Bệnh nhân nữ 78 tuổi tiền sử tăng huyết áp, suy tim, bệnh phổi mạn tính vào viện vì mệt mỏi, khó thở cảm giác hồi hộp trống ngực, bệnh nhân vào viện ngày đầu tiên của bệnh. Khám lâm sàng bệnh nhân nổi bật với tình trạng khó thở, mệt nhiều, nhịp tim nhanh 210 – 220 lần/ phút, huyết áp khó đo, phổi nghe nhiều rale ẩm, rale rít 2 bên, trên điện tâm đồ có hình ảnh cơn nhịp nhanh kich phát trên thất tần số 220 lần/ phút, chẩn đoán sơ bộ ban đầu cơn NNKPTT huyết động không ổn định/ hen tim- Suy tim - THA- COPD. Sau khi hỗ trợ ban đầu về oxy, monitor theo dõi, bệnh nhân được tiến hành sốc điện đồng bộ liều 100J, sau sốc điện monitor về nhịp xoang tần số 90 lần/ phút, huyết áp ổn định 110/70 mmHg, bệnh nhân đỡ mệt, khó thở và ổn định dần.
Điện tim trước và sau sốc điện chuyển nhịp
Vậy cơ chế và chỉ định của sốc điện chuyển nhịp là như thế nào ?
Sốc điện ngoài lồng ngực (thường được gọi tắt là sốc điện) là một phương pháp điều trị cho phép dập tắt, bình ổn nhanh chóng phần lớn các rối loạn nhịp tim.
Sốc điện gây ra sự khử cực đối với tất cả các tế bào cơ tim đang bị kích thích, cắt đứt các vòng vào lại hoặc bất hoạt các ổ hoạt động ngoại vi bằng cách tái đồng bộ hoạt động điện học trong tế bào cơ tim. Nhịp xoang thường được thiết lập sau một khoảng ngừng điện học ngắn xuất hiện ngay sau khi sốc điện. Hiệu quả của sốc điện phụ thuộc vào điện thế khi sốc điện và sức kháng trở của tổ chức. Một số yếu tố có ảnh hưởng mang tính quyết định đối với sức kháng trở nói trên đó là hình thái người bệnh, tình trạng phối, lồng ngực của bệnh nhân.
Sốc điện chuyển nhịp là phóng thích năng lượng đồng bộ lên sóng R của QRS. Thường năng lượng thấp hơn trong sốc điện phá rung.Tránh phóng điện trong giai đoạn tái cực cơ tim (sóng T) tránh gây rung thất. Đỉnh của sóng T là sự kết thúc của quá trình trơ tuyệt đối và các sợi cơ tim trong giai đoạn này đang chuyển sang trạng thái tái cực nên rất dễ bị tổn thương và gây rung thất.
Sốc điện chuyển nhịp đồng bộ được chỉ định trong các rối loạn nhịp trên thất có huyết động không ổn định như cuồng nhĩ, rung nhĩ, nhịp nhanh trên thất có vòng vào lại, các nhịp nhanh thật đơn dạng, đa dạng, nhịp nhanh có phức hợp QRS rộng không rõ loại. Đặc biệt các nghiên cứu cho thấy việc sốc điện chuyển nhịp ở phụ nữ có thai hoàn toàn an toàn và không ảnh hưởng tới nhịp tim và các vấn đề khác của thai nhi. Tuy nhiên cũng có những chống chỉ định riêng với sốc điện chuyển nhịp như trong trường hợp nhịp nhanh do ngộ độc digitalis, catecholamine, các nhịp nhanh bộ nối, ngoại tâm thu thất.
Trong sốc điện chuyển nhịp máy sốc điện 2 pha được ưu tiên sử dụng hơn so với 1 pha. Mức năng lượng dùng trong các rối loạn nhịp cững tương đối khác nhau nhưng về cơ bản đều thấp hơn so với trong sốc điện không đồng bộ, trong rung nhĩ, cuông nhĩ, tim nhanh trên thất là từ 50- 100J, nhịp nhanh thất là 100J.
Sốc điện chuyển nhịp là phương pháp đầu tay khi có chỉ định, tương đối an toàn và hiệu quả, tuy vậy vẫn có nhưng biến chứng nhất định như tụt huyết áp, suy hô hấp do thuốc an thần, các rối loạn nhịp nhĩ, thât, phù phổi cấp, tổn thương cơ tim, bỏng da…Vì vậy bệnh nhân trong và sau khi sốc điện cần được theo dõi sát toàn trạng và các dấu hiệu sinh tồn.
Tại khoa cấp cứu bệnh viện đa khoa Đức Giang, chúng tôi cũng đã tiến hành sốc điện chuyển nhịp cho nhiều bệnh nhân. Phương pháp cũng mang lại nhưng kết quả tốt cho việc xử trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân.