Khẩu phần ăn mỗi ngày cần có vitamin, khoáng chất, đạm, rau xanh, lợi khuẩn, sữa và chế phẩm từ sữa... giúp bé tăng đề kháng, phòng cảm cúm.
Theo Trưởng khoa dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Hậu - Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP HCM), cảm cúm là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ khi trở trời, chuyển mùa hay thời tiết thất thường. Vì hệ miễn dịch của các bé chưa hoàn chỉnh, sức đề kháng còn yếu nên dễ bị virus tấn công. Người lớn cũng dễ bị bệnh nếu không đủ sức đề kháng.
Cha mẹ không nên coi thường cảm cúm mà cần tìm cách chữa trị kịp thời. Nếu không sớm chữa khỏi dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm như viêm đường hô hấp: viêm phế quản, viêm họng, thanh quản, viêm phổi... hoặc viêm nhiễm ngoài hô hấp: viêm tai giữa, viêm cơ tim... Thậm chí có thể gây tử vong nếu trẻ bị các bệnh lý mãn tính.
Ăn đủ chất để tăng cường đề kháng
Bác sĩ Thu Hậu chia sẻ, hệ miễn dịch giống vòng tay che chở, giúp bé và cả nhà luôn khỏe mạnh và tránh các bệnh viêm nhiễm, điển hình là cảm cúm... Điều thú vị là hệ miễn dịch và đường ruột có mối tương quan mật thiết vì trong ruột có rất nhiều hạch, là nơi sản xuất 70% các tế bào miễn dịch của cơ thể. Một đường ruột khỏe mạnh sẽ góp phần giúp nâng cao hệ miễn dịch và ngược lại.
Do đó, chế độ ăn uống hợp lý, đủ chất sẽ hỗ trợ rất nhiều cho cả nhà tăng cường đề kháng và giảm nguy cơ mắc cảm cúm. Chỉ khi được bổ sung dinh dưỡng đủ lượng và chất, đường ruột mới khỏe mạnh, cơ thể mới đủ sức chống chọi virus cúm, không lo lắng bệnh tật đe dọa cả gia đình.
Chế độ dinh dưỡng hằng ngày của bé còn phải đảm bảo đủ dưỡng chất và vitamin cần thiết trong mỗi bữa ăn, nhằm giúp hệ thống miễn dịch của bé vận hành bình thường. Các chất dinh dưỡng tốt và cần thiết cho sức đề kháng của trẻ gồm:
Nhóm chất đạm: mỗi bữa ăn chính cần bổ sung 30-50g thịt hoặc 70-90g cá hay tôm, một đến hai quả trứng hay một miếng đậu hũ tùy thuộc lứa tuổi;
Vitamin C: nhu cầu thông thường của cơ thể là 100mg mỗi ngày, tương đương với việc nạp vào 300g rau và 200g trái cây tươi;
Vitamin A: có trong thịt, cá, gan, trứng, tiền chất betacaroteen để chuyển thành vitamin A trong rau quả màu vàng, đỏ, xanh sậm
Chất sắt trong thịt, cá, gan, huyết, rau xanh sậm
Và kẽm trong hàu, sò, thịt, cá...
Sữa và chế phẩm từ sữa (như sữa chua, phô mai, bơ, kem...) cũng không thể thiếu trong các bữa ăn, bởi chúng chứa canxi phòng chống các bệnh loãng xương.
Bên cạnh đó, thực phẩm lên men chứa lợi khuẩn cũng là thành phần quan trọng trong thực đơn hàng ngày giúp bé và cả nhà tăng cường miễn dịch, giảm nguy cơ mắc cúm.
Lưu ý khi lên thực đơn tăng đề kháng cho trẻ
Nhiều cha mẹ lo lắng làm sao để con vừa ăn ngon, vừa tăng đề kháng, bởi có những bé không thích ăn thực phẩm có chứa đề kháng cao như thịt, rau củ... Trước tiên, phụ huynh phải tìm hiểu sinh lý của trẻ, hiểu được ở độ tuổi đó bé cần bổ sung gì, thực phẩm nào để thiết kế bữa ăn phù hợp lứa tuổi và thay đổi món thường xuyên khiến các bé hứng thú khi ăn. Ví dụ, bé cần ăn bao nhiêu chén cháo? Trong mỗi chén cháo có bao nhiêu dưỡng chất? Cho con uống bao nhiêu sữa mới hợp lý? Từ cơ sở đó cha mẹ mới chuyển đổi trong cùng một nhóm, biết cái nào vừa có lợi cho sức khỏe, vừa khiến bé thích ăn.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, cho con ăn là nghệ thuật mà không phải mẹ nào cũng làm được. Hiểu con mới có thể lên thực đơn, từ đó bé mới phát triển và khỏe mạnh. Có một số bé không ăn được rau này nhưng có thể ăn được rau khác. Cha mẹ nên biết điều này.
Nếu con không ăn rau củ quả thì bố mẹ có thể chế biến cách khác như: băm nhuyễn rau củ cho vào cháo. Hoặc thay đổi bằng cách bổ sung thêm một số thực phẩm chứa vitamin A như gan, trứng. Nếu bé không thích uống sữa, có thể cho bé ăn các chế phẩm từ sữa như phô mai, bơ, sữa chua để đảm bảo đủ lượng sữa. Đó cũng là cách giúp con ăn ngon mà vẫn đảm bảo bổ sung đẩy đủ chất dinh dưỡng. Phụ huynh nên tích cực thay đổi thực đơn để kích thích bé ăn ngon miệng hơn.
Bác sĩ chia sẻ thêm, không ít phụ huynh nghĩ vitamin C có thể tăng sức đề kháng, chỉ cần một liều vitamin C sẽ giải quyết được bệnh cúm. Vì thế mỗi khi con bị cúm, nhiều cha mẹ liền cho bé uống nước cam. Ngày này qua ngày khác đều lập lại như vậy khiến bé bị ngán, nhàm chán. Muốn không rơi vào tình trạng này, phụ huynh nên linh hoạt chuyển đổi thực phẩm hoặc trái cây khác như ổi, đào, đu đủ, mận, cherry, sơri, cải xoăn... Những loại quả này khi chín có hàm lượng vitamin C nhiều hơn so với quả xanh hoặc chưa chín hẳn.
Bổ sung lợi khuẩn cho cả gia đình
Một trong những phương pháp tăng cường đề kháng hiệu quả và đơn giản được nhiều chuyên gia tin tưởng là bổ sung lợi khuẩn (hay Probiotics) vào thực đơn dinh dưỡng hàng ngày. Bởi lợi khuẩn giúp các hạch sản xuất tế bào miễn dịch hiệu quả, từ đó giúp tăng cường đề kháng, ngăn ngừa cảm cúm cho bé và cả nhà..
Để hỗ trợ hệ miễn dịch của bé phát triển tối ưu, giúp cơ thể phòng các bệnh khi giao mùa như cảm cúm, ngoài ăn uống thì không thể thiếu vận động, tập thể dục điều độ, cung cấp đủ nước và ngủ nghỉ khoa học... Cha mẹ phải chú ý cho bé đi tiêm chủng đúng lịch và đầy đủ. Vệ sinh môi trường sống, rửa tay bằng xà bông trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ăn chín uống sôi, cách ly người bệnh... cũng là cách đề phòng cảm cúm.