Khi bước vào chuyển dạ, với những cơn co tử cung ngày càng tăng dần về cường độ và tần số làm cho sản phụ có cảm giác đau. Cảm giác đau này có khác nhau tùy vào ngưỡng chịu đau từng người. Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau cao thì dễ dàng vượt qua được và cuộc chuyển dạ có thuận lợi hơn mà không phải dùng phương pháp giảm đau nào.Với những sản phụ có ngưỡng chịu đau thấp thường gặp phải nhiều khó khăn: mệt mỏi, vật vã, lo lắng, thậm chí có khi ngất đi. Chính những yếu tố này gây cản trở không ít cho quá trình sinh đẻ. Vì vậy, có khá nhiều phương pháp để giảm đau trong chuyển dạ. Hiện tại hầu hết các sản phụ được áp dụng phương pháp giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng.
Gây tê ngoài màng cứng (NMC) là gì?
Là một phương pháp gây tê vùng được áp dụng cho giảm đau khi chuyển dạ. Thuốc tê được tiêm vào một khoang bao bọc xung quanh tủy sống (khoang NMC), thuốc gây tê sẽ được tiêm ngắt quãng hoặc bằng bơm kim điện tự động, bơm liên tục với tốc độ rất nhỏ và ổn định cho tới khi em bé ra đời .Nhờ đó sản phụ sẽ được giảm đau để cuộc đẻ nhẹ nhàng hơn, nhanh hơn, bé cũng ít bị sang chấn hơn.
Những ai có thể áp dụng phương pháp này?
Thông thường mọi sản phụ đều có thể giảm đau bằng gây tê NMC, tuy nhiên cần chống chỉ định với các trường hợp sau:
- Dị ứng với các thuốc dùng trong gây tê NMC.
- Sản phụ có tiền sử rối loạn đông máu, tiểu cầu quá thấp.
- Tiền sử bệnh thần kinh hoặc bệnh lý tủy sống.
- Các dấu hiệu nhiễm trùng toàn thân, có nhiễm trùng da vùng lưng…
- Các ca cấp cứu đe dọa tính mạng của mẹ hoặc của con , ví dụ: chảy máu nặng trước hoặc trong khi chuyển dạ, tụt huyết áp.
Cách tiến hành:
- Sản phụ được giải thích và khám tiền mê.
- Thiết lập đường truyền để bù dịch ( tránh tụt huyết áp).
- Bác sĩ gây mê sẽ làm gây tê NMC khi cổ tử cung mở được khoảng 3cm (đồng nghĩa với việc sản phụ trước đó đã bị đau bụng do có những cơn co đáng kể).
- Khi gây tê, sản phụ thường nằm nghiêng trái,đầu cúi - Co hai gối sát bụng. Bác sĩ gây tê tại chỗ, nơi sẽ chọc kim ở lưng và luồn một ống bằng chất dẻo rất nhỏ gọi là catheter vào trong khoang NMC, thuốc tê sẽ được truyền qua catheter. Khi tiêm thuốc gây tê qua catheter, sản phụ có thể cảm nhận được có một dòng man mát chảy dưới lưng. Ít phút sau khi tiêm thuốc gây tê vào khoang NMC, sản phụ sẽ thấy giảm đau một cách rõ rệt (thậm chí một số thấy hết đau). Tùy theo cơ địa mỗi sản phụ mà có một số người sẽ thấy âm ấm ở 2 bàn chân, tê như kiến bò ở 2 bàn chân, hay cảm giác nặng ở chân.
Lợi ích của giảm đau trong đẻ:
- Gây tê NMC có lộ trình giảm đau hiệu quả xuyên suốt cuộc chuyển dạ.
- Bác sĩ gây tê có thể kiểm soát được hiệu quả giảm đau thông qua điều chỉnh linh hoạt loại thuốc,liều lượng và cường độ của thuốc. Thông qua đó bác sĩ sản khoa có thể chỉ huy được cuộc đẻ theo xu hướng tốt nhất cho thai nhi và cho mẹ.
- Vì hiệu quả của thuốc chỉ khu trú ở một vùng, sản phụ sẽ tỉnh táo và ý thức được toàn bộ quá trình chuyển dạ và sinh con của mình.
- Không giống như gây mê, đối với gây tê ngoài màng cứng, chỉ một lượng thuốc rất nhỏ có thể ảnh hướng tới em bé.
- Đủ giảm đau khi có chỉ định can thiệp khác (VD: lấy thai bằng forcep, cắt tầng sinh môn, kiểm soát tử cung sau khi sổ rau, khâu tầng sinh môn…
- Nếu phải mổ lấy thai cấp cứu thì có thể sử dụng chính catheter NMC có sẵn để làm vô cảm khi mổ và làm giảm đau sau mổ.
Nhược điểm của phương pháp giảm đau này:
- Sản phụ phải nằm tư thế nghiêng người,cong lưng,hai đầu gối co sát lên cao trong lúc bác sỹ gây tê NMC- gây khó thở và khó chịu cho bụng bầu.
- Cơn co tử cung có thể phần nào bị ảnh hưởng bởi thuốc gây tê làm cuộc chuyển dạ kéo dài hơn nhưng khắc phục được bằng việc theo dõi tần số và cường độ cơn co tử cung nhờ monitoring và điều chỉnh bằng thuốc.
- Thuốc gây tê dùng trong gây tê NMC có thể gây hạ huyết áp tạm thời và giảm lượng máu đến em bé khiến nhịp tim của bé giảm.Vấn đề này được kíp đỡ đẻ theo dõi chặt chẽ và được can thiệp điều trị ngay nếu cần thiết.
- Thuốc tê được dùng trong gây tê NMC có thể gây ngứa, đặc biệt ở vùng mặt của sản phụ. Nó cũng có thể khiến buồn nôn nhưng nhẹ và ít gặp hơn so với hình thức dùng thuốc gây mê toàn thân.
- Sau tê NMC có thể mất cảm giác buồn tiểu, vì vậy sản phụ được chỉ định đặt ống thông tiểu để hỗ trợ tiểu tiện.
- Sau khi đẻ, có cảm giác đau mỏi ở vùng lưng ở một vài sản phụ nhưng cảm giác này giống như ở các phụ nữ mang thai không làm gây tê NMC.
- Hiện tượng đau đầu sau khi đẻ với sản phụ dùng phương pháp tê NMC cũng thường xảy ra. Nếu chỉ thoáng qua và mức độ nhẹ thì không cần điều trị cũng sẽ tự hết , không để lại di chứng thần kinh gì. Nếu đau nhiều có thể truyền dịch, dùng thuốc, hướng dẫn sản phụ tư thế nằm, cách ăn uống, nghỉ ngơi…).
Vậy có nên áp dụng giảm đau trong đẻ hay không?
Ngoài những tác dụng phụ kể trên thì không thể phủ nhận được hiệu quả của việc áp dụng phương pháp này.Nó làm giảm tình trạng đau đớn trong chuyển dạ nên hạn chế sự mệt mỏi và kiệt sức sau sinh của sản phụ.
Hiện nay khoa Sản bệnh viện đa khoa Đức Giang đã áp dụng phương pháp giảm đau trong đẻ với mức chi phí phù hợp và nhận được nhiều phản hồi tốt từ những sản phụ sử dụng dịch vụ này.
Nâng cao chất lượng phục vụ ,tạo cảm giác thoải mái và an tâm cho sản phụ cũng như người nhà là phương châm hoạt động của tập thể khoa Sản nói riêng và bệnh viện đa khoa Đức Giang nói chung.