BN T.K.N sinh con lần 2, đẻ mổ vì vết mổ cũ, trẻ sinh đủ tháng, nặng 3400gr, quá trình mang thai không có gì bất thường. Sau sinh, trẻ hồng hào, khóc to, ăn bú mỗi bữa 5-10 ml/bữa, nôn trớ ít, phản xạ bú tốt.
Gia đình chăm sóc thấy trẻ càng ngày càng bú ít hơn, nôn trớ nhiều hơn. 10 giờ sau sinh trẻ vào viện trong tình trạng bú kém, nôn trớ nhiều, bụng chướng nhẹ, đã ỉa phân su, xét nghiệm có tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh sớm (BC 31,05 G/l; N 22,47 G/l). Trẻ được đặt sonde dạ dày theo dõi, nuôi dưỡng tĩnh mạch (Glucose 10%), dùng kháng sinh (Amapower, Gentamicin).
Trong quá trình chăm sóc trẻ vẫn nôn trớ nhiều mỗi lần cho ăn thêm hoặc khi thay đổi tư thế, miệng có nhiều dãi, bụng chướng hơi nhiều hơn, dịch rút từ sonde là dịch sữa không tiêu lẫn bọt. Kết quả chụp X-quang ngực thấy sonde dạ dày cuộn lại đi ngược lên vùng hầu họng, bụng nhiều hơi. Chụp Xquang có uống thuốc cản quang cho thấy hình ảnh túi cùng thực quản, bụng rất nhiều hơi. Trẻ được chẩn đoán: Teo thực quản có kèm theo rò khí-thực quản và chuyển phẫu thuật tại bệnh viện nhi Trung Ương.
Teo thực quản là gì ?
Là sự gián đoạn lưu thông của thực quản và thường có kèm sự thông thương bất thường giữa thực quản và khí quản.
Teo thực quản là dị dạng bẩm sinh thường gặp nhất của thực quản, tần suất gặp từ 1/4.500-1/3.000 trẻ sinh sống.
Hiện nay mặc dù có những tiến bộ về phẫu thuật nối thực quản một thì và hồi sức nhưng teo thực quản vẫn còn là một bệnh có tỉ lệ tử vong cao do thường kèm dò khí thực quản gây viêm phổi hít.
Phân loại teo thực quản: tùy theo sự tồn tại của đường dò và vị trí của nó. Phổ biến nhất là bảng phân loại của Gross.
A: teo thực quản không có dò (8%)
B: teo thực quản có dò đầu gần thực quản – khí quản (< 1%)
C: teo thực quản có dò đầu xa thực quản - khí quản (87%)
D: teo thực quản có dò hai đầu thực quản – khí quản (< 1%)
E: dò thực quản - khí quản không teo (dò dạng H) (4%)
F: hẹp thực quản (<1%)
Chẩn đoán teo thực quản như thế nào ?
- Nghi ngờ trước sinh: nếu siêu âm thấy đa ối, có hoặc không thấy bóng hơi dạ dày.
- Sau sinh nghi ngờ nếu:
+ Tiền sử đa ối, có hoặc không thấy bóng hơi dạ dày
+ Trào bọt ở miệng
+ Triệu chứng hô hấp khi cho ăn
+ Khó đặt ống sonde dạ dày
+ Có thể kèm theo dị tật hậu môn trực tràng
- Chẩn đoán xác định khi:
+ X-quang ngực thẳng:
Ống thông dạ dày cuộn lại và đi ngược lên thực quản
Có bóng hơi dạ dày/ruột (khi có sự tồn tại của lỗ rò giữa khí quản và đoạn xa thực quản)
+ X-quang thực quản cản quang: thấy hình ảnh túi cùng thực quản.
Điều trị tại khoa Sơ sinh trước khi chuyển tới đơn vị phẫu thuật:
- Tư thế đầu cao 30 độ và nghiêng sang 1 bên để tạo thuận lợi dẫn lưu dịch tiết.
- Đặt ống Replogle cỡ 10 Fr vào túi cùng thực quản
+ Đặt ống Replogle tốt nhất là qua mũi, đến phần trên của túi cùng cho đến khi cảm thấy có lực cản (cách 10-12cm kể từ lỗ mũi với trẻ đủ tháng). Sau đó rút ống nhẹ nhàng lên 1 cm và cố định. Nối với máy hút áp lực 5-10 kPa.
+ Bơm rửa ống để tránh tắc lòng ống. Thay ống 10 ngày/lần hoặc hàng ngày nếu dịch tiết nhầy đặc.
+ Nếu không có ống Replogle, đặt ống thông dạ dày cỡ 10 Fr vào túi cùng và hút mỗi 15 phút/lần.
- Cho trẻ nhịn ăn uống hoàn toàn đường miệng, duy trì dịch đường tĩnh mạch.
- Dùng kháng sinh phổ rộng dự phòng viêm phổi hít.
* Lưu ý: Nếu đã chẩn đoán Teo thực quản trước sinh:
- Cần tránh: Thông khí áp lực dương gồm thở mask, HFNC, CPAP và đặt nội khí quản do gây tăng áp lực túi cùng, có thể gây tổn thương hô hấp hoặc hít qua lỗ thông ở đầu xa túi cùng khiến bụng chướng hơi nhiều.
- Nếu có chỉ định thông khí, cần đặt đầu ống NKQ càng gần carina càng tốt để giảm thiểu khí thoát ra qua lỗ rò. Áp lực thông khí nên đặt càng thấp càng tốt.
- Nếu có biểu hiện hô hấp nặng nề cần chuyển ngay lập tức đến đơn vị phẫu thuật.