Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường hô hấp do virus Infitenzae. dễ phát thành dịch lớn. Bệnh thường lành tính, tự giới hạn nhưng vẫn có thể có biến chứng nặng. Nên phân biệt cúm với 1 tình trạng cảm lạnh thông thường (Common cold) do nhiễm lạnh (tắm, đi mưa...) và nhiễm một số virus khác.
Theo các chuyên gia truyền nhiễm, thời điểm hiện nay nước ta đang đứng trước nguy cơ mắc nhiều chủng cúm. Do vậy, mắc cúm thường cần được chăm sóc và theo dõi như thế nào?
Do khó phân biệt cúm và các bệnh cúm nguy hiểm vì các triệu chứng và có các biểu hiện giống nhau. Tuy nhiên, đối với cúm thường thời gian từ 3 – 5 ngày các triệu chứng giảm dần và tự khỏi.
Bệnh cúm
Khi virut cúm xâm nhập cơ thể, người bệnh đột nhiên sốt cao (có khi tới 39 – 40 độ C) trong vài giờ rồi hạ dần; sau đó thân nhiệt lại tăng lên. Người bệnh sẽ có cảm giác ớn lạnh hoặc rét run, nhức đầu, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, ho khan, khàn tiếng, nuốt đau, chán ăn, có khi buồn nôn và nôn, đi tiểu ít. Toàn thân đau nhức, các bắp thịt cũng đau mỏi.Có người đau ngang lưng, đau khớp hoặc cổ. Đau khiến người bệnh mệt nhọc, nhưng khi xoa nắn lại cảm thấy dễ chịu.
Nếu chỉ bị bệnh cúm thường, bệnh nhân cần nghỉ ngơi , nếu sốt cao trên 38,5 độ C cần uống thuốc hạ sốt liều lượng, tuổi tác theo chỉ định của thầy thuốc và tăng sức đề kháng bằng vitamin C.
Với thể cúm thường, chỉ cần cách ly hạn chế tiếp xúc với người bệnh trong 5 ngày kể từ khi có biểu hiện cúm. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và xông các lá thơm (như lá ngải cứu, lá cúc tần, lá chanh, lá bưởi, lá sả…), uống thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của thầy thuốc (như paracetamol, cảm xuyên hương…) và uống vitamin C liều cao vì đối với những người có tiền sử loét dạ dày – tá tràng không được uống aspirin, APC, vitamin C. Hằng ngày, người bệnh phải nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn Bệnh nhân cần ăn thực phẩm lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi…), nhất là với người cao tuổi.
Khi có người trong gia đình mắc cúm cần cách ly bệnh nhân bị cúm với những người không bị mắc bệnh sống trong gia đình càng nhiều càng tốt nếu có thể, ít nhất là 5 ngày sau khi bắt đầu có các triệu chứng biểu hiện, đặc biệt đối với những người có sức đề kháng yếu và dễ lây nhiễm như người già, trẻ em, người có sức khỏe không ổn định.
Nước sả, gừng, mật ong tốt cho người bị cảm cúm. Ảnh: TL
Bệnh nhân không nên rời khỏi nhà trong thời gian có khả năng lây nhiễm cho người khác nhiều nhất (5 ngày khi bắt đầu có triệu chứng bị cúm), trường hợp bắt buộc phải ra khỏi nhà, nên đeo khẩu trang y tế và che miệng, mũi khi ho, hắt hơi, sử dụng khăn giấy để ngăn các chất tiết hô hấp nhằm tránh nguy cơ lây bệnh cho những người khác.
Người bệnh cần được nghỉ ngơi, thư giãn ở những nơi thoáng khí, tránh gió, tránh nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp. Cho bệnh nhân uống thuốc hạ nhiệt theo chỉ định của bác sĩ (như paracetamol, cảm xuyên hương…). Hằng ngày phải nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn.
Đối với người chăm sóc bệnh nhân mắc cúm cần đeo khẩu trang trong quá trình tiếp xúc, nhỏ mũi bằng thuốc sát khuẩn, thường xuyên rửa tay sau và trước khi tiếp xúc với bệnh nhân bằng xà phòng, nước rửa tay diệt khuẩn.
Cần cho người bệnh ăn thực phẩm lỏng, nóng, dễ tiêu, uống nhiều nước (oresol, nước quả tươi…), nhất là với người cao tuổi và trẻ em. Không cho bệnh nhân ăn các thức ăn lạnh vì sẽ khiến bệnh lâu khỏi. Ngoài ra, nên cho bệnh nhân ăn các món ăn giải cảm như:
Cháo giải cảm: Lá tía tô (tươi) 12 - 30g, củ hành tím (hoặc hành tăm) 6 - 12g, gừng tươi 4 - 10g, trứng gà 1 quả, gạo 30 - 80g. Nấu gạo thành cháo nhuyễn rồi cho lòng đỏ trứng gà vào đánh tan, cho tía tô, hành, gừng vào quấy đều. Nêm gia vị vừa ăn, cho bệnh nhân ăn khi nóng.
Nước sả, gừng, mật ong: 30g củ sả tươi, 20g gừng, 20g mật ong. Sả, gừng rửa sạch, giã nhuyễn, hòa với nước để lọc lấy 100 - 200ml nước. Cho nước sả - gừng vào nồi cùng với mật ong, trộn đều, đun nhỏ lửa đến khi sôi là được.Cho bệnh nhân uống khi còn ấm, trước khi ăn.
Đồ dùng của người ốm (như bát, đũa, thìa, cốc, chén…) hằng ngày nên luộc sôi, tốt nhất là nên dùng riêng, không ôm áo quần bẩn của người bệnh vào người. Tuyệt đối không ăn thức ăn thừa của người bệnh;
Hiện nay, bệnh cúm gia cầm đang bùng phát ở một số địa phương trong cả nước, đã có trường hợp đã tử vong do nhiễm cúm gia cầm. Ngoài triệu chứng cúm thông thường, bệnh nhân mắc cúm gia cầm sẽ có dấu hiệu suy hô hấp rất rõ rệt và diễn tiến nhanh như thở khò khè, thở nhanh, gắng sức, môi tái, nếu không hỗ trợ hô hấp kịp thời bệnh nhân tử vong nhanh do suy hô hấp cấp. Khi có những biểu hiện của nhiễm cúm gia cầm, cần nhanh chóng thông báo cho y tế cơ sở để khoanh vùng, dập tắt ổ bệnh và chuyển bệnh nhân tới bệnh viện để được xử lý nhanh chóng, kịp thời.