logo
BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG
Chăm sóc sức khỏe của bạn là hạnh phúc của chúng tôi
54 Trường Lâm, Phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội

VIRUS CÚM


Bệnh cúm là một bệnh cấp tính đường hô hấp với triệu chứng chủ yếu là sốt cao đột ngột, sổ mũi, nhức đầu, uể oải, bờ phờ đau toàn thân. Nếu không được kiểm dịch tốt, sau vài tháng bệnh cúm có thể lan rộng ra nhiều nước gây đại dịch. Mấy vụ đại dịch cúm nổi tiếng gần đây đã được ghi nhận:

- Đại dịch 1889-1890: virus cúm đã gây dịch ở hầu hết các nước trên thế giới. Không thống kê được số người bệnh và tử vong.

- 1918-1919: đại dịch lan từ Tây Ban Nha ra nhiều nước, làm 500 triệu người mắc bệnh và 20 triệu người chết.

- 1957- 1959: đại dịch lan từ Châu Á sang các lục địa khác (cúm Châu Á) làm 40% nhân loại mắc bệnh. Miền Bắc Việt Nam, năm 1957 thống kê được gần 1 triệu bệnh nhân và năm 1959 gần 2 triệu.

- 1968-1970 dịch cúm từ Hồng Kông lan ra khắp các lục địa (gọi là cúm Hồng Kông). Đầu năm 1970, trong vòng 3 - 4 tuần cúm lan ra khắp các tỉnh Miền Bắc Việt Nam, và số bệnh nhân thống kê được là 1,6 triệu. Từ đó đến nay cứ khoảng vài năm thì cúm lại nổi lên thành dịch: có nhiều đơn vị bị bệnh 30 - 40% quân số, trong vòng vài tuần.

 

2. Đặc điểm sinh học

2.1. Hình thể và cấu trúc

- Hình cầu, đường kính 80 -120 nm. Cấy truyền nhiều lần qua phôi gà virus có hình sợi

- Virus cúm hoàn chỉnh có cấu trúc phức tạp và được phân biệt thành 3 type A, B, C. Cả 3 type có cấu trúc chung gồm 3 phần:

- Phần lõi của virus là RNA một sợi đơn.

- Phần vỏ capsid gồm các capsome sắp xếp theo kiểu đối xứng xoắn.

- Vỏ ngoài cùng là một lớp lipid có nguồn gốc từ tế bào chủ. Có hai loại glycoprotein xuyên qua màng tạo thành các gai nhú xếp xen kẽ nhau trên bề mặt virus. Hai cấu trúc này là hai kháng nguyên đặc trưng quan trọng của virus cúm, kháng nguyên hemagglutinin (H) và neuraminidase (N).

2.2. Nuôi virus

Thường nuôi ở phôi gà 9-11 ngày tuổi, phát hiện virus bằng p/ư NKHC.

2.3. Sức đề kháng

Nói chung kém chịu đựng ở ngoại cảnh. Ở nhiệt độ buồng (200C)  sống được vài giờ, 56oC sau 30 phút virus bị bất hoạt. Ánh nắng trực tiếp có tác dụng diệt virus cúm sau vài phút. Các chất sát trùng dễ diệt virus cúm. ở 00C - 40C virus cúm sống được vài tuần;          ở lạnh âm virus sống được nhiều tháng.

2.4. Kháng nguyên

Các KN quan trọng của virus cúm nằm ở phần lõi và phần vỏ ngoài.

- Phần lõi của virus cúm chứa 1 phân tử ARN và protein, tương ứng với kháng nguyên S (Soluble). Mặc dù mang toàn bộ mã di truyền của virus nhưng KN này không có ý nghĩa với cơ chế miễn dịch bảo vệ của cơ thể.

- Phần vỏ ngoài chứa hai KN quan trọng là hemagglutinin (H) và neuraminidase (N).

+  KN H còn gọi là tố ngưng kết hồng cầu (NKHC). Kháng nguyên này giúp virus bám vào tế bào niêm mạc đường hô hấp, từ đó xâm nhập vào trong tế bào. Nó có thể bám vào màng hồng cầu người và một số loài động vật làm những hồng cầu này bị dính lại với nhau thành một màng ở đáy ống nghiệm- Đó là hiện tượng NKHC. Kháng thể tương ứng với KN H còn gọi là kháng thể ngăn ngưng kết hồng cầu (NNKHC) có tác dụng bảo vệ .

+  Kháng nguyên N có hoạt tính enzyme làm loãng chất nhầy ở đường hô hấp, giúp virus tiếp xúc dễ dàng hơn với tế bào của niêm mạc. Ngoài ra nó giúp cho virus xâm nhập tế bào dễ dàng, giúp cho sự lắp ráp các thành phần của virus và thoát ra khỏi tế bào. Kháng thể tương ứng với kháng nguyên N cũng có tác dụng bảo vệ cơ thể.

