Đại cương
Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới là 1 trong 10 bệnh hay gặp ở các nước đang phát triển.
Nguyên nhân gây bệnh có thể là do vi khuẩn, virus, nấm. Ngoài ra có thể do các nguyên nhân không nhiễm trùng như hít thức ăn, hít dịch dạ dày, dị vật…
Viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong đáng kể ở trẻ dưới 5 tuổi đặc biệt là trẻ dưới 2 tháng. Cũng như tiêu chảy thì viêm phổi gây tử vong chủ yếu xảy ra ở trẻ suy dinh dưỡng hay do sự thiếu hụt vi chất dinh dưỡng đóng góp vào làm nặng thêm tình trạng bệnh cũng như nguy cơ tử vong.
Nhiễm trùng này thường có kèm theo các triệu chứng như là sốt, ho, khó thở, đau mỏi mình mẩy, mệt mỏi. Các triệu chứng này gây cản trở việc ăn uống của trẻ, dẫn đến sụt cân. Hơn nữa khi hó thở thì cơ thể lại tiêu nhiều năng lượng cho việc tăng thở để đáp ứng nhu cầu oxy của cơ thể do đó lại làm cho cơ thể sụt cân nhanh.
Bên cạnh việc điều trị bệnh bằng thuốc thì dinh dưỡng rất quan trọng cho việc rút ngắn điều trị, giảm biến chứng và nhanh chóng phục hồi lại sức khỏe.
Do vậy, mục tiêu điều trị dinh dưỡng là làm sao đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể để hạn chế sụt cân, ngăn ngừa suy dinh dưỡng cũng như biến chứng của bệnh.
Cơ sở của cung cấp dinh dưỡng cho trẻ bệnh
Ảnh hưởng của nhiễm khuẩn đường hô hấp tới TTDD của cơ thể
Việc tăng cân nặng và chiều cao đều giảm ở trong và sau giai đoạn nhiễm khuẩn hô hấp dưới cấp và là nguyên nhân tiềm ẩn suy dinh dưỡng do:
- Chán ăn, nôn làm giảm lượng thức ăn ăn vào, giảm cảm giác ngon miệng nên đã giảm 20% năng lượng ăn vào.
- Tăng năng lượng tiêu hao do sốt, tăng chuyển hóa khi khó thở cần tăng nhịp thở cũng như hoạt động của các cơ hô hấp nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho cơ thể, dị hóa do bệnh nhiễm trùng.
- Tăng nhu cầu chất dinh dưỡng cần cho cơ thể chống lại bệnh, sửa chữa tổn thương cũng như vẫn đảm bảo cho việc tổng hợp mô và tăng trưởng.
Ảnh hưởng của suy dinh dưỡng lên tình trạng bệnh tật
Suy dinh dưỡng dễ làm cho trẻ mắc nhiễm trùng do suy giảm hệ thống miễn dịch gây ra bởi thiếu protein - năng lượng, vi chất dinh dưỡng.
Trẻ SDD có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cao (gấp 2 lần), tăng tình trạng nặng của bệnh (gấp 1,7 lần) dẫn đến nguy cơ nhập viện và tử vong cao (gấp 3 lần) của những trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp dưới so với trẻ thường.
Tình trạng thiếu dinh dưỡng làm thay đổi đáp ứng miễn dịch, tăng tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng, tỷ lệ tử vong nhất là ở trẻ nhỏ. Trẻ em có một đặc điểm quan trọng đó là khả năng tự khỏi bệnh. Thuốc cũng không thể ngăn chặn hay điều trị được bệnh. Khi trẻ ốm được điều trị bằng kháng sinh thì không có nghĩa là kháng sinh điều trị khỏi bệnh mà thực tế là do hệ miễn dich của trẻ. Kháng sinh chỉ đóng vai trò hỗ trợ. Do vậy khi hệ miễn dịch của trẻ không hoạt động thì kháng sinh lúc này cũng không phát huy được hiệu quả. Có nhiều nguyên nhân gây cản trở khả năng tự khỏi bệnh của trẻ đó là suy giảm hệ miễn dich mà nguyên nhân chính là do rối loạn dinh dưỡng. Trong SDD thường có thiếu hụt vi chất dinh dưỡng và chính sự thiếu hụt này ngăn cản hê thống miễn dịch dẫn đến mất cân bằng của hệ miễn dịch. Từ đó làm mất khả năng bảo vệ của cơ thể. Cuối cùng, dẫn đến tăng nguy cơ mắc bệnh, tử vong. Đánh giá TTDD của trẻ rất quan trọng đối với việc phòng ngừa bệnh nhiễm trùng cũng như trong điều trị.
