Phụ nữ mang thai có nên tiêm vaccine COVID-19 không?
Trong quá trình mang thai, sức đề kháng của phụ nữ có sự suy giảm nhất định: Nhu cầu oxy cao hơn bình thường, cơ thể lại có hiện tượng phù nề giữ nước, dễ gây tổn thương niêm mạc hô hấp trên. Đấy là chưa kể những thai phụ nhiều tuổi hoặc những thai phụ có các bệnh lý nền, các bệnh lý về huyết áp, tiểu đường, tim mạch, béo phì….dễ bị biến chứng thai kỳ. Cùng với những yếu tố này, nếu lại mắc thêm Covid-19 sẽ làm nguy cơ biến chứng của phụ nữ mang thai càng thêm nhanh chóng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng của cả mẹ và thai nhi.
Chính vì vậy, chủ động bảo vệ phụ nữ mang thai trước đại dịch bằng vaccine Covid-19 là biện pháp hết sức hữu hiệu và cần thiết.
An toàn khi tiêm vaccine COVID-19 với phụ nữ mang thai
Ngày 10/9/2021, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4355/QĐ-BYT về Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin phòng COVID -19, với một số quy định điều chỉnh, bổ sung nhằm xác định các trường hợp phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng khi tiêm, trong đó có phụ nữ mang thai từ 13 tuần trở lên. Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần sẽ được hoãn tiêm vaccine phòng COVID-19.
Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định khi tiêm vaccine Covid-19, virus SARS - CoV-2 không vào buồng ối. Hơn nữa, ở tuần thứ 13, các bộ phận quan trọng trong cơ thể thai nhi cơ bản đã hoàn thiện. Vì vậy, nguy cơ gây dị dạng thai nhi giai đoạn này là thấp. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tối đa, ngoài những bước khám sàng lọc như với các đối tượng thông thường, phụ nữ mang thai cần được khám thai trước khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 để bác sĩ xác định tuổi thai, tình trạng sức khỏe của thai và các điều kiện đáp ứng tiêm chủng đối với thai phụ, từ đó đưa ra các tư vấn, chỉ định tiêm phù hợp.
Loại vaccine phù hợp dành cho thai phụ
Hiện tại, ngoại trừ vaccine Sputnik V bị chống chỉ định, các loại vaccine còn lại như Astrazeneca, Mordena, Prizer BioNTech đều có thể sử dụng để tiêm cho phụ nữ mang thai.
Xử trí với các phản ứng sau tiêm
Sau tiêm, cơ thể thai phụ có thể phản ứng lại với vaccine đưa vào thông qua những biểu hiện điển hình như mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, bồn chồn, nhức cơ … Nếu các triệu chứng này xuất hiện kèm với sốt trên 38 độ C, thai phụ có thể xem xét sử dụng thuốc hạ sốt.
Một số loại thuốc hạ sốt phổ biến được Bộ Y tế cũng như các bác sĩ Sản khoa quy định sử dụng cho thai phụ là nhóm thuốc Acetaminophen, Paracetamol hay Panadol. Tùy vào tình trạng sốt mà thai phụ uống 2-3 lần/ngày, mỗi lần cách nhau từ 8-12 tiếng. Thông thường, các phản ứng này sẽ xảy ra trong vòng 48-72h và sau đó sẽ biến mất hoàn toàn.
Trường hợp sốt cao 39-40 độ C kéo dài tới ngày thứ 4, 5 kèm nhiều biểu hiện như ho, chảy nước mũi, ho khạc đờm nhiều, sốt cao kèm khó thở thì thai phụ nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra.
Một số lưu ý
Hầu hết các loại vắc xin COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều với khoảng cách tiêm giữa 2 mũi khác nhau tùy từng loại vaccine.
Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được tiêm đủ số mũi vắc xin phòng Covid-19 và kết thúc mũi tiêm thứ hai trước 36 tuần 6 ngày. Trường hợp không kịp hoàn tất, thai phụ sẽ thực hiện tiêm trong thời kì hậu sản.
Ngoài ra, đối với những loại vaccine khác mà phụ nữ mang thai cần tiêm trong thai kỳ (như vaccine phòng uốn ván...), cần tiến hành tiêm trước vaccine phòng Covid 19 ít nhất 14 ngày hoặc cách 28 ngày sau khi tiêm vaccine Covid 19.
Không khuyến cáo bỏ thai nếu phát hiện có thai trong thời gian tiêm vaccine phòng Covid 19.
Mặc dù các biện pháp dãn cách xã hội đã được nới lỏng, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp. Bởi vậy việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 vẫn là biện pháp chủ động rất cần thiết và hữu hiệu để bảo vệ bà mẹ và thai nhi. Bên cạnh vaccine Covid-19, Bệnh viện đa khoa Đức Giang còn có Phòng tiêm chủng với chứng năng tư vấn và tiêm các loại vaccine phòng bệnh truyền nhiễm cho mọi đối tượng. Do đó các mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm khi tiêm phòng tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang.