Một ca phẫu thuật dù lớn nhỏ (mổ tim, cắt gan, thay khớp hay cắt ruột thừa…) muốn thành công đem lại sự an toàn cho người bệnh và sự nổi danh của Phẫu thuật viên (PTV) đều cần phải được chuẩn bị cẩn thận và giúp sức hết sức chu đáo của đội ngũ nhân viên khoa Gây mê hồi sức (GMHS). Họ là những chiến sĩ với công việc thầm lặng vì sau mỗi ca phẫu thuật người ta thường hỏi bác sĩ nào mổ mà mấy ai có nhớ đến bên cạnh còn có đội ngũ những bác sĩ, điều dưỡng Gây mê hồi sức.
Vậy nhân viên khoa GMHS, họ là những ai?
Đó là bác sĩ được đào tạo chuyên ngành GMHS, có thể đào tạo sơ bộ 9 tháng hoặc sau đại học (chuyên I, chuyên II, thạc sĩ, tiến sĩ..) người sẽ giúp bạn có một giấc ngủ sâu, êm ái và an toàn. Hoặc cũng có thể bạn vẫn tỉnh táo nói chuyện bình thường nhưng hoàn toàn không có cảm giác đau đớn trong suốt quá trình phẫu thuật. Và họ cũng sẽ giúp bạn hồi phục, vượt qua các cơn đau sau mổ. Nhưng chẳng may, biết đâu bạn lại xếp vào những ca bệnh nặng, cần phải hồi sức, thở máy dài ngày thì đây là một cuộc chiến cân não thực sự, người thầy thuốc cần phải tính toán điều chỉnh các rối loạn, cũng như trợ giúp người bệnh nhằm duy trì các chức năng và giành giật lại sự sống, tính mạng cho bạn, có thể 2 ngày, 3 ngày, 5 ngày hoặc lâu hơn….
Nhưng trước tiên, với mỗi cuộc phẫu thuật các bác sĩ gây mê sẽ phải hỏi, thăm khám bạn vào ngày hôm trước, đồng thời tư vấn cho bạn về cuộc gây mê sắp diễn ra, cũng như tiên lượng, đưa ra phương pháp vô cảm phù hợp với chính bản thân bạn.
Đó là điều dưỡng GMHS, người sẽ đón bạn vào phòng mổ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện dụng cụ, máy móc, thuốc men để cùng với bác sĩ GMHS giúp cho bạn có một cuộc gây mê, gây tê an toàn và thuận lợi. Họ sẽ vận hành các phương tiện máy móc, đồng thời theo dõi bạn trong suốt quá trình vô cảm, đảm bảo duy trì một độ mê vừa phải, phù hợp, phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường. Và họ cùng với Bác sĩ GMHS sẽ giúp cho bạn từ trạng thái ngủ say dần trở về bình thường sau khi cuộc mổ kết thúc. Với những đặc thù công việc, nhiều khi tình trạng người bệnh diễn biến rất phức tạp, đòi hỏi người bác sĩ, điều dưỡng GMHS phải xử lý kịp thời và nhanh chóng. Nếu BN có thể bị chảy máu, nhiễm trùng…cần có thời gian. Tuy nhiên đối với họ - những bác sĩ, điều dưỡng GMHS - khi bệnh nhân bị co thắt, ngừng tim… chỉ 5- 7ph, thậm chí 1-2 ph nếu không cấp cứu kịp thời có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng người bệnh… Họ cũng phải chạy đôn đáo lo từng bịch máu để có thể truyền cho người bệnh cấp cứu qua cơn hiểm nghèo. Và họ cũng ăn vội bát cơm đã nguội lúc 1-2 giờ chiều hoặc 9 -10 giờ đêm để có sức tiếp tục bắt tay vào với những ca bệnh mới…
Đó là điều dưỡng dụng cụ (dụng cụ viên-DCV), người chuẩn bị, sửa soạn đầy đủ dụng cụ, bông gạc và những thứ cần thiết khác cho một cuột mổ. Đồng thời, họ cũng là đưa dụng cụ cho PTV để thực hiện phẫu thuật trong suốt quá trình mổ một cách nhịp nhàng, chính xác. Họ phải thuộc các tăng thì phẫu thuật, phải hiểu và đón đươc ý của phẫu thuật viên khi biết PTV cần gì để tiếp dụng cụ một cách chính xác đảm bảo phẫu thuật diễn ra an toàn không có tai biến. Cuộc mổ 2,4,6 giờ thì người DCV cũng phải đứng trong ca mổ từ 2-6h tùy loại phẫu thuật. Chỉ một sự lơ đễnh của DCV đưa nhầm dụng cụ cho PTV cũng có thể xảy ra tai biến. Cuối cuộc mổ, họ kiểm kê lại bông gạc dụng cụ và báo cáo lại với PTV nhằm tránh quên dao kéo, gạc meche trong vùng phẫu thuật. Kết thúc cuộc mổ họ lại tỉ mẩn cọ rửa lau chùi đóng gói đưa đi hấp sấy và bảo quản dụng cụ. Và họ là người chính, cùng với bác sĩ, điều dưỡng GMHS kiểm soát công tác vô khuẩn khử khuẩn khoa Gây mê hồi sức.
