Khoa Hồi sức tích cực nhi Bệnh viện đa khoa Đức Giang tiếp nhận một trường hợp là cháu NLTD 26 tháng tuổi địa chỉ Gia Lâm – Hà Nội, nhập viện trong tình trạng tím môi, đầu chi, khó thở. Theo khai thác gia đình bệnh nhi tiền sử thông liên thất phần màng, nhưng chưa có chỉ định can thiệp, khoảng 2 tháng gần đây trẻ biểu hiện táo bón thường xuyên, 2-3 ngày đại tiện 1 lần, phân rắn lổn nhổn như phân dê, kèm đại tiện ra máu tươi. Gia đình nghe tư vấn từ người thân cho trẻ uống nước ép cà rốt khoảng 1 tuần nay, mỗi ngày khoảng 400ml tương đương 1.5kg cà rốt. Cách vào viện 3 giờ trẻ đột ngột biểu hiện xanh tím môi, đầu chi, kèm khó thở gia đình cho nhập viện. Sau khi làm xét nghiệm trẻ được chẩn đoán Methemoglobin máu. Sau vài giờ điều trị bệnh nhi hồng hào trở lại, không khó thở, huyết động ổn định.
Methemoglobin máu là tình trạng rối loạn máu, trong đó oxy được chuyển đến các tế bào rất ít và lượng methemoglobin bất thường được sản xuất. Methemoglobin là một dạng hemoglobin đã bị oxy hoá, thay đổi cấu hình sắt heme từ trạng thái Fe 2+ sang trạng thái Fe 3+. Methemoglobin không liên kết oxy nên không thể cung cấp oxy đến các mô.
Nguyên nhân gây Methemoglobin máu là gì?
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây Methemoglobin máu bao gồm bẩm sinh và mắc phải. Trong đó với nhóm nguyên nhân mắc phải chủ yếu do 3 nguyên nhân chính bao gồm thức ăn, các loại hóa chất, thuốc:
- Thức ăn: củ dền, cà rốt, nấm não
- Hóa chất: do tiếp xúc với thuốc nổ TNT, chlorate, nhiên liệu tên lửa (NO2, H2O2, hydrazin, xylidin), Nitrobenzen, nitrotoluene…
- Thuốc: xanhmetylen, amylnitrit, acid axetylsalisilic, phenaxetin, sulfamid, nitroglycerin,…
Biểu hiện khi bị Methemoglobin máu như thế nào?
Tùy vào mức độ Methemoglobin máu mà người bệnh có những biểu hiện như da xanh tím rõ rệt, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, buồn ngủ. Những trường hợp nặng hơn có thể rối loạn tri giác, co giật thậm trí có thể tử vong do rối loạn hô hấp và tuần hoàn.
Theo BSCKII.Hoàng Văn Kết – Trường khoa Hồi sức tích cực nhi: “Methemoglobin máu là bệnh không thường gặp, tuy nhiên các triệu chứng xuất hiện khá đột ngột và diễn biến tương đối nhanh, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể làm ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Do đó các bậc phụ huynh nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản để trẻ không bị Methemoglobin máu”.
BSCKII. Hoàng Văn Kết cũng đưa ra khuyến cáo để phòng tránh bị Methemoglobin máu:
- Không cho trẻ ăn quá nhiều củ dền, cà rốt.
- Tránh sử dụng nước giếng trong ăn uống, sinh hoạt. Sử dụng thuốc đã qua xử lý an toàn.
- Tránh sử dụng, hoặc tiếp xúc với các loại dược phẩm gây tình trạng Methemoglobin máu như: thuốc súng, thuốc nhuộm…
- Không nên tự ý mua thuốc cho trẻ: Dapsone, sufamide, kháng sinh, aspirin, thuốc điều trị sốt rét,…khi không có chỉ định của bác sĩ.