logo
BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG
Chăm sóc sức khỏe của bạn là hạnh phúc của chúng tôi
54 Trường Lâm, Phường Đức Giang, Long Biên, Hà Nội

Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị rối loạn giấc ngủ

Một giấc ngủ tốt là giấc ngủ đảm bảo đầy đủ về chất lượng, số lượng, thời gian; và khi ngủ dậy, người ta cảm thấy khoan khoái dễ chịu về thể chất và tâm thần. Giấc ngủ làm phục hồi lại chức năng của các cơ quan trong cơ thể.

Rối loạn giấc ngủ biểu hiện nhiều rối loạn về số lượng và chất lượng, về tính chu kỳ của giấc ngủ và các rối loạn nhịp thức ngủ.

Định nghĩa

- Theo các tiêu chí về tâm sinh lý học mất ngủ được định nghĩa là một tình trạng căng thẳng thể chất do khó ngủ gây nên sự không hài lòng về giấc ngủ đêm và mệt mỏi ban ngày

- Mất ngủ là thời gian tiềm tàng giấc ngủ trên 30 phút và ngủ dưới 6 giờ một đêm. Đầu tiên phải phân biệt giữa vấn đề dỗ giấc ngủ và vấn đề duy trì giấc ngủ sau đó là thiết lập chẩn đoán mất ngủ thoáng qua và mất ngủ mạn tính.

- Mất ngủ thoáng qua thường xảy ra và biến mất trong vòng một tuần trùng với việc giải quyết những căng thẳng tâm lý xã hội (thi cử, đám cưới, va chạm trong công việc) và những yếu tố môi trường (đổi múi giờ khi đi du lịch,.)

- Mất ngủ mạn là mất ngủ trên 6 tuần. Mất ngủ mạn tính làm giảm chất lượng cuộc sống, người bệnh mệt mỏi, giảm tập trung chú ý, giảm trí nhớ, rối loạn nhận thức, ảnh hưởng nặng nề đến công việc hàng ngày. Mất ngủ liên quan đến rối loạn nhịp thở, rối loạn nhịp tim và tăng huyết áp. Mất ngủ kéo dài, nếu không được điều trị sẽ là nhân tố làm khởi phát rối loạn lo âu, trầm cảm, bệnh tật khác.

Phân loại

- Mất ngủ nguyên phát: Mất ngủ vô căn, mất ngủ kịch phát, mất ngủ tâm sinh lý

- Mất ngủ thứ phát: Vệ sinh giấc ngủ không thích hợp. Rối loạn điều chỉnh giấc ngủ. Mất ngủ do thuốc hoặc rượu. Mất ngủ do bệnh nội khoa. Mất ngủ do rối loạn tâm thần.

Các rối loạn giấc ngủ thường gặp

Trong các loại rối loạn giấc ngủ, dưới đây là các dạng bệnh phổ biến nhất mà chúng ta thường mắc phải:

1. Mất ngủ

- Là tình trạng khó đi vào giấc ngủ vào ban đêm hoặc chất lượng giấc ngủ kém (ngủ không sâu giấc, trằn trọc, dễ thức giấc và khó ngủ trở lại hoặc là thức giấc sớm về buổi sáng).

- Rối loạn giấc ngủ xẩy ra ít nhất 3 lần trong tuần, trong thời gian ít nhất một tháng.

- Có sự bận tâm về giấc ngủ và sự lo lắng quá mức về hậu quả ban ngày và ban đêm của giấc ngủ.

- Số lượng hoặc chất lượng giấc ngủ không thỏa mãn gây ra sự đau khổ hoặc gây trở ngại trong hoạt động chuyên môn và xã hội (mệt mỏi, khó tập trung trong học tập, lao động, chất lượng công việc kém,…).

2. Ngủ nhiều

Khi một người trưởng thành ngủ trên 10 giờ/ngày thì gọi là ngủ nhiều. Biểu hiện:

- Ngủ ban ngày quá mức hoặc các cơn buồn ngủ và ngủ không giải thích được. Mặc dầu ngủ nhiều nhưng khi thức dậy vẫn cảm thấy không thỏa mãn.

