Thai làm tổ tại sẹo mổ lấy thai (TLTTSMLT) đã được Larsen và Solomon báo cáo từ 1978. Khối thai bám vào cơ tử cung qua khe hở sẹo mổ lấy thai (MLT).
Tần số TLTTSMLT được báo cáo từ 1/2.226 tới 1/8.000 (0,04% - 0,05%) tất cả trường hợp có thai. Ở phụ nữ sau khi mổ đẻ, tỉ lệ chửa sẹo mổ lấy thai xấp xỉ 0,15% và khoảng 6,1% tất cả trường hợp thai ngoài tử cung (TNTC) ở những bệnh nhân sau ít nhất 1 lần mổ lấy thai. Trước đây hiếm gặp, nhưng những báo cáo gần đây cho thấy tỉ lệ TLTTSMLT tăng dần. Điều này là do tỉ lệ mổ lấy thai và thụ thai trong ống nghiệm đều tăng, thêm vào đó với ứng dụng siêu âm qua âm đạo giúp phát hiện sớm các trường hợp TLTTSMLT.
TLTTSMLT có tế bào nuôi xâm lấn cơ tử cung tương tự cài răng lược nên có khuynh hướng gây chảy máu ồ ạt, có thể đe dọa mạng sống. Tuy nhiên trong bệnh lý TLTTSMLT, tế bào nuôi xâm lấn nhiều hơn và biến chứng xảy ra rất sớm trong 3 tháng đầu thai kỳ, gây vỡ tử cung và băng huyết trong 3 tháng đầu thai kì.
Triệu chứng lâm sàng TLTTSMLT không đặc hiệu: 33% - 44% xuất huyết âm đạo, 25% có đau bụng như bị sẩy thai không trọn, hơn 50% bệnh nhân không triệu chứng và chỉ chẩn đoán phát hiện qua siêu âm khi khám thai.
Siêu âm đầu dò âm đạo có độ nhạy 85% trong phát hiện bệnh TLTTSMLT. Siêu âm đầu dò âm đạo giúp quan sát rõ túi thai và tương quan với sẹo MLT. Kết hợp siêu âm qua thành bụng giúp quan sát được toàn bộ tử cung, phần phụ và khoảng cách giữa túi thai và bàng quang. Qua đó, đo được độ dày vách cơ tử cung giữa bàng quang và túi thai. Chỉ số có ý nghĩa trong tiên lượng, phân loại nguy cơ TLTTSMLT.
Tiêu chuẩn chẩn đoán TLTTSMLT trên siêu âm đầu dò âm đạo theo RCOG
· Buồng tử cung trống không có túi thai trong khoang nội mạc tử cung
· Túi thai hoặc khối tế bào nuôi bám vào vùng vết mổ cũ trước ở đoạn eo tử cung
· Lớp cơ tử cung giữa bàng bang và túi thai biến mất hoặc rất mỏng
· Tăng sinh mạch quanh khối qua siêu âm Doppler
· Kênh cổ tử cung trống.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị TLTTSMLT và vẫn có nhiều tranh cãi. Một số phương pháp điều trị chính là:
Methotrexate (MTX) cản trở sự tăng trưởng của một số tế bào trong cơ thể, đặc biệt là các tế bào tăng sinh nhanh chóng, chẳng hạn như các tế bào ung thư, tế bào tủy xương và các tế bào da... MTX được dùng để tiêu diệt những gai rau đang tăng sinh mạnh. MTX được tiêm toàn thân hoặc sử dụng tiêm trực tiếp vào túi thai gây chết thai. Điều này phụ thuộc vào tuổi thai, beta HCG..
Nong nạo khối thai là thủ thuật phá thai ngoại khoa sử dụng bơm hút chân không để nạo phá thai trong những tháng đầu thai kì. Đây cũng là một trong những phương pháp điều trị TLTTSMLT. Nhược điểm của phương pháp này là nguy cơ xuất huyết cao. Có thể tiến hành hút lấy khối nhau thai khi β-hCG giảm nhiều (còn 10-30% so với ban đầu). Nạo thường kết hợp với siêu âm hoặc thắt động mạch tử cung trước, chèn bóng sau nạo, hoặc tiêm MTX…để giảm nguy cơ xuất huyết.
Phẫu thuật lấy hết túi thai và khâu lại sẹo mổ lấy thai. Phương pháp này có thể thực hiện phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mổ mở.
Điều trị bằng phối hợp các phương pháp: Kết hợp MTX toàn thân và tại chỗ với nong nạo thai, kết hợp chèn bóng trong nong nạo khối thai …
Sau điều trị, bệnh nhân được theo dõi hàng tuần về lâm sàng, cận lâm sàng bao gồm tình trạng ra máu âm đạo, đau bụng, nồng độ βHCG, khối âm vang hỗn hợp tại sẹo mổ lấy thai… Nội tiết tố thai βHCG thường trở về bình thường sau khoảng 6 - 10 tuần. Khối âm vang hỗn hợp tại sẹo mổ lấy thai có thể cần 2 tháng tới 1 năm mới biến mất trên siêu âm.