1.Bỏng cấp tính:
Bỏng là loại tổn thương hoại tử do nhiều nguyên nhân gây ra như nhiệt, điện, hóa chất...Tùy vào mức độ tổn thương nhiều hay ít, mà có hay không các biểu hiện rối loạn điện giải hay chuyển hóa của cơ thể. Các phương pháp điều trị tại chỗ, điều trị nội khoa thường được kết hợp với các phương pháp phẫu thuật nhằm giảm đến mức tối đa các di chứng do bỏng để lại.
1.1. Các tác nhân gây bỏng
- Bỏng do sinh hoạt chiếm 65% số người bị bỏng, trong khi đó bỏng do tai nạn lao động chiếm khoảng 10%, còn lại là do tai nạn giao thông, do điều trị cũng như do thiên tai gây ra.
- Các tác nhân gây bỏng chủ yếu như sau
+ Nhiệt ướt: nước sôi, thức ăn nóng (nhiệt độ từ 50-100 độ), dầu mỡ sôi nóng(180 độ), hơi nóng nồi cao áp...
+ Nhiệt khô: bỏng lửa, bỏng xăng cồn, bỏng do kim loại nóng...
+ Điện: có thể do tia lửa điện hay luồng điện cao thế, sét...
+ Hóa chất: các chất oxy hóa, chất khử oxy, chất ăn mòn, chất kiềm...
+ Bức xạ: tia hồng ngoại, tử ngoại, tia Rownghen, tia phóng xạ..
1.2.Tổn thương bỏng:
- Có thể chia tổn thương bỏng thành các mức độ như sau:
Bỏng độ 1: Đỏ và không phồng rộp da
Bỏng độ 2: Phồng rộp và da bị dày lên
Bỏng độ 3: Vùng da dày lan rộng với màu trắng.
Bỏng độ 4: Trong bỏng độ này, sự tổn thương của bỏng độ 3 lan xuống dưới da, lan vào đến gân và xương.
II. Di chứng bỏng:
Di chứng thường gặp nhất của bỏng là các vết sẹo phì đai, sẹo lồi, sẹo lõm và sẹo co kéo, ngoài ra còn một số di chứng khác là dính tổ chức, loét thiểu dưỡng, ung thư hóa trên nền sẹo… Mức độ nặng nhẹ của di chứng bỏng phụ thuộc vào độ sâu, vị trí của bỏng, phương pháp điều trị tổn thương.
Điều trị di chứng bỏng ngày càng được dành nhiều sự quan tâm của không chỉ người bệnh mà còn cả các y bác sĩ, nhằm cải thiện sức khỏe, phục hồi công năng, phục hồi thể hình và thẩm mỹ cho bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Điều trị di chứng bỏng có 4 cách như sau:
Sử dụng thuốc: như corticosteroid tiêm vào sẹo, các thuốc nhóm kháng histamin, penicillamin, methotrexat, colchicin, madecassol, hirudoid… bôi tại chỗ.
Biện pháp cơ học: băng ép tạo áp lực, băng ép kết hợp silicone gel, dụng cụ cố định tứ chi, cổ…
Vật lý liệu pháp: như áp lạnh cục bộ, chiếu tia X, siêu âm (Ultrasounds), điện xung (Transcutaneous electrical nerve stimulation (TENS): làm giảm đau trong sẹo), sử dụng laser CO2, các loại laser màu…
Phẫu thuật: phẫu thuật được chỉ định dựa trên mục tiêu chính là phục hồi cấu trúc giải phẫu, phục hồi chức năng và giải quyết nhu cầu thẩm mỹ, đồng thời cần chú ý các yếu tố tâm lý người bệnh, đến tổ chức tại chỗ phẫu thuật.