- Rối loạn giấc ngủ xẩy ra hàng ngày, trên một tháng hoặc những thời kì tái diễn ngắn hơn, gây đau buồn rõ rệt hoặc cản trở hoạt động xã hội và nghề nghiệp.

-Ngủ quá nhiều là nguyên nhân ảnh hưởng đến các chức năng xã hội, nghề nghiệp và các chức năng quan trọng khác..

3. Rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học (Circadian)

Rối loạn nhịp điệu giấc ngủ hay còn gọi là rối loạn giấc ngủ nhịp sinh học là tình trạng khó đi vào giấc ngủ, thức dậy quá sớm nhưng không thể ngủ trở lại, thức dậy trong chu kỳ ngủ,… Tình trạng rối loạn giấc ngủ này bao gồm các dạng như: rối loạn giai đoạn ngủ muộn, rối loạn giai đoạn giấc ngủ nâng cao, rối loạn giấc ngủ do làm công việc theo ca, nhịp điệu ngủ – thức không đều, hội chứng ngủ – thức không theo 24 giờ,…

4. Mộng du

Mộng du là trạng thái ý thức biến đổi đặc biệt, trong đó hiện tượng ngủ và thức kết hợp với nhau. Trong cơn bệnh nhân ngồi dậy khỏi giường và đi lại, thường xảy ra vào 1/3 đầu giấc ngủ ban đêm, biểu hiện trạng thái nhận thức, tính phản ứng, và kỹ năng vận động ở mức thấp. Lúc thức và sáng hôm sau, bệnh nhân không nhớ lại được sự kiện này. Tiêu chuẩn:
- Triệu chứng ưu thế là một hoặc nhiều cơn đứng dậy, đi ra khỏi giường, đi lại thường xảy ra trong khoảng 1/3 đầu của giấc ngủ đêm.
- Trong cơn bệnh nhân có bộ mặt ngây dại, cố định, không đáp ứng một cách tương đối với người khác muốn thay đổi trạng thái hoặc muốn tiếp xúc với họ, và khó khăn lắm mới thức tỉnh bệnh nhân được.
- Khi thức dậy hoặc sau cơn hoặc sáng hôm sau bệnh nhân không nhớ sự kiện này.

5. Hoảng sợ khi ngủ

Hoảng sợ khi ngủ hay hoảng sợ ban đêm là những cơn hoảng sợ và sợ hãi tột độ về ban đêm kết hợp với phát âm to, vận động nhanh, và có hoạt động thần kinh tự trị tăng cao. Bệnh nhân ngồi dậy hoặc đứng dậy, kêu thét một cách sợ hãi, thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm, đôi khi lao ra cửa sổ như cố gắng chạy trốn

- Cường độ của hoảng sợ và các triệu chứng tự động như đánh trống ngực, thở nhanh nông, toát mồ hôi trong mỗi giai đoạn này là rất mạnh.
- Không đáp ứng với các cố gắng của người khác nhằm làm cho bệnh nhân dễ chịu hơn trong các giai đoạn này.
- Bệnh nhân không nhớ lại các chi tiết của giấc mơ và quên các sự kiện xảy ra trong cơn.

- Các cơn tái diễn điển hình kéo dài 1 - 10 phút và thường xảy ra trong 1/3 đầu của giấc ngủ đêm.

6. Ác mộng

Ác mộng là những cảm nhận về giấc mơ đầy lo âu và sợ hãi, bệnh nhân nhớ lại rất chi tiết về nội dung giấc mơ. Trong cơn điển hình có hiện tượng rối loạn thần kinh tự trị, nhưng không có kêu thét hoặc vận động cơ thể.
- Bệnh nhân đang ngủ đêm hoặc ngủ trưa, thức dậy kể lại chi tiết và đầy đủ giấc ngủ giấc mơ đe dọa đến tính mạng, đến sự an toàn hoặc đến giá trị bản thân; thức giấc có thể xảy ra bất kỳ thời gian nào, nhưng điển hình là nửa sau giấc ngủ đêm.

