Nguy cơ dị ứng sau tiêm vaccine COVID 19
Sau tiêm vaccine covid 19 bạn thường gặp một số phản ứng phụ như đau đầu, sốt, cảm giác ớn lạnh, đau mỏi cơ khớp. Thường những phản ứng này sẽ thuyên giảm sau 24 đến 48 giờ.
Ngay sau tiêm, bạn sẽ được theo dõi ít nhất 30 phút tại địa điểm tiêm chủng để đề phòng các phản ứng dị ứng tức thời, đặc biệt là phản vệ. Vậy phản vệ là gì
Phản vệ là một phản ứng dị ứng cấp tính, xuất hiện nhanh chóng sau từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng (trong trường hợp này có thể là một trong các thành phần của vaccine). Biểu hiện của phản vệ có thể nhiều mức độ, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng
Nhận biết các biểu hiện của phản vệ sau tiêm:
Bạn có thể xuất hiện các triệu chứng sau đây (chú ý rằng các triệu chứng không nhất thiết phải xuất hiện tại tất cả các cơ quan, và mức độ các triệu chứng có thể thay đổi rất nhanh chóng.
- Biểu hiện tại da, niêm mạc: Nổi ban sẩn đỏ ngứa (ban mày đay), cảm giác tê môi, phù nề môi, lưỡi mi mắt, cảm giác nghẹn, khó nuốt.
- Biểu hiện tại đường thở hoặc hệ hô hấp: Cảm giác khó thở, nghẹn họng, khàn tiếng, nói khó, tức nặng ngực, thở rít, khò khè.
- Biểu hiện tại hệ tuần hoàn: Giảm hoặc tăng huyết áp (so với huyết áp hằng ngày của bạn)
- Biểu hiện tiêu hóa: Đau quặn bụng, nôn hoặc buồn nôn, đi ngoài phân lỏng
- Biểu hiện toàn thân khác: trong trường hợp nặng có thể có choáng ngất, hoặc thậm chí ngừng tuần hoàn (tim ngừng đập)
Nếu có một trong các biểu hiện ở trên xuất hiện nhanh chóng sau khi tiêm vaccine, bạn cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế ngay tại khu vực tiêm chủng.
Phản vệ rõ ràng là phản ứng dị ứng cấp tính nguy hiểm, đương nhiên cả nhân viên y tế và bệnh nhân đều rất không mong muốn “đụng” phải. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, vì vậy việc quan trọng là sàng lọc những đối tượng nguy cơ cao dị ứng.
Quyết định của Bộ Y tế về hướng dẫn sàng lọc những đối tượng nguy cơ cao, chống chỉ định đối với vaccine COVID 19
Theo quyết định của bộ Y tế, tất cả những người có tiền sử phản vệ độ hai trở lên với bất kì dị nguyên nào hoặc có dị ứng với bất kì thành phần nào của vaccine đều là đối tượng chống chỉ định khi tiêm chủng. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chỉ rõ cho bạn thế nào là phản vệ độ hai và một số điểm gợi ý bạn có thể dị ứng với thành phần của vaccine.
- Thế nào là phản vệ độ 2
Phản vệ độ hai đó là khi bạn có tiền sử sau khi tiếp xúc với tác nhân nghi ngờ gây dị ứng và xuất hiện các dấu hiệu tại da, niêm mạc kèm theo một trong các dấu hiệu tại hệ hô hấp, hệ tuần hoàn hoặc hệ tiêu hóa; hoặc đơn thuần có triệu chứng tại một cơ quan như đường thở, hệ hô hấp (ví dụ như khàn tiếng, khó thở, thở rít, khò khè), tại hệ tuần hoàn (tụt huyết áp)
Các bác sĩ sẽ có trách nhiệm khám sàng lọc, đánh giá chi tiết tiền sử để quyết định bạn có đủ điều kiện để tiêm chủng hay không. Nếu bạn có bất kì dấu hiệu nào trong các dấu hiệu như hình, hãy cho bác sĩ sàng lọc biết trước khi tiêm vaccine.
- Khi nào chúng ta nghi có dị ứng đối với thành phần của vaccine
Các vaccine COVID 19 hiện nay đều là những vaccine mới được sản xuất và được cấp phép lưu hành một cách đặc biệt. Đối với rất nhiều người, mũi tiêm vaccine này có thể là mũi tiêm đầu tiên các bạn nhận được. Vậy làm thế nào chúng ta nhận biết mình có thể dị ứng với thành phần nào đó của vaccine?
Nói chung, tỷ lệ dị ứng chung với vaccine rất hiếm, đối với các loại vaccine khác nhau tỉ lệ này chỉ từ một vài người trên 1 triệu mũi tiêm. Và chủ yếu những người này mẫn cảm đối với các thành phần “tá dược” của vaccine. Đối với vaccine COVID 19 của các hãng AstraZeneca, Pfizer, các nhà khoa học cũng nhận thấy dị ứng rất hiếm khi xảy ra với thành phần có hoạt tính mà chủ yếu là dị ứng với thành phần tá dược của vaccine. Hai thành phần đáng lưu ý nhất là Polysorbate 80 (đối với AstraZeneca) và PEG (đối với Pfizer).
Polysorbat 80 | PEG |
- Thành phần một số thuốc sinh học, insulin Lantus, Triamcinolone Acetonide, 1 số loại vitamin, Rocaltrol - Thuốc: Xolair (điều trị mày đay mạn), Triamcinolone (thuốc tiêm khớp, điều trị giảm đau, chống viêm…), Rolcatron (điều trị loãng xương) | - Thành phần chính của thuốc nhuận tràng, gel siêu âm |
Vì vậy nên nghĩ đến có thể bạn dị ứng Polysorbat 80 hoặc PEG khi
- Bạn có biểu hiện dị ứng lặp lại với ≥ 2 loại thuốc/sản phẩm khác nhau về cấu trúc
- Bạn chỉ dị ứng với chỉ 1 vài dạng hoặc liều của cùng một loại hoạt chất (ví dụ bạn chỉ dị ứng với thuốc giảm đau dạng tiêm, còn dạng uống bạn lại có thể sử dụng bình thường)
- Bạn dị ứng với thuốc trong đó thành phần hoạt tính đã được loại trừ dị ứng (ví dụ bạn không dị ứng với amoxicilin, nhưng bạn dùng thuốc Moxilen (cũng có bản chất là amoxicilin) lại bị dị ứng
- Bạn dị ứng ới thuốc hoặc vacxin có chứa PEG hoặc dẫn xuất của PEG (polysorbate 80, poloxamers), một số thuốc được liệt kê ở trên
- Bạn bị dị ứng nhưng không giải thích được các dị nguyên, tiền sử dị ứng này có liên quan đến phẫu thuật hoặc thủ thuật xâm lấn.
Vậy người có cơ địa dị ứng, hoặc tiền sử dị ứng thì sao?
- Tiền sử nổi mày đay vô căn, bị viêm da cơ địa, hoặc dị ứng (mức độ nhẹ) với một số dị nguyên nhìn chung không phải là chống chỉ định đối với tiêm vaccine COVID 19
- Khi bạn có tiền sử dị ứng nghi ngờ, hãy thông báo cho bác sĩ khám và sàng lọc để có thể được tiêm vaccine covid.