Hiện nay, phẫu thuật đóng vai trò chủ yếu trong điều trị di chứng bỏng, nhất là điều trị sẹo co kéo. Cần chú ý về thời gian, thường đợi cho sau 6 tháng kể từ khi vết bỏng thành sẹo mới mổ. Trước khi phẫu thuật phải khẳng định sẹo đã ổn định chưa, sẹo đã ổn định mềm, trong khi đó sẹo chưa ổn định cứng, vẫn còn các tế bào viêm và myofibroblast sẽ gây nên co kéo thứ phát sau phẫu thuật. Cần có kế hoạch xử trí thích hợp và dự kiến lâu dài, chú ý mổ từng đợt, giải quyết từng bước, mổ kết hợp với vận động liệu pháp cho từng bệnh nhân.
Các phương pháp phẫu thuật gồm: chuyển vạt da (vạt chuyển, vạt xoay tại chỗ, vạt V – Y, tạo hình chữ U, vạt có cuống mạch nuôi hằng định, vạt da kiểu Ý, trụ FILATOP, vạt tự do có nối mạch vi phẫu…); phẫu thuật ghép da, hiệu quả nhất là ghép da dày toàn lớp kiểu WK (Wolffe Krause), ngoài ra còn ghép da xẻ đôi, ghép da mỏng; giãn tổ chức (tissue expansion).
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân
Việc phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị bỏng nhằm hướng tới các mục đích sau:
Phòng ngừa biến chứng do nằm lâu, tăng cường sức đề kháng cơ thể giúp vết thương mau liền
Giúp bong da chết đối với bỏng sâu.
Tăng cường tuần hoàn, dinh dưỡng.
Phục hồi chức năng sinh hoạt, tâm lý liệu pháp.
Các bác sĩ điều trị và chuyên gia trị liệu sẽ thăm khám và hoạch định ra các kế hoạch điều trị về vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho bệnh nhân từ lúc nhập viện đến lúc ra viện. Ngoài ra, sau khi ra viện bệnh nhân sẽ tập luyện theo một chương trình nhất định để chống lại các di chứng do sẹo bỏng gây ra.
Tâm lý liệu pháp và một phương pháp cần chú ý và rất quan trọng. Thời gian điều trị bỏng nặng thường kéo dài nhiều ngày, mỗi ngày người bệnh sẽ tiếp nhận nhiều thủ thuật gây đau đớn, chấn thương thêm, mất máu (thay băng, tiêm truyền, thay đổi tư thế, lấy máu xét nghiệm, phẫu thuật các loại…) do đó đặc biệt cần chú ý đến tâm lý tiếp xúc, thái độ ân cần động viên, phục vụ tận tình và thông cảm sâu sắc với hoàn cảnh người bệnh.
Sau khi khỏi ra viện, bệnh nhân vẫn thường có tâm lý tự ti về hình thể, ngại tiếp xúc với mọi người xung quanh, khó khăn trong tái hòa nhập cộng đồng. Ở các nước phát triển, vấn đề tâm lý liệu pháp đã được chú ý đúng mức, bệnh nhân luôn được tư vấn, giúp đỡ kịp thời của hệ thống các chuyên gia tâm lý.
Còn ở nước ta, chưa có hệ thống các chuyên gia tâm lý cho người bệnh nói chung và người bệnh bỏng nói riêng, chủ yếu dựa vào người nhà bệnh nhân, do đó vấn đề tái hòa nhập cộng đồng của bệnh nhân còn nhiều khó khăn.
“Thành công của điều trị bỏng không chỉ là sự cứu sống bệnh nhân, mà còn là chất lượng cuộc sống trong đó có chất lượng sẹo, chất lượng các hoạt động của chi thể. Do vậy, nên theo dõi và chăm sóc bệnh nhân sau khi ra viện để có kế hoạch can thiệp hợp lý”.
Hiện nay, khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ,bệnh viện ĐK Đức Giang vẫn đang thu dung ngày càng nhiều bệnh nhân hoại tử da do bỏng, cần được phẫu thuật tạo hình .Đội ngũ y bác sỹ chúng tôi vẫn không ngừng trau dồi chuyên môn, cập nhật về thuốc, các kỹ thuật mổ mới nhằm điều trị tốt nhất cho bệnh nhân!