7. Hội chứng chân không yên (RLS)

Hội chứng chân không yên (Restless Leg Syndrome – RLS hay còn được gọi là bệnh Willis-Ekbom) là một loại rối loạn vận động liên quan đến giấc ngủ. Tình trạng này khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, đau nhói, khó chịu ở chân và có cảm giác muốn được xoa bóp, vận động hay cọ hai chân vào nhau

Trong một số trường hợp, người mắc hội chứng chân không yên còn có thể cảm thấy khó chịu ở tay hoặc các bộ phận khác. Chỉ khi chân di chuyển thì mới có thể cảm thấy thoải mái hơn.

Tình trạng rối loạn giấc ngủ này thường có biểu hiện nhẹ vào buổi sáng và trở nên nghiêm trọng hơn mỗi tối.

 Một số nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ thường gặp

1. Căng thẳng và lo lắng

Căng thẳng và lo lắng về công việc, học tập, sức khỏe, tài chính hoặc gia đình, khiến cho khó đi vào giấc ngủ, thường có tác động tiêu cực đến chất lượng giấc ngủ của bạn. Bạn có thể khó đi vào giấc ngủ hoặc không ngủ được. 

Ngoài ra, người bị căng thẳng, lo lắng cũng có nguy cơ gặp ác mộng, mộng du, làm gián đoạn giấc ngủ của bạn.

2. Đi tiểu nhiều lần trong đêm

Nguyên nhân rối loạn giấc ngủ có thể do bạn uống nhiều nước trước khi ngủ, bệnh lý bàng quang kích thích, dẫn đến tình trạng tiểu đêm, đi tiểu nhiều lần làm gián đoạn giấc ngủ. Ngoài ra, người bị mất cân bằng nội tiết tố, mắc các bệnh về đường tiết niệu, tuyến tiền liệt, thận cũng có thể dẫn đến đi tiểu đêm gây rối loạn giấc ngủ.

3. Thói quen ngủ kém:

Thói quen ngủ kém bao gồm: không đi ngủ đúng giờ, ngủ vặt, nằm nhiều trong nhà, tắt điện khi đang thức, các hoạt động kích thích trước khi ngủ, một môi trường ngủ không thoải mái, sử dụng giường để làm việc, ăn và xem tivi. Máy tính, tivi, video game, smartphone hoặc các phương tiện khác có thể cản trở vào chu kỳ ngủ.

4. Thói quen sinh hoạt không đúng

Việc ăn nhiều cà chua hay các thực phẩm nhiều gia vị sẽ dễ gây ợ hơi. Tình trạng này càng nặng hơn khi nằm và chính nó là nguyên nhân gây khó ngủ. Việc uống quá nhiều nước trước khi đi ngủ cũng có thể gây gián đoạn giấc ngủ do phải thức dậy đi tiểu nhiều lần.

Ngoài ra cà phê, rượu, thuốc lá dùng vào buổi chiều, tối cũng là nguyên nhân gây mất ngủ.

5. Các yếu tố khách quan khác

Nhiệt độ, độ ẩm môi trường: Thời tiết mát mẻ giúp ngủ ngon hơn, có thể vì nó phù hợp với tình trạng thân nhiệt giảm khi ngủ sâu (khoảng 4 giờ sau khi bắt đầu ngủ). Môi trường quá ẩm sẽ gây ngột ngạt, quá khô sẽ gây đau họng, khô mũi miệng, khó ngủ.

Ánh sáng và tiếng ồn: Phòng quá sáng khiến người ta khó ngủ. Tiếng ồn cũng làm giấc ngủ không được sâu.

Gối, vải trải giường, chăn: Nếu khi ngủ dậy, bạn thường có cảm thấy ê ẩm cả người hay đau lưng thì có thể là do chăn gối được làm từ vật liệu không thích hợp.

6. Tác dụng phụ của một số loại thuốc

Một số loại thuốc điều trị bệnh có thể gây ra tác dụng phụ làm rối loạn giấc ngủ , chẳng hạn như khiến bạn ngủ nhiều hơn mức bình thường.

7. Các cơn đau mãn tính

Các cơn đau liên tục có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ và thậm chí có thể đánh thức bạn sau khi bạn chìm vào giấc ngủ. Một số nguyên nhân phổ biến nhất của cơn đau mãn tính bao gồm:

- Viêm khớp;

- Đau nửa đầu;

- Đau lưng;

- Đau cơ xơ hóa,…

Trong một số trường hợp, cơn đau mãn tính thậm chí có thể trầm trọng hơn do rối loạn giấc ngủ. Chẳng hạn như người bệnh đau nửa đầu thường khó đi vào giấc ngủ và người bị mất ngủ, ngủ không ngon giấc cũng có nguy cơ bị đau nửa đầu cao hơn.

