Loét do tì đè là một loại tổn thương hoại tử tổ chức giữa vùng xương và vật có nền cứng. Nguyên nhân của hiện tượng này là do thiếu máu trong quá trình tì đè kéo dài ở những bệnh nhân bị bất động do các nguyên nhân khác nhau: tổn thương cột sống, hôn mê kéo dài, tai biến mạch máu não….
Ngày 15/8, bệnh viện Đa khoa Đức Giang tiếp nhận cụ T.T.K.S năm nay 79 tuổi trú tại Gia Thụy - Long Biên nhập viện trong tình trạng sốt cao 39,5 độ C, bệnh nhân tỉnh, da niêm mạc nhợt nhạt. Có nhiều vết loét to rộng trên người chủ yếu tì đè mấu chuyển lớn xương đùi và vùng lưng loét rộng nhất. Loét mảng mục gần hết vùng lưng, chảy dịch mủ hoại tử có mùi hôi thối, lộ cả xương cột sống. Bệnh nhân được chẩn đoán loét tì đè nhiều vùng da cơ thể.
Theo chia sẻ của người nhà, bệnh nhân S bị lú lẫn nhiều năm nay con cháu cũng bận rộn nên ít đưa cụ đi ra ngoài. Thế nên cụ ở nhà liên tục, ít vận động nằm nhiều. Vết loét trên cơ thể cụ mới phát hiện ra gần đây nhưng gia đình không ngờ lại phát triển nhanh như vậy.
Ngay sau khi nhập viện, Bệnh nhân S được chuyển lên khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để điều trị. Hướng điều trị cho bệnh nhân đó là sử dụng phương pháp hút áp lực âm để dẫn lưu dịch mủ máu nhằm tạo môi trường chân không vùng vết thương để diệt vi khuẩn, kích thích mô hạt tái tạo vết thương. Kĩ thuật này tốt cho bệnh nhân tuổi già.
Đối với trường hợp của bệnh nhân S, ngay khi bệnh nhân không đi lại được không nên để nằm liên tục trên giường mà cần cho bệnh nhân lên xe đẩy đi lại ra ngoài như người bình thường. Nên cho bệnh nhân nằm đệm nước, đệm êm để cơ thể thoải mái, thường xuyên thay đổi tư thế nằm đồng thời vỗ rung vùng lưng để tránh viêm phổi do ứ đọng dịch lâu ngày. Đồng thời, mát xa xoa bóp vùng cơ thể tì đè như khuỷu tay, lưng, gót tay chân. Kèm theo đó bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, bổ sung đạm, các loại sữa tốt cho người cao tuổi. Gia đình thường xuyên theo dõi bệnh nhân, nếu xuất hiện vết loét dù là nhỏ cũng nên đến bệnh viện để thăm khám tư vấn bác sĩ đồng thời giữ vệ sinh sạch sẽ cho người bệnh.
Điều trị ngoại khoa các tổn thương do tì đè:
Phải kết hợp điều trị toàn thân với điều trị tại chỗ; giải quyết tốt các rối loạn về dinh dưỡng, điện giải, các ổ nhiễm trùng, các nguồn lây nhiễm do can thiệp ngoại khoa… Chăm sóc tại chỗ nhằm loại bỏ tổ chức hoại tử, tổ chức mủ, tạo điều kiện cho quá trình liền sẹo tự nhiên. Điều trị ngoại khoa phải theo nguyên tắc loại bỏ tổ chức hoại tử, cắt xương và đóng kín vết loét.
Cắt lọc tổ chức:
Đây là bước chuẩn bị cho việc che phủ vùng loét tiếp theo. Có thể vô cảm toàn thân và tránh vô cảm tại chỗ.
Cần xác định giới hạn của khoang tổn thương để loại bỏ toàn bộ tổ chức hoại tử đến tận ranh giới tổ chức lành.
Cắt bỏ phần xương nhô:
Trong trường hợp loét sâu và gây viêm xương.
Cân nhắc trong những trường hợp cắt xương có thể ảnh hưởng đến vận động..
Che phủ vùng loét:
Các phương pháp tạo hình phải phù hợp với tình trạng chung của bệnh nhân. Việc lựa chọn kỹ thuật không chỉ phụ thuộc vào kích thước, vị trí, độ sâu của ổ loét mà còn phải tính đến các hậu quả có thể xảy ra .
Khâu trực tiếp không phải là giải pháp tốt vì dễ để lại khoảng chết phía dưới, một nguy cơ tái phát cao
Ghép da chỉ được áp dụng trong 30% trường hợp và tổn thương khu trú, nông
Các phương pháp chính vẫn là sử dụng các vạt da cân, vạt da cơ để che phủ các ổ loét rộng, ưu điểm của các vạt da cơ là cung cấp lượng lớn tổ chức có nguồn cấp máu nuôi tốt, tính chất tổ chức ổn định, giảm đến mức tối thiểu các biến đổi chức năng ở vùng kế cận.
Loét do tì đè là hậu quả của quá trình bị tì đè kéo dài gây thiếu máu nuôi tổ chức và chết tế bào, thường xảy ra ở những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính khác, bên dưới ổ loét là xương. Vì vậy điều trị loét do tì đè rất khó khăn, và cần có sự kết hợp của nhiều chuyên khoa.