DHA là tên viết tắt của Docosahexaenoic Acid (là axit béo không no mạch dài có 22 carbon và 6 nối đôi). DHA là một acid béo thuộc nhóm acid béo omega – 3, rất cần thiết cho sự phát triển trí não, thị giác, tăng khả năng miễn dịch của trẻ. Do đó, ngay từ khi còn trong giai đoạn bào thai và những năm đầu đời, trẻ cần phải được bổ sung DHA đầy đủ để phát triển trí não, thị giác và sức khỏe tổng thể suốt cuộc đời.
1. Vai trò của DHA đối với trẻ em
DHA cần thiết cho sự phát triển hoàn thiện chức năng nhìn của mắt vì DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong võng mạc và đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển thị lực của trẻ
DHA cần thiết cho sự phát triển của não bộ vì DHA chiếm tỉ lệ rất cao trong chất xám (tạo ra sự thông minh) và tạo ra độ nhạy của các neuron thần kinh, giúp dẫn truyền thông tin nhanh và chính xác. Những trẻ được bú sữa mẹ và có chế độ dinh dưỡng cung cấp đầy đủ DHA sẽ đạt chỉ số IQ cao hơn so với những bé bị thiếu DHA trong quá trình phát triển.
Bên cạnh đó, DHA có sự liên hệ chặt chẽ với vòng đầu trẻ sơ sinh, cân nặng và chiều dài. Sự cung cấp đầu đủ chất này có thề giúp làm giảm tỷ lệ suy nhược sau khi sinh và bé sẽ có cân nặng hơn. Ở trong tử cung, thai nhi đòi hỏi một lượng tăng hấp thu DHA lớn để tương ứng với lượng DHA của não tăng lên trong thời kỳ mang thai và trong các tháng sau khi sinh. Điều này được chứng minh ngay khi sinh, trọng lượng não của em bé bằng khoảng 70% trọng lượng não của người trưởng thành.
Ngoài ra, DHA giúp tăng khả năng miễn dịch do đó làm giảm nguy cơ hình thành các phản ứng dị ứng.
2. DHA nên bổ sung như thế nào cho đúng
Nhu cầu DHA của trẻ bắt đầu ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Do đó, khi mang thai các bà mẹ cần ăn nhiều các loại cá (cá ba sa, cá ngừ, cá thu… và dầu thực vật), nguồn omega-3 thiên nhiên quan trọng giúp đưa DHA vào bào thai. Khi chào đời, nguồn DHA trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ phát triển trí tuệ tốt.
Bổ sung sữa bột với hàm lượng DHA khoảng 200mg/ngày để có thể cung cấp đủ DHA cho trẻ ngay từ trong bụng mẹ.
Trẻ đẻ non và sơ sinh bình thường đòi hỏi phải cung cấp đủ DHA bởi trẻ không có khả năng chuyển tiền tố DHA từ dầu thực vật, hay các thức ăn thay thế khác sang loại acid béo cần thiết này. Sữa mẹ cung cấp đủ DHA cho trẻ, vì vậy việc cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho con bú kéo dài tới 24 tháng là rất quan trọng. Với trường hợp bé không được bú sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ thì phải bổ sung DHA từ nguồn dinh dưỡng khác như sữa được làm từ công thức DHA hoặc các loại thực phẩm thay thế sữa mẹ có bổ sung DHA.
Năm 2010, Tổ chức FAO đã đưa ra nhu cầu khuyến nghị như sau: Trẻ 0-6 tháng DHA cần 0.1 - 0.18% năng lượng/ngày; Trẻ 6 – 24 tháng DHA cần 10 – 12 mg/kg cân nặng/ngày; Trẻ 2 – 4 tuổi: 100-150 mg (DHA + EPA)/ngày; Trẻ 4 – 6 tuổi: 150 – 200 mg (DHA + EPA)/ngày; Trẻ 6 – 10 tuổi: 200 – 250 mg (DHA + EPA)/ngày.
3. Những thực phẩm chứa nhiều DHA
Thực phẩm có nhiều DHA bao gồm:
- Các loài cá biển: Cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi, cá trích, cá bơn … là các loại cá có chứa hàm lượng lớn DHA.
- Nội tạng động vật: Gan và mỡ cá
-Lòng đỏ trứng gà: Đây là thực phẩm giàu DHA cho bé. Chỉ nên ăn trứng đã chín hoàn toàn.
- Sữa chua, các loại sữa bột có bổ sung DHA.
-Các loại hạt: Hạnh nhân, óc chó, đậu phộng …
-Rau xanh: Súp lơ, bí ngô, bắp cải, cải xoăn, cải xoong.