Chẩn đoán rối loạn giấc ngủ 

Rối loạn giấc ngủ được chẩn đoán như thế nào? Làm sao để biết một người có thật sự bị rối loạn giấc ngủ hay không? Nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ là gì? Với người bệnh có các vấn đề liên quan đến chất lượng giấc ngủ, trước tiên bác sĩ sẽ khám sức khỏe và thu thập thông tin về các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn. 

Ngoài ra, một số câu hỏi về tiền sử bệnh của các thành viên trong gia đình, lối sống của bạn, các thực phẩm mà bạn sử dụng hằng ngày, các loại thuốc bạn đang dùng gần đây… cũng được bác sĩ đặt ra để xác định bệnh và nguyên nhân gây bệnh.

Sau khi khai thác các thông tin cần thiết, tùy theo tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ có thể chỉ định thực hiện thêm một số bài kiểm tra như: 

- Đo đa ký giấc ngủ (Polysomnography): Đây là xét nghiệm nhằm đánh giá toàn bộ thay đổi của cơ thể trong lúc ngủ, bao gồm nhịp tim, nhịp thở, nồng độ oxy, điện não, chuyển động mắt,… cũng như chỉ số ngưng giảm thở để chẩn đoán người bệnh có bị hội chứng ngưng thở trong khi ngủ hay không.

- Đo điện não đồ (EEG): Đo điện não đồ giúp theo dõi và ghi chép các mẫu sóng não, phát hiện các vấn đề tiềm ẩn liên quan đến hoạt động điện đồ của não.

- Đo độ trễ giấc ngủ (MSLT): Phương pháp này giúp bác sĩ có thể xác định được có ngủ đủ giấc hay không, từ đó chẩn đoán chính xác về tình trạng bệnh của bạn. .

- Trắc nghiệm tâm lý: Test Beck, Zung, thang DASS, Hamilton, thang đánh giá chỉ số chất lượng giấc ngủ PSQI, MMPI,….

Bên cạnh các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thêm các phương pháp chẩn đoán khác để có thể xác định chính xác về tình trạng rối loạn giấc ngủ của bạn.

Điều trị rối loạn giấc ngủ

Nguyên tắc: 
- Tìm hiểu nguyên nhân của rối loạn giấc ngủ: do loạn thần, do rối loạn cảm xúc, do bệnh lý tâm căn, hay do bệnh lý thực thể.
- Khai thác kỹ về nhân cách, sang chấn tâm lý, hoàn cảnh sống, hoàn cảnh phát sinh...
- Tránh lạm dụng thuốc.
- Áp dụng nhiều biện pháp: vệ sinh giấc ngủ, liệu pháp tâm lý, hóa dược.

1. Thư giãn tâm lý:

Sức khỏe sẽ không bị ảnh hưởng gì nếu thỉnh thoảng không ngủ đủ 8 giờ mỗi đêm. Vì vậy, không nên quá lo lắng. Những bệnh nhân mất ngủ mạn tính thường rất sợ buổi tối vì họ nghĩ rằng có thể sẽ không ngủ được và càng lo sợ, giấc ngủ càng khó đến.

Nếu trong ngày có những vấn đề chưa giải quyết xong, hãy gác lại. Không nên vừa nằm chờ giấc ngủ đến vừa nghĩ cách giải quyết vấn đề. Khi lên giường ngủ, không nên làm gì. Nếu không ngủ được, sau 10-15 phút, hãy đứng dậy đi làm một việc khác.

2. Vệ sinh giấc ngủ:

Dưới đây là các biện pháp tạo điều kiện cho giấc ngủ đến dễ dàng hơn mà không cần dùng thuốc.

- Thức dậy đúng giờ mỗi ngày.

- Dù có mất ngủ cũng chỉ nên nằm trên giường với thời gian bằng thời gian ngủ được trước khi bị mất ngủ.

