Hiện nay, tỷ lệ người mắc các bệnh lý về đường tiêu hóa đang ngày một gia tăng, độ tuổi mắc bệnh thì ngày càng trẻ. Việc nội soi dạ dày và đại tràng là rất quan trọng và cần thực hiện. khi bước vào tuổi trưởng thành, quyết định soi dạ dày và đại tràng kiểm tra đường tiêu hóa của mình ít nhất 1 lần/năm là điều rất cần thiết.
Đặc biệt, với những người có tiền sử bệnh lý về dạ dày, đại tràng như đa polyp đại tràng, viêm loét dạ dày đại tràng mạn tính… cần nội soi kiểm tra đường tiêu hóa theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Hiện nay hầu hết các bệnh viện tuyến tỉnh, thậm chí tại một số bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện khu vực đều có dịch vụ soi dạ dày-đại tràng.
Tuy nhiên, việc soi kiểm tra và thực hiện một số thủ thuật trong lúc soi như cắt polyp, sinh thiết... đòi hỏi bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản và có kinh nghiệm, vì nguy cơ làm thủng đường tiêu hóa, chảy máu sau sinh thiết, sinh thiết không đúng vị trí, để sót các tổn thương trên đường tiêu hóa luôn có nguy cơ xảy ra.
Tuy nhiên, nội soi là một thủ thuật có xâm nhập với phương pháp truyền thống người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, buồn nôn, kích thích nhiều khiến cho nhu động ruột co kéo, gây khó khăn trong việc quan sát cho bác sỹ và nhiều trường hợp thấy đau họng khi nội soi. Thực tế có nhiều người từ chối kỹ thuật này do bị ám ảnh những lần nội soi trước hoặc được mô tả lại, từ đó bỏ lỡ cơ hội phát hiện điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Nội soi dạ dày gây mê là gì?
Hiện nay tại những trung tâm và bệnh viện lớn, các bệnh viện lớn khu vực đều có dịch vụ soi kiểm tra đường tiêu hóa có gây mê hỗ trợ.
Nội soi gây mê được sử dụng để thăm khám đường tiêu hóa bao gồm thực quản, dạ dày – tá tràng và đại tràng. Thông qua thiết bị nội soi, bác sĩ có thể phát hiện các vấn đề bất thường trong hệ tiêu hóa của bệnh nhân như: Dị vật, các tổn thương niêm mạc, sinh thiết khi nghi ngờ ung thư, lấy mẫu xét nghiệm vi khuẩn HP, phát hiện xuất huyết tiêu hóa,…
Nếu như nội soi truyền thống bệnh nhân có thể gặp tình trạng khó chịu, buồn nôn, nhu động ruột bị kích thích,… gây khó khăn cho bác sĩ trong thao tác, thậm chí một số trường hợp bệnh nhân thấy đau họng sau nội soi thì nội soi gây mê khắc phục được nhược điểm trên.
Phương pháp này được đánh giá là an toàn và ít biến chứng.
* Đảm bảo thao tác kỹ thuật nội soi tiêu hóa: khi thực hiện nội soi có gây mê, giảm các kích thích nôn, co thắt, giãy dụa, co kéo nhu động giúp quá trình thực hiện thủ thuật được thuận lợi, áp dụng được nhiều kỹ thuật đem lại sự chính xác cao: cắt polyps, cắt hớt niêm mạc, chẩn đoán ung thư sớm bằng nhuộm màu, tiêm xơ tĩnh mạch phình vị, thắt tĩnh mạch thực quản, tiêm cầm máu trong xuất huyết tiêu hóa..
* Nâng cao an toàn người bệnh: tránh được stress trước, trong và sau thủ thuật, không gây đau đớn và đặc biệt giúp tránh được nhiều biến chứng liên quan trong quá trình nội soi ( VD đau họng, chọc thủng ống tiêu hóa do bệnh nhân chống cự ... ) , tránh bỏ sót tổn thương.
Thuốc an thần dùng trong gây mê được tiêm tĩnh mạch theo một lượng đã được tính toán phù hợp. Thời gian gây mê ngắn, lượng thuốc mê ít nên không gây hại cho sức khỏe. Sau khi được tiêm một lượng thuốc mê phù hợp, người bệnh sẽ chìm vào giấc ngủ sinh lý, các bác sĩ và kỹ thuật viên gây mê hồi sức đồng thời theo dõi các dấu hiệu sinh tồn trong toàn bộ cuộc mê cũng như sau gây mê nội soi như: mạch, nhiệt độ, huyết áp, nồng độ oxy trong máu.
Tuy nhiên việc gây mê đối với từng người cần theo chỉ định của bác sĩ. Một số người có tiền sử bệnh kèm theo không có chỉ định gây mê có thể áp dụng các biện pháp nội soi khác như nội soi thường, nội soi đường mũi.
Thời gian gây mê phụ thuộc vào thời gian nội soi, thông thường là 25-30 phút cho nội soi đường tiêu hóa, lượng thuốc mê rất ít nên không hại đến sức khỏe. Bệnh nhân sẽ tỉnh ngay sau khi kết thúc nội soi.