Hai kháng nguyên H và N quyết định đến khả năng gây bệnh của virus cúm và mang tính đặc hiệu type. Tuy nhiên, các cấu trúc H và N lại có thể thay đổi thành các H và N mới. Hiện nay đã phát hiện được 13 cấu trúc kháng nguyên H, ký hiệu từ H1 đến H13 và 9 cấu trúc kháng nguyên N ký hiệu từ N1 đến N9.

2.5. Cách gọi tên virus cúm

Do virus cúm có nhiều type và luôn biến đổi, vì vậy tên của virus cúm được qui ước gọi như sau:

Type (A, B hoặc C)/Địa điểm phân lập virus/Số thứ tự của chủng virus phân lập được/Năm phân lập/Công thức kháng nguyên vỏ ngoài H và N.

Ví dụ: chủng  

- A/Singapor 1/57/H2N2

- A2/Hồng Kông /1/68/H3N2

3. Khả năng gây bệnh và miễn dịch

3.1. Khả năng gây bệnh

- Người và nhiều loài động vật máu nóng đều có thể cảm thụ với virus cúm. Khi bệnh nhân cúm ho, hắt hơi hoặc nói to, virus bị bắn tung ra không khí xung quanh (1- 2 mét). Sau đó virus cúm được người lành hít vào đường hô hấp, bám vào các tế bào hình trụ của niêm mạc, nhân lên ồ ạt, làm tế bào bị hủy hoại và bong ra. Sự phát triển ồ ạt của virus cộng với độc tính của chúng và của sản phẩm tế bào bị hủy hoại, gây ra một tình trạng nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân: sốt, bơ phờ, nhức đầu, đau toàn thân kèm theo hội chứng hô hấp cấp: viêm họng, phế quản hoặc viêm phổi cấp. Thời gian nung bệnh rất nhanh, vài giờ cho đến tối đa là 48 giờ.

- Trường hợp nặng virus gây ra viêm phổi nguyên phát. Ngoài ra, virus làm giảm sức đề kháng của cơ thể, số lượng bạch cầu giảm mở đường cho các tạp khuẩn bội nhiễm, gây ra các biến chứng thứ phát như viêm phổi - phế quản, viêm xoang v.v..ở trẻ em virus cúm dễ gây các biến chứng viêm phổi, viêm cơ tim hoặc viêm não nguy cơ tử vong cao.

- Thông thường sau 5 - 6 ngày, khi cơ thể đã có kháng thể đặc hiệu, thì virus dần dần bị quét sạch. Kháng thể đặc hiệu xuất hiện cao nhất vào cuối tuần thứ 2, giữ mức độ đó khoảng 1 tháng rồi giảm dần.  Không có miễn dịch chéo giữa các type và phân type virus cúm.

3.2.Dịch tễ học virus cúm

Trong tự nhiên, virus cúm luân chuyển trong quần thể loài người và một số động vật gần người (lợn, gà, vịt,  chim, trâu, bò…). Trong quá trình luân chuyển của virus cúm có thể có sự tái tổ hợp giữa các chủng cúm người và cúm động vật tạo nên những chủng cúm mới có độc lực cao và có nguy cơ gây đại dịch do quần thể loài người không có miễn dịch với những chủng cúm mới. Bản thân virus cúm do đặc điểm biến dị của chúng sau một thời gian nhất định lại biến đổi sang một chủng có công thức kháng nguyên mới. Chu kỳ biến đổi hoàn toàn kháng nguyên vỏ ngoài của virus cúm khoảng 10 - 20 năm kèm theo đó là đại dịch cúm mới xuất hiện.

Đại dịch cúm thường do virus cúm type A (do tính biến dị cao), virus cúm type B chỉ gây dịch ở một số địa phương, virus cúm type C gây bệnh không điển hình chỉ giới hạn trong tập thể nhỏ, không gây dịch lan rộng.

4 . Chẩn đoán

4.1. Phân lập virus

Bệnh phẩm là dịch mũi và họng, xử lý tạp nhiễm và tiêm vào phôi gà đã ấp 9 - 11 ngày hoặc đưa vào bình nuôi cấy tế bào. Phát  hiện bằng phản ứng NKHC.  Định type virus bằng phản ứng trung hòa hoặc NNKHC với các kháng huyết thanh mẫu đã biết.

4.2. Chẩn đoán huyết thanh

Thường dùng phản ứng NNKHC với các KN virus cúm nghi ngờ.

