Viêm ruột hoại tử sơ sinh thường gặp ở trẻ đẻ non và cân nặng thấp.
Tại khoa sơ sinh bệnh viện Đa khoa Đức Giang vừa qua có bệnh nhân Nguyễn Đ. D, sinh 05/10/2017, tiền sử đẻ non 33 tuần, cân nặng lúc sinh 1900 gram, địa chỉ Thượng Thanh - Long Biên - Hà Nội vào viện 06/11/2017 trong tình trạng bỏ bú, li bì. Bệnh diễn biến cách vào viện 2 ngày. Trẻ xuất hiện nôn trớ ra sữa, bú kém, không sốt. Ngày thứ 2 trẻ bỏ bú, nôn nhiều. vào viện Đa Khoa Đức Giang trong tình trạng li bì, bụng chướng căng, dịch dạ dày xanh lá cây. Trẻ được chuẩn đoán viêm ruột hoại tử theo dõi do tắc ruột và được xử trí kịp thời bằng cách hỗ trợ hô hấp, đặt sonde dạ dày, hậu môn, truyền dịch và kháng sinh. Sau đó trẻ được chuyển bệnh viện Nhi TW để can thiệp ngoại khoa sớm nhất cho trẻ.
Bệnh nhân Nguyễn Đ.D VRHT do tắc ruột
Đa số sơ sinh non tháng tiến triển đến viêm ruột hoại tử thường đang khỏe, đang tăng trưởng và đang ăn đường miệng tốt. Viêm ruột hoại tử sơ sinh diễn biến nhanh và để lại hậu quả nặng nề. Nếu không phát hiện sớm và kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Một số điểm chú ý khi nuôi dưỡng trẻ sơ sinh non tháng:
- Thận trọng khi dùng một số thuốc.
+ Nhóm xantin ( theophylin, aminosid)
+ Vitamin E dùng rộng rãi kéo dài.
+ Indometacin, cocain, cytokine.
- Pha sữa đúng tỷ lệ, tránh pha sữa quá đặc.
- Cần thận trọng khi nuôi dưỡng trẻ đẻ non bằng đường ruột, cho trẻ ăn số lượng lớn và tăng nhanh số lượng với thời gian không hợp lý sẽ là nguy cơ gây viêm ruột hoại tử.
- Cho trẻ ăn từ từ từng bữa lượng nhỏ điều chỉnh tốt thời gian và số lượng cho bữa ăn có thể phòng được bệnh. Tăng dần không quá 20ml/kg/ngày. Theo dõi và đánh giá tình trạng dung nạp sữa.
- Sữa mẹ có nhiều yếu tố bảo vệ (IgA, IgG, IgM…) là sữa duy nhất làm giảm nguy cơ viêm ruột hoại tử ở trẻ đẻ non.
- Giảm tối đa nguy cơ liên quan tới sản khoa: đẻ non, đẻ ngạt, suy hô hấp kéo dài, đa hồng cầu ở trẻ đẻ non.