Mắt kính từ lâu đã trở thành trợ thủ đắc lực của con người trong việc chữa trị các tật khúc xạ về mắt cũng như là phụ kiện thời trang quan trọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách giữ gìn và làm vệ sinh mắt kính cho đúng cách và khoa học, giúp kính sử dụng lâu bền và trông mới hơn. Một số hướng dẫn của chúng tôi dưới đây hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn ít nhiều trong việc bảo quản và vệ sinh mắt kính.
1. Khi đeo và gỡ kính phải dùng hai tay.
Một số người vẫn có thói quen dùng một tay, điều này thường gây các tác hại không nhỏ đến chiếc kính như gây nên sai lệch gọng kính và tâm của mắt kính, qua đó sẽ có những ảnh hưởng đến tuổi thọ kính, yếu tố thẩm mỹ, thị trường nhìn.. từ đó có thể gây ảnh hưởng không tốt cho đôi mắt.
2. Tránh cầm tay vào mắt kính.
Cầm tay vào mắt kính thường làm cho mắt kính bị mờ đi vì mắt kính rất dễ bắt dính dầu và mồ hôi, tay bị bụi bẩn cũng có thể làm cho kính bị trầy xước, ố màu làm cho khả năng quan sát bị hạn chế có thể gây nên nhức mỏi mắt, đau đầu..
3. Không lau kính bằng quần áo đang mặc.
Một số người đeo kính do sự tiện lợi thường lau kính bằng cách này nhưng nó sẽ khiến kính bị xước. Mắt kính phải được lau chùi thường xuyên để giữ cho chúng sạch sẽ. Lau kính bằng vải mềm thật nhẹ nhàng, không sử dụng vải thô để lau. Khăn lau kính tốt nhất là được dệt từ vải sợi mịn, nhỏ, trơn và là loại chuyên dùng để lau kính. Khăn luôn được bảo quản trong hộp riêng để tránh bụi bặm.
* Một số thao tác vệ sinh kính mắt.
1. Xả nước sạch rửa trước rồi lau rửa bằng dung dịch nước lau kính chuyên dụng.
2.Tránh xả nước vào hộp lò xo bản lề (những chỗ này khi bị đọng nước thường gây hiện tượng gỉ sét làm hỏng kính).
3. Lau nhẹ nhàng gọng kính và thấm nước ở mắt kính.
Hình ảnh vệ sinh kính mắt
4. Không tự sửa kính.
Nếu cảm thấy kính bị lệch thì bạn không nên tự sửa. Việc sửa kính đòi hỏi phải có chuyên môn và dùng những dụng cụ chuyên ngành.
5. Làm sao để bảo quản kính được tốt hơn.
Nên cất kính vào hộp khi không đeo sẽ tránh được các trường hợp kính vô tình bị va đập, rơi vỡ, trầy xước. Hay thậm chí trẻ em nghịch ngợm gây hỏng hóc v.v..
Tránh khí nóng, lửa- Không được đặt kính gần các vật có nhiệt độ cao như bếp ga, lò nướng, lò sưởi, bàn là nóng..
Không được rửa kính bằng nước nóng, không sử dụng kính khi tắm hơi hoặc dùng máy sấy, lò sấy để làm khô kính.
Không để kính trên các vật hấp thụ nhiệt mạnh như mặt bàn, bãi cát.. dưới ánh nắng mặt trời
Không nên để kính trong xe ôtô khi đỗ xe dưới trời nắng.
Không để kính trong cốp xe máy vì nhiệt độ trong cốp xe sẽ làm chảy những lớp phủ chống các tia UV, tia hồng ngoại... của tròng kính.
Khi dùng mỹ phẩm, đồ trang điểm nên tháo kính. Nếu những hoá mỹ phẩm này dính vào gọng hoặc mắt kính, ta nên rửa và lau sạch.
Không để kính tiếp xúc với các loại etxăng (benzine), thinner hay cồn vì đó là nguyên nhân làm cho kính bị hỏng như gọng bị ăn mòn, mắt bị rỗ, biến chất, đổi màu...
6. Kiểm tra mắt định kỳ
Cơ thể con người luôn phát triển hay thoái triển, gây nên hiện tượng thay đổi số độ sau một thời gian, chiếc kính đeo mắt cũng sẽ bị hao mòn và chỉ có tuổi thọ nhất định (từ 6 tháng đến 1 năm), mắt kính có thể bị ngả màu, trầy xước. Cần đến các cơ sở khám chuyên khoa mắt định kỳ tối thiểu 6 tháng/lần kiểm tra tình trạng mắt và kính đang sử dụng để phát hiện và thay thế kịp thời nhằm đảm bảo đôi mắt được chăm sóc tốt nhất.