Lấy máu hai lần, lần đầu lấy càng sớm càng tốt, tốt nhất lấy trong 3 ngày đầu của bệnh, lần hai cách lần đầu 7- 10 ngày. Đặt phản ứng trong điều kiện giống nhau để tìm biến động kháng thể. Nếu có tăng hiệu giá  kháng thể từ 4 lần trở lên thì kết luận là dương tính.

4.3. Phát hiện nhanh virus trong bệnh phẩm bằng nhuộm  kháng thể huỳnh quang

Đang được nhiều nơi ứng dụng vì đơn giản và nhanh

4.4. Kỹ thuật PCR

Kỹ thuật này được đánh giá là ưu việt nhất do có thể phát hiện virus cúm với độ đặc hiệu 100% trong 1-2 ngày đầu nhiễm bệnh.

5. Phòng bệnh và điều trị

5.1. Phòng bệnh

Thuốc vacccin bệnh cúm (Vaxigrip): là loại vắc-xin tinh chất, không tác hại. Mỗi 0,5ml dung dịch vắc-xin có chứa antigen:

- A/New Caledonia/20/99 (H1N1) - gần giống dòng A/New Caledonia/20/99 (IVR-116) 15 mg haemagglutinin,

- A/Moscow/10/99 (H3N2) - gần giống dòng A/Panama/2007/99 (RESVIR-17) 15 mg haemagglutinin,

- B/Hong-Kong 330/2001 - gần giống dòng B/Shangdong/7/97 15 mg haemagglutininin.

Vắc-xin điều chế từ siêu vi trùng cấy trong trứng gà và được formaldehyde làm cho vô hại.

Sau khi tiêm Vaxigrip, cơ thể tạo kháng thể chống lại các dòng siêu vi cúm trong vắc-xin. Nhưng vì các dòng siêu vi cúm thay đổi thường xuyên, vắc-xin chống cúm có thể không ngăn cản được tất cả loại cúm - và thường được thay đổi theo từng năm, từng trận dịch cúm.

5.2. Thuốc ngừa bệnh cúm

Biện pháp đơn giản tốt nhất để phòng ngừa cảm cúm là chích ngừa cảm cúm vào mỗi mùa thu.

Có hai loại thuốc ngừa cảm cúm:

a)Thuốc chích ngừa cảm cúm

- Một loại thuốc ngừa cảm cúm vô hại (chứa siêu vi đã chết) dùng để chích, thường chích ở cánh tay. Chích ngừa cảm cúm được chấp thuận cho sử dụng ở trẻ trên 6 tháng tuổi, người khỏe mạnh và người có bệnh mạn tính.

b)Thuốc xịt mũi ngừa cảm cúm—

- Một loại thuốc ngừa có chứa siêu vi cảm cúm còn sống và suy yếu để không gây cảm cúm, đôi lúc được gọi là LAIV (Live Attenuated Influenza Vaccine, hay Thuốc Ngừa Cảm Cúm có Siêu Vi Còn Sống và Suy Yếu). LAIV được chấp thuận cho sử dụng ở những người khỏe mạnh từ 5 đến 49 tuổi và không có thai.

- Trong mỗi thuốc ngừa đều có ba loại siêu vi cảm cúm.Một siêu vi A (H3N2), một siêu vi A (H1N1), và một siêu vi B. Những loại siêu vi có trong thuốc ngừa sẽ thay đổi hàng năm dựa trên cuộc nghiên cứu quốc tế và dự đoán của các nhà khoa học về chủng loại siêu vi nào sẽ lây truyền trong năm dự báo.

Khoảng hai tuần lễ sau khi chích ngừa, cơ thể sẽ sinh thêm kháng thể để đề kháng việc lây nhiễm siêu vi cảm cúm.

Theo kinh nghiệm dân gian, một số phương pháp được sử dụng để phòng ngừa cúm hoặc tránh lây nhiễm cúm như ăn tỏi sống, đun sôi dấm thanh cho bay hơi khắp nhà...

5.3. Chích ngừa vào lúc nào

Tháng Mười và tháng 11 là thời gian tốt nhất để chích ngừa, nhưng quý vị vẫn có thể chích ngừa vào tháng 12 và những tháng sau đó. Mùa cảm cúm có thể khởi đầu ngay từ tháng Mười và kéo dài đến tận tháng Năm.

5.4. Ai nên chích ngừa

Nói chung, bất cứ người nào muốn giảm thiểu nguy cơ bị cảm cúm đều có thể đi chích ngừa. Tuy nhiên, vẫn có những người nên đi chích ngừa hàng năm. Họ là những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm hoặc sống chung hay chăm sóc cho những người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng.