Đó là điều dưỡng chăm sóc sau mổ. Người đón bạn từ phòng mổ ra, theo dõi, chăm sóc bạn và cho bạn dùng thuốc. Thời gian bạn nằm tại phòng Hồi sức sau mổ có thể vài giờ hoặc vài ngày, cũng có thể không giờ nào. Ở đó bạn sẽ được theo dõi, chăm sóc, tư vấn, động viên để có thêm nghị lực vượt qua giai đoạn khó khăn đau đớn nhất. Nếu chẳng may bạn bị trọng bệnh hoặc thở máy dài ngày, bạn cần phải được theo dõi thật tỉ mỉ, chăm sóc thật cẩn thận, vệ sinh thân thể, răng miệng, bơm cho ăn nuôi dưỡng bạn không quản thời gian, đêm hôm vất vả. Họ cùng với bác sĩ GMHS giúp bạn vượt qua những cơn đau về thể xác hoặc những khó chịu trong người để dần bình phục có thể sớm trở về buồng bệnh. Đó là điều đặc biệt nhất mà bạn có thể cảm nhận được.Ngoài ra còn có những con người khác như điều dưỡng vòng ngoài, hộ lý …
Tóm lại, bạn có thể tưởng tượng ra một vở kịch, mà ở đó PTV là diễn viên chính, bên cạnh là những diễn viên, quần chúng khác. Một vở kịch dài ngắn, thành công, hay hoặc chưa hay đều cần những diễn viên như vậy. Đó là chúng tôi, những bác sĩ, điều dưỡng khoa GMHS Bệnh viện đa khoa Đức giang - những người đều được đào tạo với chuyên ngành riêng, luôn gắng hết mình vì sự an toàn của bệnh nhân, vì sự thành công của mỗi ca mổ.
Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa Đức Giang là một khoa lâm sàng lớn, với đặc thù riêng, đội ngũ bác sĩ điều dưỡng có trình độ từ cao đẳng, đại học và sau đại học, được đào tạo chuyên khoa sâu đặc thù với nhiệm vụ Gây mê- Hồi sức người bệnh trước, trong và sau mổ.
Từ khi thành lập ngày 02/01/1999, khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa Đức Giang (tiền thân là Trung tâm y tế Gia Lâm) chỉ bao gồm 03 phòng mổ với 10 nhân viên y tế. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển của bệnh viện, đến nay khoa Gây mê hồi sức đã lớn mạnh với 50 nhân viên, 07 phòng mổ, 13 giường hồi sức, 9 giường hồi tỉnh cùng với rất nhiều trang thiết bị hiện đại như máy gây mê kèm thở, máy thở cao cấp, hệ thống phẫu thuật nội soi, monitor trung tâm, máy đốt điện cao tần, máy Xquang C-arm, máy truyền dịch, bơm tiêm điện… đủ đáp ứng các phẫu thuật chuyên sâu của một bệnh viện đa khoa hạng I. Hằng năm khoa thực hiện Gây mê hồi sức phục vụ Phẫu thuật khoảng 7000 cas/năm từ những chuyên khoa như Tiêu hóa, Tiết niệu, Sọ não, Cột sống, Phụ sản, Ung bướu, các chuyên khoa lẻ: TMH, RHM, mắt, PTTM… trong đó có những phẫu thuật lớn như đa chấn thương, shock mất máu, vết thương tim, sọ não, lồng ngực, mạch máu, cột sống, dạ dày, đại tràng… Đội ngũ điều dưỡng được huấn luyện chuyên môn, tác phong chuyên nghiệp để phục vụ không quản giờ giấc ngày đêm đảm bảo phẫu thuật diễn ra thuận lợi, an toàn. Không những vậy, khoa còn đảm nhiệm điều trị, theo dõi, chăm sóc những bệnh nhân trước và sau mổ từ nặng đến rất nặng, thực hiện những kĩ thuật hồi sức chuyên sâu như kĩ thuật thở máy nâng cao, khí máu, huyết áp xâm nhập, catheter trung tâm.. Rất nhiều bệnh nhân già yếu trên 80- 90 tuổi với những đại phẫu như thay khớp háng, u đại tràng vỡ hay những ca phẫu thuật sọ não nặng, shock nhiễm trùng nhiễm độc… sau một thời gian được chăm sóc, điều trị bởi đội ngũ bác sĩ điều dưỡng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã dần hồi phục và ra viện…
Trải qua trên 20 năm trong nghề, từ khi còn là một nhân viên học việc, công tác tại một khoa nhỏ bé, với trang thiết bị nghèo nàn, hàng tháng thực hiện 60-80 ca phẫu thuật thủ thuật của một bệnh viện hạng III thành phố, đến nay đã là một khoa lớn nhất nhì bệnh viện, được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp với cơ sở vật chất khang trang, to đẹp. Chứng kiến sự phát triển của bệnh viện, sự lớn mạnh của khoa phòng, tôi thấy thật tự hào là một nhân chứng của sự đổi thay, càng có thêm động lực để cống hiến, phục vụ nhân dân được nhiều hơn.