Ngày 28/3/2024 bệnh viện đa khoa Đức Giang phối hợp cùng Bộ môn Dược lý- Dược lâm sàng trường đại học Dược Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học báo cáo tình hình triển khai các hoạt động dược lâm sàng trên bệnh nhân ngoại trú đái tháo đường típ 2 tại bệnh viện.
Về phía trường Đại học Dược, có PGS.TS Phạm Thị Thúy Vân Phó trưởng Phụ trách khoa Dược lý -Dược lâm sàng, Đại học Dược Hà Nội; TS.DS Cao Thị Bích Thảo Giảng viên khoa Dược lý- Dược lâm sàng.
Về phía bệnh viện, có TS.BS Nguyễn Văn Thường Giám đốc bệnh viện; BSCKII Đoàn Văn Phúc Phó Giám đốc bệnh viện; TS.DS Hoàng Thái Hòa Trưởng khoa dược cùng các Bác sĩ, Dược sĩ công tác tại bệnh viện đa khoa Đức Giang.
Các bệnh viện đến tham dự cùng, có BV đa khoa tỉnh Ninh Bình, BV đa khoa Gia Lâm, bệnh viện Bắc Thắng Long, bệnh viện đa khoa Mê Linh….
Phát biểu khai mạc, TS.BS Nguyễn Văn Thường- Giám đốc bệnh viện đánh giá cao công tác Dược lâm sàng tại bệnh viện từ quản lý sử dụng kháng sinh, phân tích dự trù thuốc, tham gia hội chẩn cùng bác sĩ, theo dõi phản ứng có hại của thuốc (ADR)… Đặc biệt trong chương trình nâng cao chất lượng quản lý bệnh mạn tính tại bệnh viện. Hiện tại bệnh viện có 4 chương trình quản lý bệnh mạn tính bao gồm Tăng huyết áp, Đái tháo đường, Hen COPD và Viêm gan; tổng số hơn 13500 bệnh nhân trong đó có khoảng 6000 bệnh nhân đái tháo đường típ 2. Số lượng người mắc bệnh đái tháo đường có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong thời gian qua, là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh diễn biến thầm lặng nhưng lại gây ra nhiều biến chứng trên mắt, thần kinh, tim mạch, thận. Dược sĩ lâm sàng tham gia cùng đội ngũ y bác sĩ giúp bệnh nhân được tối ưu hóa phác đồ điều trị, kiểm soát đường huyết tối ưu đồng thời tư vấn để người bệnh tuân thủ dùng thuốc, hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, lối sống tích cực, ưa vận động để ngăn ngừa các biến chứng.
Tham dự hội thảo, PGS.TS Phạm Thị Thúy Vân chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình triển khai “Chương trình nâng cao chất lượng quản lý bệnh nhân Đái tháo đường bởi dược sĩ lâm sàng” tại các bệnh viện. Chương trình nằm trong khuôn khổ Hợp tác Viện – Trường do Sở Y tế Hà Nội triển khai. Bệnh viện đa khoa Đức Giang là một trong 4 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế Hà Nội tham gia. Nhà trường đánh giá cao sự hợp tác giữa Viện và Trường. Ban Giám đốc luôn hỗ trợ tạo điều kiện để nhóm nghiên cứu triển khai các hoạt động.
TS.DS Cao Thị Bích Thảo nhận định, hiện tại bệnh viện đang quản lý khá tốt nhóm đối tượng bệnh nhân đái tháo đường ngoại trú. Tỉ lệ xét nghiệm và kiểm soát đường huyết so với các bệnh viện trong cùng nghiên cứu đều ở mức cao. Về mặt lựa chọn thuốc, các thuốc theo khuyến cáo trong phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế 2020 như Biguanide, Sulfonylure… chiếm tỉ lệ từ 70-90%. Nhóm thuốc mới như SGLT2 ngoài tác dụng hạ đường huyết còn giúp giảm các biến chứng trên tim mạch và thận chiếm khoảng 5%. Tại các bệnh viện, tỉ lệ này cũng chỉ khoảng 10-15% do đây là nhóm thuốc mới, đắt tiền, quỹ bảo hiểm y tế thanh toán 70%. TS.DS Cao Thị Bích Thảo tổng kết kết quả hoạt động hỗ trợ công tác dược lâm sàng trong thời gian vừa qua, đề xuất mô hình can thiệp realtime trên đơn kê của bác sĩ, triển khai phòng tư vấn sử dụng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường.
Rà soát nâng cao hơn trên nhóm đối tượng bệnh nhân kiểm soát đường huyết kém (HbA1c ≥8,5%) chiếm ¼ trên tổng số bệnh nhân ĐTĐ do bệnh viện quản lý. Bài báo cáo của dược sĩ Trần Thị Tuyết Nhung đã chỉ ra các vấn đề trên đơn thuốc hạ đường huyết (DRP) của nhóm bệnh nhân này. Các DRP chủ yếu liên quan đến việc lựa chọn phác đồ chưa tích cực, bệnh nhân chưa được kê SGLT2 khi có chỉ định ưu tiên. Tỉ lệ bác sĩ đồng ý với các DRP do dược sĩ đề xuất chiếm 96%.
Tổng kết, Giám đốc Nguyễn Văn Thường cảm ơn sự hỗ trợ nhiệt tình về mặt chuyên môn từ các thầy cô giáo trường đại học Dược Hà Nội. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác Dược lâm sàng trong bệnh viện, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý điều trị bệnh nhân đái tháo đường. Các khoa phòng phối hợp xây dựng bảng kiểm, hiển thị cảnh báo hỗ trợ bác sĩ kê đơn thuốc hạ đường huyết, thuốc mỡ máu, thay đổi phác đồ điều trị phù hợp mục tiêu cá thể hóa điều trị. Qua đó cũng giúp giảm thời gian rà soát đơn thuốc của Dược sĩ, giảm thiểu các vấn đề liên quan đến thuốc (DRP), nâng cao vai trò của Dược sĩ lâm sàng tại bệnh viện.