Vai trò của vitamin A
Nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp dưới có liên quan chặt chẽ tới tình trạng thiếu vitamin A và làm tăng nguy cơ thiếu vitamin A. Sự giảm nồng độ retinol huyết thanh trong giai đoạn cấp của bệnh được là do sự giảm tổng hợp của protein mang retinol và mất vitamin A qua nước tiểu.
Những trẻ thiếu vitamin A có nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới cao hơn so với trẻ bình thường. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A đại trà cho trẻ nhiễm khuẩn hô hấp dưới nhằm rút ngắn thời gian điều trị và giảm tỷ lệ tử vong cho trẻ còn đang cân nhắc.
Vai trò của kẽm
Bên cạnh vai trò của kẽm trong tiêu chảy, thì kẽm còn có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa nhiễm trùng đặc biệt là viêm phổi. Khi cơ thể thiếu kẽm thì làm tăng nguy cơ mắc nhiễm khuẩn hô hấp dưới cũng như biến chứng (gấp 3,5 lần) so với trẻ không bị thiếu kẽm và khi bổ sung kẽm giảm được 38% viêm phổi. Trẻ thấp còi khi được bổ sung kẽm thì làm giảm nguy cơ mắc viêm phổi 2,5 lần so với nhóm trẻ không được bổ sung. Kẽm còn làm giảm triệu trứng cũng như phòng ngừa được cảm cúm. Như vậy, nên bổ sung kẽm cho bệnh nhân điều trị viêm phổi để đạt được hiệu quả cao trong điều trị.
Các chất dinh dưỡng khác
Se: Thiếu Se gây tăng nguy cơ viêm phổi ở trẻ đẻ non và suy dinh dưỡng. Trẻ SDD khi bị mắc viêm phổi thì có thiếu hụt Se rất nhiều và hoạt tính của glutathione peroxidase cũng giảm nên trẻ thường bị bệnh nặng hơn. Những bệnh nhân bị bệnh nặng mà có nồng độ Se huyết thanh thấp có nguy cơ thở máy gấp 3 lần, suy đa tạng và tỷ lệ tử vong cao hơn.
Việc bổ sung đa vi chất (Cu, Se, Zn) cho trẻ SDD hay bỏng có viêm phổi kèm theo đã rút ngắn được thời gian điều trị.
Ca, D cũng có vai trò trong viêm phổi. Trẻ bị còi xương thì nguy cơ viêm phổi cao gấp 13 lần so với trẻ bình thường. Vì vậy khi bị viêm phổi thì trẻ còi xương nên tăng liều vitamin D và Ca cho trẻ.
Chế độ dinh dưỡng
Không có chế độ ăn đặc biệt cho bệnh nhân viêm phổi bởi không thực sự bắt buộc. Tuy nhiên, chế độ ăn cũng rất quan trọng bởi vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chung của cơ thể và chức năng của hệ miễn dịch. Do vậy, tuân thủ chế độ ăn lợi cho sức khỏe là rất quan trọng giúp cơ thể chống lại bệnh tật.
Chế độ ăn nhẹ vì sẽ không gây kích ứng ho trong khi nuốt, gây khó thở do dạ dày đầy hoặc tăng năng lượng tiêu hao cũng như nhịp tim nhanh để tiêu hóa thức ăn.
Tránh thức ăn gây nôn và buồn nôn bằng những khẩu vị trẻ thích, thức ăn dễ tiêu hóa và giá trị dinh dưỡng cao.
Mục tiêu.
Năng lượng
Do trẻ không ăn được nhiều bữa vì vậy tăng số lượng bữa ăn từ 3 bữa thành 5 bữa/ngày giúp trẻ nhận được đủ năng lượng.
Sử dụng nước uống có giá trị dinh dưỡng cao như sữa, nước hoa quả thay cho nước trắng. Bổ sung thêm sữa hay chế phẩm của sữa, dầu omega 3 vào rau hay nước quả nhằm tăng thêm năng lượng cho bữa ăn của trẻ.
