khác của đái tháo đường như bệnh võng mạc mắt, bệnh thận...
Vì vậy, phát hiện sớm đái tháo đường ở bệnh nhân tăng huyết áp có vai trò vô cùng quan trọng để làm giảm các biến chứng, đặc biệt là biến chứng tim mạch và tử vong.
Chẩn đoán đái tháo đường bằng cách nào?
Theo Khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới – WHO và Hội Đái tháo đường Thế giới – IDF năm 2012, một người được chẩn đoán là đái tháo đường khi có một trong các tiêu chuẩn sau đây:
Xét nghiệm đường huyết ở thời điểm bất kỳ ≥11,1mmol/L.
Xét nghiệm đường huyết lúc đói ≥7,0mmol/L.
Nghiệm pháp dung nạp đường huyết có mức đường huyết sau 2 giờ làm nghiệm pháp ≥11,1mmol/L.
Xét nghiệm HbA1c ≥ 6,5%.
Nghiệm pháp dung nạp đường huyết là gì?
Là phương pháp thử nghiệm khả năng dung nạp đường của cơ thể bằng cách bằng cho người được thử được cho uống 75mg đường glucose (sau khi đã nhịn đói tối thiểu 8 giờ nhưng dưới 16 giờ). Đường máu được đo vào thời điểm trước và sau khi uống đường glucose 2 giờ. Nếu ai bị đái tháo đường thì mức đường huyết sau 2 giờ sẽ tăng cao hơn mức cho phép.
Ai cần làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết?
Những người có xét nghiệm đường máu lúc đói và đường huyết bất kì có bất thường nhưng chưa khẳng định được là đái tháo đường hay không thì cần làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết để chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường, cụ thể là những người có là có một trong các yếu tố sau đây:
Xét nghiệm đường huyết lúc đói: từ 5,6 – 7,0 mmol/L.
Xét nghiệm đường huyết bất kì: từ 7,0 – 11,1 mmol/L.
Kết quả nghiệm pháp dung nạp đường huyết có ý nghĩa như thế nào?
Kết quả làm nghiệm pháp là một trong ba trường hợp sau:
Dung nạp đường huyết bình thường: Người được làm nghiệm pháp không bị bệnh đái tháo đường.
Rối loạn dung nạp đường huyết: Người được thử có bất thường về dung nạp đường huyết nhưng chưa bị đái tháo đường, tuy nhiên, có nguy cơ bị đái tháo đường về sau này. Vì vậy, cần có chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp để làm giảm tối đa nguy cơ của bệnh đái tháo đường, cũng như định kì xét nghiệm lại đường máu, làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết để phát hiện sớm đái tháo đường. Rối loạn dung nạp đường huyết cũng là một yếu tố nguy cơ tim mạch.
Đái tháo đường: Người được thử được chẩn đoán là bị bệnh đái tháo đường, vì vậy, cần được điều trị theo chuyên khoa và ăn uống, sinh hoạt, luyện tập theo chế độ đái tháo đường.
Bệnh nhân có nhu cầu phát hiện cần được tư vấn ở đâu?
Mọi tư vấn, thắc mắc của quý vị xin đến Phòng khám Tim Mạch, phòng khám Nội Tiết – Bệnh viện đa khoa Đức Giang để được chăm sóc, tư vấn.