Những người nên chích ngừa hàng năm:

1. Người có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng của cảm cúm

2. Những người từ 65 tuổi trở lên;

3.Những người cư trú tại các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc dài hạn khác có người bị bệnh tật triền miên;

4. Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, kể cả bệnh suyễn;

5.Người lớn và trẻ em từ 6 tháng trở lên cần chữa trị y tế thường xuyên hoặc nhập viện trong năm trước do bị bệnh chuyển hóa (giống như bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch (kể cả gặp vấn đề về hệ miễn dịch do dùng thuốc hay bị nhiễm siêu vi liệt bại kháng thể [HIV/AIDS (bệnh liệt kháng)] gây ra);

6.Trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi được điều trị dài hạn bằng thuốc aspirin. (Nếu trẻ em dùng thuốc aspirin trong lúc các em mắc bệnh cúm thì có nguy cơ bị hội chứng Reye);

7. Phụ nữ có thai trong mùa bệnh cúm;

8.Tất cả trẻ em từ 6 đến 23 tháng;

5.5. Điều trị

Không có điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng và các biến chứng cùng với nâng cao thể trạng bệnh nhân.

- Nghỉ ngơi, ăn uống và bù nước đủ cho bệnh nhân. 

- Nếu bệnh nhân sốt cao thì hạ nhiệt bằng Paracetamol 500 mg x 3-4 lần/ ngày.

- Không dùng Aspirin hay các dẫn xuất có Salicylate khác, nhất là cho trẻ em.

- Vitamin C, 1 -2 g/ ngày.

6 . Liên hệ xét nghiệm

- Khoa vi sinh đã chẩn đoán cúm bằng phương pháp test nhanh phát hiện typ cúm A và cúm B.

- Bệnh viện đa khoa đức giang hiện tại đã có vaccin phòng virus cúm.

C:\Users\VISINH\Desktop\ab.jpg


                                                      




                                                                                             


Ngày đăng: 05/03/2019
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Bài viết mới nhất
19/11/2024 / benhvienducgiang
THƯ MỜI CHÀO GIÁ Kính gửi: Các đơn vị cung cấp phần mềm quản lý nhân sự Bệnh viện đa khoa Đức Giang đang có kế hoạch tổ chức chấm công vân tay để phục vụ công tác quản lý nhân sự
19/11/2024 / benhvienducgiang
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp vật tư y tế tại Việt Nam Bệnh viện đa khoa Đức Giang có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu: Mua vật tư ghép thận phục vụ công tác chuyên môn.
18/11/2024 / benhvienducgiang
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp tại Việt Nam Bệnh viện đa khoa Đức Giang có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu mua sắm trang thiết bị inox. Bệnh viện kính mời các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh có khả năng cung cấp, quan tâm chào giá, với nội dung cụ thể như sau
12/11/2024 / benhvienducgiang
Báo cáo danh sách học viên đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh tháng 9 năm 2024 tại BVĐK Đức Giang
12/11/2024 / benhvienducgiang
Báo cáo danh sách học viên đăng ký thực hành khám bệnh, chữa bệnh tháng 8 năm 2024 tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang
Tin đã đăng

Hình ảnh

/Images/companies/Đoàn Thanh Niên/IMG_1759.JPG

Đoàn thanh niên

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/PCDCOVID/48cd96805233936dca227.jpg

Phòng chống dịch bệnh

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/Tuthientinhnguyen/8a5a99ed5d5e9c00c54f21.jpg

Từ thiện

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/THIDUA/fa9567a5a31662483b071.jpg

Thi đua khen thưởng

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/Hoatdongdoanthe/bc4eda261e95dfcb868414.jpg

Hoạt động đoàn thể

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/hoatdongchuyenmon/2312f4bf300cf152a81d22.jpg

Hoạt động chuyên môn

http://benhviendaihocyhanoi.com/ http://www.bachmai.gov.vn http://www.benhvien103.vn http://benhvien108.vn/ http://benhviendaihocyhanoi.com/ http://www.bachmai.gov.vn BV Đức Giang Bệnh viện Việt Đức Bộ Y tế Benh vien 108 Báo Sức khỏe và Đời sống Bệnh viện phụ sản trung ương Báo điện tử Dân trí http://benhvienducgiang.com So Y te

Thông tin liên hệ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG
54 Trường Lâm, Phường Đức Giang ,Long Biên, Hà Nội
bvdkdg@hanoi.gov.vn
http://benhvienducgiang.com
Phòng CTXH: 0986.953.505
Đăng ký khám qua tổng đài: 1900.292919
Hotline:  0966.381.616

Kết nối với chúng tôi

Chung nhan Tin Nhiem Mang
Copyright 2017 © benhvienducgiang.com