Nếu trẻ vẫn không ăn được và bị giảm cân thì phải kê đơn bổ sung thêm sản phẩm dinh dưỡng có năng lượng cao.
Protein
Cung cấp đủ protein và đặc biệt protein có giá trị sinh học cao là rất cần thiết cho quá trình hồi phục của cơ thể. Cơ thể xây dựng mô mới, sửa chữa và hàn gắn tổn thương. Do vậy ngoài năng lượng thì cơ thể còn cần 1 lượng lớn proetin cho mục đích này.
Thực phẩm giàu đạm có thể có nguồn gốc từ động vật (thịt, cá, trứng, sữa) và thực vật (đậu đỗ, lạc).
Nếu trong bữa ăn mà ăn protein trước thì cơ thể sẽ nhanh cảm thấy no.
Nếu thức ăn không cung cấp đủ protein thì có thể sử dụng các thức uống giàu protein.
Vitamin và khoáng chất
Cung cấp đầy đủ và cân bằng các vitamin, khoáng chất cũng như vi chất dinh dưỡng. Đặc biệt một số loại rau và quả có vai trò chống oxy hóa là rất quan trọng để tăng cường hệ miễn dịch, ngăn ngừa suy dinh dưỡng và phòng tránh mất nước. Do vậy, nếu trẻ không ăn được rau và hoa quả thì nên cho trẻ uống nước hoa quả hoặc vitamin. Tuy nhiên, đậm độ năng lượng của rau, hoa quả lại thấp, nên khi chế biến thức ăn cần cho thêm chất béo để tăng cường thêm năng lượng.
Omega 3 Fatty acid
Có vai trò chất kháng viêm.
Thức ăn có nguồn gốc mỡ động vật, da, đậu phộng, ngô là thức ăn có nhiều omega 6 và nếu ăn quá nhiều sẽ dẫn đến viêm. Trái lại omega 3 thì lại có tác dụng giảm viêm. Do vậy, chế độ ăn tăng omega 3, giảm omega 6 sẽ cải thiện được các triệu chứng viêm.
Omega 3 fatty acid là chất béo được tìm thấy ở cá vùng biển sâu (cá ngừ, cá hồi, thu, dầu hạt cải, dầu đậu nành. Nó giúp làm giảm triệu chứng của hen thông qua các cơ chế làm giảm viêm của đường thở. Do vậy nên ăn các loại cá này vài lần/tuần và dùng thêm dầu cá.
Thức ăn giàu omega 3: cá thu, cá hồi, dầu gan cá tuyết, cá trích, hàu, cá mòi, cá cơm, trứng cá muối, ngũ cốc, quả hạch, sữa, nước ép…, cải xoăn, rau bó xôi, cải xanh, súp lơ, đậu hà lan.
Hạn chế chất béo no: chất béo no có nhiều ở thức ăn động vật (thịt đỏ, bơ, phomat). Chế độ ăn quá nhiều chất béo no sẽ làm nặng thêm các triệu chứng hen do tổn thương hệ miễn dịch. Bệnh nhân hen nên thay thế thức ăn này bằng thức ăn có ít chất béo no hơn như đậu đỗ cá loại, cá, đậu phụ.
Muối, thức ăn sinh hơi, đường
Chế độ ăn nhiều muối sẽ làm tổn thương thêm cho hệ miễn dịch. Thức ăn sẵn và đồ hộp, đồ ăn nhanh, ăn liền thường có đậm độ muối cao nên cần hạn chế.
Thức ăn sinh hơi, dạ dày căng: sau khi ăn quá no sẽ làm cho dạ dày căng đầy khiến cho người bệnh suy hô hấp càng khó thở hơn. Do vậy trẻ nên ăn nhiều bữa số lượng ít.
Thức ăn không nên có ga và sinh hơi vì sẽ gây khó chịu, khò khè cho trẻ.
Một số thức ăn có thể làm giảm sinh hơi và đầy bụng: tỏi, hành, súp lơ, đỗ.
Đường: không ăn đường và thức ăn có nhiều đường trừ khi bắt buộc phải dùng (thuốc đắng) thì có thể dùng mật ong vì mật ong có đặc tính chống vi khuẩn.
Probiotic
Sử dụng các thực phẩm cung cấp probiotics như sữa chua để tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ./.