Hen phế quản là một bệnh lý hô hấp phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Phần lớn bệnh nhân hen có gia tăng đáp ứng của phế quản khi tiếp xúc tác nhân kích thích. Những tác nhân này rất đa dạng bao gồm cả thuốc, vì vậy việc sử dụng thuốc trên đối tượng bệnh nhân này cần phải hết sức thận trọng.
1. Nhóm NSAIDs: Aspirin (acetylsalicylic acid) và các NSAIDs là nhóm thuốc giảm đau chống viêm được dùng rất rộng rãi hiện nay. Nhưng với bệnh nhân hen các thuốc này có thể gây co thắt cơ trơn phế quản làm trầm trọng thêm bệnh, thậm chí gây ra các cơn hen cấp tính nguy hiểm đến tính mạng. Hơn thế những bệnh nhân có tiền sử dị ứng còn có thể xuất hiện đợt hen cấp sau khi sử dụng aspirin (hội chứng AIA – hen do aspirin). Tỷ lệ bệnh nhân hen nhạy cảm với aspirin và NSAID vào khoảng 4-28% nên cần hết sức thận trọng khi sử dụng những thuốc này. Trong trường hợp buộc phải sử dụng với những bệnh nhân có tiền sử nhạy cảm có thể sử dụng phương pháp điều trị giảm mẫn cảm với aspirin.
2. Nhóm thuốc giảm ho, long đờm: Trong hen phế quản có hiện tượng tăng tiết dịch nhày phế quản, bệnh nhân có ho khạc đờm. Tuy nhiên việc sử dụng các thuốc long đờm trong trường hợp này lại không được chỉ định do nguy cơ co thắt phế quản ( chống chỉ định tất cả thuốc chứa acetylcystein, thận trọng với bromhexin, guaifenesin…).
3. Nhóm thuốc an thần, gây ngủ: Các thuốc an thần như diazepam, lorazepam… có thể gây ức chế hô hấp và làm cho tình trạng hen nặng lên. Chống chỉ định dùng các thuốc này trong hen cấp tính ngoại trừ trường hợp đặt nội khí quản thở máy.
4. Các nhóm thuốc điều trị tăng huyết áp: Nhóm thuốc ức chế men chuyển (captopril, enalapril, perindopril….) có thể gây ho kéo dài ở 20% bệnh nhân sử dụng thuốc. Điều này có thể làm khởi phát cơn hen. Nhóm thuốc chẹn β – adrenergic như: propranolol, carvedinol…. có thể gây co thắt phế quản do phong tỏa thụ thể β2 giao cảm. Trong trường hợp này bệnh nhân nên sử dụng những nhóm thuốc khác như chẹn kênh calci (amlodipin, nifedipin….) hoặc đối kháng thụ thể AT1(valsartan, telmisartan). Nếu cần thiết phải dùng nhóm ức chế men chuyển cần hết sức lưu ý bệnh nhân về tác dụng gây ho của thuốc. Đối với trường hợp cần thiết phải dùng nhóm chẹn β – adrenergic có thể dùng những thuốc chọn lọc trên thụ thể β1 (chọn lọc trên tim) như: bisoprolol, metoprolol, nebivolol… nhưng vẫn cần hết sức thận trọng, tốt nhất nên dùng liều đầu tiên tại bệnh viện với sự giám sát của bác sỹ.
5. Nhóm kháng sinh β – lactam: Các kháng sinh nhóm β - lactam đặc biệt penicillin là chất dễ gây dị ứng trong khi phần lớn bệnh nhân hen phế quản có cơ địa dễ dị ứng vì vậy cần hết sức thận trong khi sử dụng nhóm thuốc này.
Việc sử dụng thuốc trong bệnh hen nói riêng và các bệnh lý khác nói chung ngoài đem lại tác dụng điều trị luôn tiềm ẩn nguy cơ. Thận trọng trong sử dụng, giám sát và xử trí các tác dụng không mong muốn xảy ra luôn là một vấn đề quan trọng trong bất kỳ điều trị bệnh lý nào để mang đến sự an toàn, hiệu quả cho người bệnh.
File dính kèm: Tải file