Có không ít người khi có dấu hiệu run chân tay đều cho rằng mình mắc bệnh Parkinson, liệu quan niệm này có thực sự chính xác? Và bạn biết được bao nhiêu thông tin chính thống về căn bệnh của hệ thần kinh đang có xu hướng gia tăng này?
1. Bệnh Parkinson là gì?
Bệnh Parkinson hay liệt rung, là một bệnh thần kinh xảy ra do thoái hóa một nhóm tế bào (motor neuron) nhân xám ở đáy não, làm giảm sút một chất dẫn truyền thần kinh có tên là Dopamin. Khi thiếu Dopamin, cơ bắp không vận động được như chỉ đạo bình thường của não, gây ra các triệu chứng đặc trưng của bệnh Parkinson là run tay chân, tăng trương lực cơ, co cứng, cử động chậm chạp, gây trở ngại lớn tới sinh hoạt và công việc hằng ngày của người bệnh. Bệnh có thể tiến triển nặng dần trong vài năm cho đến vài chục năm và đa số người bệnh ở giai đoạn cuối cùng đều bị mất khả năng vận động, sau đó tử vong do suy kiệt.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh Parkinson là gì?
Hiện nay khoa học vẫn chưa lý giải được nguyên nhân tại sao các tế bào não sản sinh chất dẫn truyền thần kinh lại bị thoái hóa và chết đi (còn gọi là motor neuron disease). Các nhà khoa học nghĩ tới nhiều yếu tố gây bệnh khác nhau như: do lớn tuổi, do di truyền, các yếu tố môi trường, thậm chí do virus...
3. Bệnh Parkinson biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng về vận động
Những triệu chứng rối loạn vận động cơ bản của bệnh Parkinson là: run, cứng đờ, cử động chậm chạp và rối loạn thăng bằng.
- Run: Là triệu chứng rất hay gặp, run có thể cả ở tay lẫn chân. Thường run sẽ rõ hơn khi nghỉ ngơi. Nó trái ngược với chứng run vô căn hoặc run do bệnh tiểu não.
- Cứng đờ các cơ bắp: Khó quay cổ, xoay người, khó trở mình khi nằm trên giường và làm những cử động khéo léo của các ngón tay. Nét mặt đờ đẫn, ít biểu lộ cảm xúc như người bình thường.
- Chậm vận động: Người bị Parkinson rất khó bắt đầu các cử động của mình, mọi việc đều làm rất chậm chạp ví dụ như: cài, mở khuy áo, xỏ giầy dép, cắt gọt trái cây. Chữ viết nhỏ dần và viết chậm.
- Rối loạn giữ thăng bằng: Người bệnh khó khăn khi ngồi xuống hoặc đứng dậy khỏi ghế, xoay trở dễ bị té, khi đi dễ bị ngã. Dáng người đi hơi còng xuống hoặc đầu hướng về phía trước.
Triệu chứng không thuộc về vận động
Những triệu chứng không thuộc về vận động có thể xuất hiện từ rất sớm, bao gồm:
- Thay đổi về giọng nói: Giọng nói nhỏ và khó nghe.
- Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ về đêm, thường cảm thấy khó ngủ, hay gặp ác mộng.
- Khuôn mặt ít biểu cảm: ít biểu lộ các cảm xúc như buồn vui, giận dữ hay chán nản…
- Táo bón: có thể xuất hiện từ rất sớm. Đó là do bệnh làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh tự chủ, làm giảm nhu động ruột và dẫn đến gây ra táo bón.
- Thay đổi về khứu giác: Bệnh parkinson có thể làm tổn thương khứu giác, khiến người bệnh mất dần khả năng nhận biết mùi, ngửi mùi vị không chính xác.
4. Điều trị bệnh Parkinson như thế nào?
Cho tới nay, y học hiện đại cũng chưa có cách nào để phòng ngừa và chữa khỏi hẳn được bệnh Parkinson. Tuy nhiên, các thuốc điều trị có thể làm giảm triệu chứng của bệnh rất tốt. Nên phối hợp dùng thuốc với các biện pháp khác như vật lý trị liệu, giải pháp hỗ trợ chứa các hoạt chất sinh học từ thiên nhiên, tập luyện thể dục, chế độ ăn thích hợp,…để làm tăng hiệu quả điều trị. Một số người bị Parkinson không còn đáp ứng với thuốc điều trị có thể được điều trị bằng can thiệp phẫu thuật, ví dụ như phương pháp kích thích não sâu.
Các thuốc điều trị bệnh Parkinson bao gồm một số nhóm chính sau đây:
- Các thuốc chứa tiền chất của Dopamin, khi vào cơ thể thì các thuốc này sẽ được chuyển hóa thành chất dẫn truyền thần kinh: Là những thuốc quan trọng nhất trong điều trị bệnh Parkinson, tuy nhiên sau khoảng 3 – 5 năm (người ta gọi là “tuần trăng mật” của thuốc) thì thường bắt đầu có hiện tượng nhờn thuốc, tức là thuốc giảm tác dụng, buộc phải tăng liều mới có hiệu quả.
- Chất chủ vận Dopamin, có khả năng “bắt chước” và kích thích các thụ thể Dopamin, làm tăng hiệu quả của Dopamin trong não
- Thuốc ức chế men phân hủy Dopamin (ức chế men MAO, COMT)
- Thuốc kháng cholinergic
Bệnh Parkinson biểu hiện ở mỗi người khác nhau vì vậy không có cách dùng thuốc chung cho tất cả các trường hợp. Việc thăm khám theo định kỳ đều đặn ở bác sĩ chuyên khoa, để điều chỉnh liều lượng từng thuốc, cũng như phối hợp các kiểu thuốc với nhau là rất cần thiết.