Melioidosis, hay bệnh Whitmore là một bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei (trước đây có tên gọi là Pseudomonas pseudomallei).
Vi khuẩn được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với các nguồn ô nhiễm. Vi khuẩn này còn được quan tâm đến như là một tác nhân tiềm năng trong chiến tranh sinh học và khủng bố sinh học. Melioidosis có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh.
1. Bệnh thường gặp ở đâu?
- Melioidosis gặp thường xuyên nhất ở Đông Nam Á và Bắc Úc. Bệnh cũng thấy ở Nam Thái Bình Dương, Châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông.
- Các loại vi khuẩn gây bệnh được tìm thấy trong đất, trong các cánh đồng lúa gạo, và các vùng nước tù đọng trong khu vực.
- Người nhiễm bệnh do hít phải bụi nhiễm vi khuẩn hay khi tiếp xúc với đất bị ô nhiễm qua các vết trầy xước ngoài da. Nhiễm trùng thường xảy ra trong mùa mưa.
- Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) xếp trực khuẩn này vào nhóm vũ khí sinh học tiềm năng. Việt Nam tuy nằm trong vùng dịch tễ của bệnh nhưng các báo cáo về bệnh melioidosis còn hạn chế.trong vùng dịch tễ của bệnh nhưng các báo cáo về bệnh Melioidosis còn hạn chế.
2. Yếu tố nguy cơ
- Các yếu tố nguy cơ của bệnh đã được xác ghi nhận trong rất nhiều nghiên cứu, 80% những người bị bệnh Melioidosis có một hoặc nhiều các yếu tố nguy cơ, điều đó cân nhắc rằng Melioidosis có thể là một nhiễm trùng cơ hội
- Các yếu tố nguy cơ thường gặp là bệnh đái tháo đường, người nghiên rượu, bệnh thận hoặc bệnh phổi mạn tính, người sử dụng corticoid, bệnh ung thư . Bệnh nhân có bệnh đái tháo đường gặp với tỷ lệ cao 37 - 60% gợi ý rằng insullin có thể trực tiếp ảnh hưởng đến vi khuẩn B. Pseudomallei
3. Đường lây truyền
Con người có thể mắc bệnh Melioidosis khi tiếp xúc trực tiếp với đất và nước bề mặt bị nhiễm vi khuẩn B. pseudomallei. Người và động vật có thể nhiễm khuẩn mắc phải do hít phải hạt nước hoặc bụi có nhiễm vi khuẩn, uống nguồn nước nhiễm khuẩn hoặc tiếp xúc trực tiếp với đất nhiễm khuẩn, đặc biệt là qua xây xước nhỏ ngoài da. Bệnh rất khó lây từ người sang người.
4. Đặc điểm lâm sàng
Biều hiện lâm sàng của bệnh Melioidosis rất đa dạng. Mỗi thể bệnh có các triệu chứng lâm sàng khác nhau và do vậy có thể bị bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm với bệnh Lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường.
Các thể bệnh thường gặp của Melioidosis là: Viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, nhiễm trùng tản mạn, nhiễm trung khu trú (áp xe cơ, áp xe phần mềm, viêm hạch, viêm xương, …).
Thời kỳ ủ bệnh của Melioidosis đã được đánh giá ở một nghiên cứu duy nhất đã được công bố, theo đó thời gian ủ bệnh từ1 - 21 ngày (trung bình 9 ngày). Thời kỳ ủ bệnh ngắn nhất được ghi nhận là 1 ngày, trái lại thời kỳ ủ bệnh dài nhất đã ghi nhận được là 62 năm.
Nhiễm B. pseudomallei có biểu hiện lâm sàng rất phong phú. Có thể là một nhiễm khuẩn toàn thân nặng, bùng phát cấp tính hoặc là một nhiễm khuẩn mãn tính. Trong một nghiên cứu mô tả 540 bệnh nhân ở vùng nhiệt đới Australia trên một thời kỳ 20 năm, có hình thái lâm sàng hay gặp là viêm phổi (51% bệnh nhân), tiếp đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (14%), nhiễm khuẩn da (13%), nhiễm khuẩn máu không có ổ nhiễm khu trú (11%), viêm khớp nhiễm khuẩn hoặc viêm xương tủy (4%) và liên quan đến thần kinh (3%). Số còn lại 4% bệnh nhân không có bằng chứng nhiễm khuẩn khu trú. Hơn một nửa số bệnh nhân có biểu hiện nhiễm khuẩn huyết, và 20% trong số đó có biểu hiện sốc nhiễm khuẩn . Các áp xe cơ quan nội tạng và các ổ nhiễm thứ phát hay gặp ở phổi, khớp.
