Giới thiệu.
Nguy cơ xuất huyết tiêu hóa (XHTH) do giãn tĩnh mạch dạ dày chiếm tỷ lệ 10-36% các trường hợp, tuy nhiên khi có XHTH thì tỷ lệ tử vong cao 14-45% các trường hợp, có nhiều phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch dạ dày bao gồm: tiêm xơ qua nội soi, tạo đường thông cửa chủ trong gan qua da, nút tắc tĩnh mạch giãn qua đường tĩnh mạch cửa bằng phương pháp chọc qua da, phẫu thuật tạo cầu nối cửa-chủ, các phương pháp này đều là phương pháp xâm lấn, thường được áp dụng có hiệu quả trong các trường hợp XHTH do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, đối với các trường hợp giãn vỡ tĩnh mạch dạ dày thì hiệu quả điều trị bằng các phương pháp này không được như mong muốn.
Phương pháp dùng bóng chẹn và làm tắc ngược dòng qua đường tĩnh mạch bằng các chất xơ (Balloon-Occluded Retrograde Transvenous Obliteration: BRTO) là phương pháp ít xâm lấn, được thực hiện qua đường tĩnh mạch đùi hoặc tĩnh mạch cảnh trong cho hiệu quả tốt trong điều trị giãn vỡ tĩnh mạch dạ dày và cải thiện chức năng gan. Phương pháp này có ưu thế hơn hẳn so với tạo đường thông cửa chủ trong gan qua da (TIPS) đặc biệt là tránh được hội chứng não gan.
Phương pháp được thực hiện cần có sự phối hợp giữa các bác sĩ nội và ngoại khoa gan mật, bác sĩ nội soi và bác sĩ điện quang can thiệp.
Chỉ định.
Điều trị dự phòng XHTH hoặc XHTH do giãn vỡ tĩnh mạch dạ dày.
Chống chỉ định.
- Tăng áp lực tĩnh mạch cửa do huyết khối bít tắc hoặc do các khối bên ngoài chèn ép vào không còn luồng thông trong tĩnh mạch cửa.
- Tăng áp lực tĩnh mạch của kèm theo giãn búi tĩnh mạch thực quản hoặc/và dịch cổ chướng do khi nút tắc búi tĩnh mạch dạ dày có thể gây nặng thêm các tình trạng bệnh lý trên.
- Các bệnh nhân có khối ung thư gan (HCC) có kích thước lớn hơn 5cm.
Biến chứng: Các biến chứng có thể xảy ra khi điều trị giãn tĩnh mạch dạ dày bằng BRTO:
Làm nặng hơn tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản (40%).
Dịch cổ chướng hoặc làm nặng hơn tình trạng dịch cổ chướng.
Nôn – buồn nôn (21%)
Chảy máu dạ dày tái phát sau nút búi tĩnh mạch (10%)
Loét dạ dày (9%)
Đau ngực và thượng vị (56-76.5%)
Đái máu (49%)
Sốt (33%)
Tràn dịch màng phổi (12%)
Tăng áp lực tĩnh mạch cửa thoáng qua (35%)
Tăng các chỉ số LDH, men gan (AST), Billirubin.
Trừ biến chứng làm nặng hơn tình trạng giãn búi tĩnh mạch thực quản có thể cần can thiệp, các biến chứng của BRTO đều là các biến chứng có thể tự khỏi hoặc chỉ cần điều trị triệu chứng.