Theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), viên uống chống nắng không có tác dụng thần kỳ như được quảng cáo, các chị em cần hết sức lưu ý.
Không khó để tìm kiếm các sản phẩm viên uống chống nắng được rao bán trên mạng. Đủ các lời chào như "đi nắng, đi biển bất chấp, không đen", "Kem chống nắng chỉ chống nắng vật lý, hoá học, còn viên uống là chống nắng sinh học chống lại ánh sáng mặt trời đồng nhất",....
Cụ thể, các loại viên uống chống nắng được nhiều người bán quảng cáo đều là hàng xách tay có xuất xứ Mỹ, Nhật Bản, Đức... có giá bán dao động từ 150.000 đồng - 2.500.000 đồng/hộp tuỳ loại. Hay trên các sàn thương mại điện tử như: Shopee, Lazada.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Thị Thảo, Phó khoa phụ trách khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), một số trang mạng quảng cáo viên uống chống nắng với công dụng bảo vệ da hoàn hảo từ bên trong là không thực sự chính xác. Viên uống chống nắng có vai trò hỗ trợ bảo vệ làn da khỏi tác hại của tia UV, tuy nhiên các viên uống này hoàn toàn không thể thay thế được kem bôi chống nắng.
"Nhiều chị em lầm tưởng và tin vào quảng cáo của viên uống chống nắng có tác dụng kéo dài cả ngày. Vì tin tưởng nên nhiều chị em chỉ uống các viên uống chức năng này mà không bôi kem chống nắng dẫn đến việc bị sạm da và hiệu quả không như mong đợi" - bác sĩ Thảo cho biết.
Bên cạnh đó, bác sĩ Thảo cũng chỉ ra việc quảng cáo trị nám của viên uống chống nắng là hoàn toàn không đúng.
"Theo quan điểm của tôi, việc điều trị nám da khá khó khăn, bởi khả năng tái phát rất cao, không có hiệu quả lâu dài. Chính vì vậy, việc điều trị nám phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và duy trì lâu dài. Để điều trị, chị em cần phải đến thăm khám để biết được mức độ lâm sàng của da, từ đó các bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp" - bác sĩ Thảo cho biết.
Phân tích về thành phần của viên uống chống nắng, bác sĩ Phạm Thị Thảo cho biết, trong viên uống chống nắng bao gồm có: lycopene, beta-carotene, vitamin E, vitamin C - đây là các chất có tác dụng chống lại tác dụng có hại của tia UV nhưng không nhiều, chỉ tương đương kem bôi chống nắng với SPF 15.
Một số viên chống nắng khác có thể có glutathion, vitamin C có tác dụng làm trắng da nên một số người bán hàng lợi dụng công dụng này để đánh vào tâm lý của các chị em phụ nữ muốn chống nắng và làm trắng da.
Theo bác sĩ, để có thể bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời một cách hiệu quả nhất, cũng như điều trị các bệnh về da do ánh nắng mặt trời, người bệnh nên đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được khám, chẩn đoán và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Đồng thời qua đó nhận các tư vấn hướng dẫn của bác sĩ về việc làm thế nào để tránh nắng một cách có hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất.