Tại khoa sơ sinh, BVĐK Đức Giang hàng năm đón 2200 trẻ sơ sinh bệnh lý. Trong số đó, trẻ suy dinh dưỡng bào thai (SDDBT) chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 5%
Trẻ SDDBT ngay sau sinh gặp rất nhiều vấn đề như suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ nhiệt độ, nhiễm trùng sơ sinh... Những trẻ này cần được khám, điều trị và chăm sóc từ sớm để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Tại BVĐK Đức Giang, do có sự phối hợp tốt giữa khoa Sản và khoa Sơ Sinh. Toàn bộ trẻ SDDBT sinh ra đều được khám sàng lọc và quản lý từ ngay sau sinh. Tất cả các trẻ đều được chăm sóc về dinh dưỡng, các bệnh lý đi kèm và đều ra viện với tình trạng sức khỏe tốt.
Thế nào là trẻ SDDBT?
Theo tổ chức Y tế Thế Giới, coi những trẻ đủ tháng có cân nặng lúc đẻ dưới 2500g là những trẻ bị SDDBT.
Theo biểu đồ tăng trưởng Fenton, SDDBT khi trẻ có cân nặng < -2SD
Với những trẻ bị SDDBT việc nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ có tầm quan trọng đặc biệt, lưu ý như sau:
– Cần ủ ấm cho trẻ thường xuyên
– Tắm rửa bằng nước sạch, thay băng rốn hàng ngày
– Cho trẻ bú mẹ sớm, trong nửa giờ đầu sau khi lọt lòng mẹ: cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, cho trẻ bú nhiều lần (kể cả ban đêm) hơn những trẻ có cân nặng bình thường.
– Theo dõi sát sao để phát hiện sớm và xử lý kịp thời khi có dấu hiệu trẻ bị hạ thân nhiệt hay hạ đường máu, hạ canxi máu
– Chỉ cho ăn bổ sung khi trẻ được 6 tháng tuổi , phải bảo đảm khẩu phần của trẻ có đủ dinh dưỡng cả về lượng và chất. Nên chọn các thực phẩm giàu canxi, sắt, kẽm, vitamin A, D… để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng ngừa SDD thấp còi sau này.
– Cho trẻ uống vitamin A, vitamin D và tiêm vắc-xin đầy đủ theo quy định của y tế
– Ngoài chế độ ăn nên bổ sung các vi chất dinh dưỡng như: kẽm, canxi, vitamin D, A… dưới dạng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ để giúp trẻ phát triển chiều cao, phòng trừ thừa cân béo phì do thấp còi.
Phòng tránh SDDBT như thế nào?
Trước hết về phía bà mẹ, khi có thai cần được ăn no, ăn đủ chất cần thiết cho sự phát triển của bào thai như các loại thịt, đậu, trứng, sữa, tôm, cá, các rau quả tươi. Cần uống thêm viên sắt từ khi có thai đến sau khi đẻ để chống thiếu máu. Ngoài chế độ dinh dưỡng còn cần một chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, tránh mọi lo âu phiền muộn trong cuộc sống. Bà mẹ không uống rượu và hút thuốc lá, thuốc lào khi có thai.
Thực hiện kế hoạch hóa gia đình: Đẻ thưa, không nên đẻ khi còn ít tuổi (dưới 18) và khi đã lớn tuổi (trên 35) cũng sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng thai SDD.
Khi đã có thai, bà mẹ phải được khám thai định kỳ đều đặn (1 tháng/lần) để thầy thuốc kịp thời phát hiện các bất thường về thai nghén và sự phát triển của thai từ đó có thể tư vấn cho bà mẹ cách chăm sóc sức khỏe để thai không bị SDD.