Một biểu hiện khác biệt đáng lưu ý giữa các bệnh nhân ở Australia và các bệnh nhân ở Đông nam Á là viêm tuyến mang tai sinh mủ, một bệnh cảnh gặp ở 40% trường hợp nhiễm Melioidosis ở trẻ em Thái Lan và Cambodia nhưng lại cực kỳ hiếm ở Australia. Tại Australia, biểu hiện Melioidosis ở tiền liệt tuyến gặp ở 20% bệnh nhân nam giới và Melioidosis thần kinh với biểu hiện viêm thân não, thường có mặt liệt thần kinh sọ (đặc biệt là dây VII), hoặc biểu hiện viêm tủy với biểu hiện yếu thần kinh vận động ngoại vi.
Melioidosis tái phát xảy ra chừng 1/16 bệnh nhân, thường là năm đầu tiên sau lần biểu hiện lâm sàng lần đầu. Khoảng 1/4 trường hợp bệnh tái lại là do tái nhiễm, với số còn lại là do tái phát từ một ổ nhiễm tồn tại dai dẳng. Tỷ lệ tử vong do melioidosis gần 40% ở vùng đông bắc Thái Lan (35% ở trẻ em) và 14% ở Úc .
5. Chẩn đoán và điều trị
- Chẩn đoán:
Bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng như trên và nuôi cấy phân lập được vi khuẩn từ máu hoặc các dịch của cơ thể hoặc xác định được sự hiện diện của kháng nguyên hoặc kháng thể trong máu hoặc dịch của cơ thể. Có nhiều các test dùng để các định kháng nguyên, kháng thể như các test ELISA, phản ứng khuếch đại chuỗi gen (PCR) .
- Điều trị bệnh Melioidosis
Điều trị Melioidosis là rất khó khăn do vi khuẩn B. pseudomallei kháng với hầu hết các kháng sinh thông thường như penicillin, ampicillin, kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 và 2, gentamicin, tobramycin, streptomycin, polymyxin. Các kháng sinh mới hơn như ertapenem, tigecycline và moxifloxacin tác dụng hạn chế trên invitro với các chủng B. pseudomallei, và nồng độ ức chế tối thiểu của doripenem là tương tự meropenem . Điều trị Melioidosis gồm 2 pha, pha cấp tính (điều trị kháng sinh đường tĩnh mạch) với mục đích ngăn tình trạng nhiễm khuẩn nặng để cứu sống bệnh nhân và pha củng cố (kháng sinh uống) với mục đích tiêu diệt các vi khuẩn còn sót lại, làm giảm thấp nhất nguy cơ tái phát bệnh .
Kháng sinh dùng trong pha cấp tính là Ceftazidime 50mg/kg(tối đa 2g) truyền tĩnh mạch mỗi 6-8 giờ hoặc Meronem 25mg/kg (tối đa 1g) truyền tĩnh mạch mỗi 8 giờ. Trong pha củng cố, kháng sinh được dùng là Trimethoprim-sulfamethoxazole uống mỗi 12 giờ hoặc Doxycycline uống mỗi 12 giờ hoặc Amoxicillin/acid-clavulanic uỗng mỗi 8 giờ. Thời gian điều trị trong mỗi pha phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng .
6. Liên hệ khoa phòng
Tại khoa Vi sinh bệnh viện đa khoa Đức Giang đã nhiều lần nuôi cấy phân lập và định danh được vi khuẩn B. pseudomallei. Điển hình là ca bệnh: Bệnh nhân sinh năm 1939 vào viện ngày thứ 10 của bệnh với biểu hiện sốt cao 38-39oC, liên tục, có cơn rét run, đau đầu, mệt mỏi. Thăm khám toàn thân không phát hiện các ổ nhiễm khuẩn hay ổ áp xe. Xét nghiệm cho thấy tình trạng nhiễm khuẩn với bạch cầu máu ngoại vi tăng cao. Bệnh nhân được điều trị kháng sinh theo kinh nghiệm. Kết quả cấy máu dương tính sau 2 ngày nuôi cấy sau đó khoa Vi sinh đã tiến hành định danh bằng hệ thống máy tự động kết quả cho ra dương tính với Burkholderia Pseudomallei