-Không sử dụng các chất tác động lên thần kinh trung ương (rượu, café, trà đặc, vitamin B6, C...) đặc biệt là vào buổi chiều, tối.

- Tránh nằm nhiều, ngủ nhiều ban ngày.

- Tập thể dục buổi sáng đều đặn (có thể tập những bài nặng).

- Tránh những kích thích làm khó ngủ như nghe radio quá to, đọc sách quá hay, xem những phim đòi hỏi phải chú ý theo dõi sát sao…

- Không xem ti vi nhiều giờ liền trước khi ngủ, không trò chuyện quá lâu trên giường ngủ.

- Trước khi đi ngủ khoảng 20 phút, nên tắm nước ấm.

-Tránh ăn quá no, hoặc ăn nhiều chất quá mặn, quá ngọt, thức ăn khó tiêu vào bữa tối. Nên dùng bữa tối  trước giờ đi ngủ ít nhất 3-4 tiếng.

- Tập những bài thể dục nhẹ có tính chất thư giãn trước khi ngủ.

- Chỉ đi ngủ khi đã cảm thấy buồn ngủ và sẵn sàng cho giấc ngủ.

-Phòng ngủ thích hợp: phòng ngủ cần yên tĩnh, thoáng mát không quá nóng hoặc quá lạnh, hạn chế ánh sáng, tiếng ồn và không nên lên giường quá sớm. Phòng ngủ chỉ nên dùng để ngủ, không nên dùng cho các công việc khác.
- Đi ngủ vào giờ nhất định mỗi đêm. Nếu có thể được, nên thức dậy đúng giờ mỗi buổi sáng, ngay cả khi bạn cảm thấy mệt mỏi, không nên nằm nán lại trên giường quá lâu.

3. Dùng thuốc

Nguyên tắc dùng thuốc ngủ :

- Khởi đầu liều thấp và duy trì ở liều thấp nhất có hiệu quả

- Tránh dùng thuốc liên tục hằng đêm, trấn an bệnh nhân chỉ sử dụng khi thật cần thiết

- Tránh dùng thuốc lâu nếu có thể

- Khi khó vào giấc ngủ, nên dùng thuốc ngủ tác dụng nhanh (zolpidem, zaleplon)

- Khi khó duy trì giấc ngủ, nên dùng thuốc ngủ thải trừ chậm hơn (flurazepam, temazepam,...)

- Nếu bệnh nhân có bệnh trầm cảm, nên tư vấn bệnh nhân khám chuyên khoa tâm thần

- Không bao giờ uống thuốc ngủ với rượu

- Tránh dùng thuốc ngủ cho sản phụ

- Tránh dùng benzodiazepines trên bệnh nhân bị ngưng thở lúc ngủ

- Dùng liều thấp hơn ở người cao tuổi

Các thắc mắc thường gặp

1.Rối loạn giấc ngủ có nguy hiểm không?

Có! Rối loạn giấc ngủ nếu lặp đi lặp lại trong một thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Thậm chí, người bị rối loạn giấc ngủ kéo dài còn dễ bị suy nhược cơ thể, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác, tăng nguy cơ sa sút trí tuệ, lo âu, trầm cảm. Nếu không điều trị, rối loạn giấc ngủ kéo dài có thể gây ra tai nạn trong cuộc sống có thể dẫn đến tử vong.

2. Rối loạn giấc ngủ uống thuốc gì?

Có nhiều loại thuốc có thể giúp hỗ trợ tình trạng rối loạn giấc ngủ, chẳng hạn như chloral hydrate, benzodiazepine, zolpidem, amitriptylin,… Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần phải có chỉ định của bác sĩ và sử dụng đúng theo liều lượng và tình trạng bệnh mà bác sĩ kê đơn.

3. Rối loạn giấc ngủ có tự khỏi không?

Rối loạn giấc ngủ có thể thoáng qua rồi hết nhưng cũng có thể kéo dài gây ảnh hưởng chất lượng sống và cần thực hiện điều trị. Đó có thể là biện pháp tự nhiên không dùng thuốc và cũng có thể là các phương pháp điều trị cần dùng thuốc. Không nên chủ quan tự ý sử dụng thuốc có thể làm bệnh nặng hơn và lệ thuộc vào thuốc ngủ.

4. Rối loạn giấc ngủ nên khám ở đâu?

Có thể khám rối loạn giấc ngủ tại chuyên khoa Nội thần kinh tại các bệnh viện, cơ sở y tế. Phòng khám nội thần kinh thuộc khoa Thần kinh Bệnh Viên Đa khoa Đức Giang chuyên khám và tư vấn, điều trị các bệnh lý thần kinh nói chung và rối loạn giấc ngủ nói riêng. Bệnh viện có đội ngũ bác sỹ với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điều trị rối loạn giấc ngủ. 

Bệnh viện đầu tư nhiều trang thiết bị, máy móc hiện đại. Nhờ vậy, bác sĩ có thể xác định nguyên nhân rối loạn giấc ngủ cũng như có phương pháp điều trị hiệu quả, tiết kiệm tối đa chi phí.

Để đặt lịch thăm khám, tư vấn các vấn đề về sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang, quý khách vui lòng liên hệ: 1900292919

Ngày đăng: 05/04/2023
Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Bài viết mới nhất
19/04/2024 / benhvienducgiang
Ngày 28/3/2024 bệnh viện đa khoa Đức Giang phối hợp cùng Bộ môn Dược lý- Dược lâm sàng trường đại học Dược Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học báo cáo tình hình triển khai các hoạt động dược lâm sàng trên bệnh nhân ngoại trú đái tháo đường típ 2 tại bệnh viện.
17/04/2024 / benhvienducgiang
Từ ngày 15-17/4/2024 tại Hội trường tầng 2, Bệnh viện đa khoa Đức Giang tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 228 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý là Cán bộ Ban thường vụ Thành ủy đương chức và nghỉ hưu; Cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ Tiền khởi nghĩa hiện đang cư trú và hưởng chế độ tại Thành phố Hà Nội.
08/04/2024 / benhvienducgiang
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp vật tư y tế tại Việt Nam Bệnh viện đa khoa Đức Giang có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho các gói thầu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất năm 2024;
08/04/2024 / benhvienducgiang
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp vật tư y tế tại Việt Nam Bệnh viện đa khoa Đức Giang có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu Mua sắm vật tư tiêu hao bông băng gạc năm 2024.
05/04/2024 / benhvienducgiang
Kính gửi: Các hãng sản xuất, nhà cung cấp vật tư y tế tại Việt Nam Bệnh viện đa khoa Đức Giang có nhu cầu tiếp nhận báo giá để tham khảo xây dựng giá gói thầu, làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu cho gói thầu Mua sắm vật tư dùng cho ghép thận;
Tin đã đăng

Hình ảnh

/Images/companies/Đoàn Thanh Niên/IMG_1759.JPG

Đoàn thanh niên

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/PCDCOVID/48cd96805233936dca227.jpg

Phòng chống dịch bệnh

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/Tuthientinhnguyen/8a5a99ed5d5e9c00c54f21.jpg

Từ thiện

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/THIDUA/fa9567a5a31662483b071.jpg

Thi đua khen thưởng

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/Hoatdongdoanthe/bc4eda261e95dfcb868414.jpg

Hoạt động đoàn thể

/Images/companies/benhvienducgiang/thu vien/hoatdongchuyenmon/2312f4bf300cf152a81d22.jpg

Hoạt động chuyên môn

http://benhviendaihocyhanoi.com/ http://www.bachmai.gov.vn http://www.benhvien103.vn http://benhvien108.vn/ http://benhviendaihocyhanoi.com/ http://www.bachmai.gov.vn BV Đức Giang Bệnh viện Việt Đức Bộ Y tế Benh vien 108 Báo Sức khỏe và Đời sống Bệnh viện phụ sản trung ương Báo điện tử Dân trí http://benhvienducgiang.com So Y te

Thông tin liên hệ

BỆNH VIỆN ĐA KHOA ĐỨC GIANG
54 Trường Lâm, Phường Đức Giang ,Long Biên, Hà Nội
bvdkdg@benhvienducgiang.com
http://benhvienducgiang.com
Phòng CTXH: 0986.953.505
Đăng ký khám qua tổng đài: 1900.292919
Hotline:  0966.381.616

Kết nối với chúng tôi

Copyright 2017 © benhvienducgiang.com