Đại dịch Covid đang diễn ra rất phức tạp trên thế giới và gây ra rất thiệt hại rất lớn về sức khỏe, con người và kinh tế.Việt Nam nói riêng cũng không nằm ngoài cuộc chiến này khi mà trong thời gian gần đây hàng ngày vẫn đang có rất nhiều các ca mắc mới trong cộng đồng được phát hiện.Trong lúc các quốc gia đang tăng tốc trong việc tìm kiếm, phát triển thuốc điều trị COVID-19 thì việc tiêm vắc xin là một trong những biện pháp giúp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh tốt nhất trong thời điểm hiện nay. Tuy nhiên Vắc xin cũng mới được WHO chấp thuận và khuyến cáo được đưa vào sử dụng, thời gian đánh giá an toàn chưa được nhiều, vì vậy việc sử dụng vắc xin trên các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, cho con bú, chuẩn bị mang thai, người cao tuổi, trẻ nhỏ đang được quan tâm theo dõi.
Phụ nữ có thai
Dựa trên cơ chế tác dụng của vắc xin, các chuyên gia cho rằng vắc xin ít có khả năng gây hại cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, hiện nay dữ liệu về độ an toàn của vắc xin COVID-19 ở phụ nữ có thai còn hạn chế.
- Nhiều thử nghiệm lâm sàng về độ an toàn của vắc xin COVID-19 và hiệu quả của vắc xin trên phụ nữ có thai đang được tiến hành hoặc lên kế hoạch triển khai. Các nhà sản xuất vắc xin cũng đang thu thập và đánh giá dữ liệu từ những người đã tham gia thử nghiệm lâm sàng, đã được tiêm vắc xin và có thai sau đó.
- Các thử nghiệm trên động vật được tiêm vắc xin COVID-19 của Moderna, Pfizer-BioNTech, J&J/Janssen trước hoặc trong khi mang thai không tìm thấy vấn đềđáng quan ngại về độ an toàn trên động vật mang thai cũng như động vật sơ sinh.
Hiện tại, CDC và FDA có các hệ thống theo dõi nhằm thu thập thông tin về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trong thai kì. Dữ liệu ban đầu từ các hệ thống này tương đối khả quan. Dữ liệu không chỉ ra bất kì mối quan ngại nào về độ an toàn đối với phụ nữ có thai được tiêm vắc xin cũng như với trẻ sơ sinh. Hầu hết các trường hợp được báo cáo ở phụ nữ đang mang thai, do vậy sẽ cần thêm dữ liệu theo dõi ở người được tiêm vắc xin ngay trước khi mang thai hoặc người mới bắt đầu mang thai. CDC và FDA sẽ tiếp tục theo dõi những người được tiêm vắc xin ở mọi giai đoạn của thai kì để hiểu rõ hơn về tác dụng của vắc xin trên sản phụ và thai nhi.
Vắc xin COVID-19 của Moderna và Pfizer-BioNTech là vắc xin mARN, không chứa virus còn sống và do vậy không thể lây nhiễm COVID-19 cho người được tiêm. Hơn nữa, vắc xin mARN không thể tương tác với ADN hay làm thay đổi mã di truyền vì mARN không đi vào trong nhân tế bào, nơi lưu trữ ADN.
Vắc xin COVID-19 J&J/Janssen là vắc xin vector virus, tức là vắc xin sử dụng một loại virus khác làm vector để đưa các hướng dẫn quan trọng vào trong tế bào chúng ta. Các loại vắc xin khác sử dụng cùng loại vector virus này đã được sử dụng cho phụ nữ có thai ở mọi giai đoạn của thai kì, bao gồm cả một thử nghiệm tiêm phòng vắc xin Ebola trên diện rộng. Không có bất kì biến cố sản khoa nào, kể cả biến cố ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh, được ghi nhận có liên quan đến vắc xin trong các thử nghiệm này.
Phản ứng có hại của vắc xin
Phản ứng có hại có thể xảy ra sau khi tiêm tất cả các loại vắc xin COVID-19. Đối với vắc xin mARN, các phản ứng có hại được báo cáo ở phụ nữ có thai không khác so với người không mang thai. Nếu bạn bị sốt sau khi tiêm, bạn nên sử dụng paracetamol vì sốt có liên quan đến các biến cố sản khoa.
Phụ nữ cho con bú
Những thử nghiệm lâm sàng về các loại vắc xin được cấp phép ở Mỹ hiện không bao gồm phụ nữ cho con bú. Vì vậy, hiện không có dữ liệu về độ an toàn của vắc xin COVID-19 ở phụ nữ cho con bú, về hiệu quả đối với trẻ bú mẹ, và tác động lên quá trình sản sinh và tiết sữa.
Dựa trên cơ chế tác dụng của vắc xin, các chuyên gia cho rằng vắc xin phòng COVID-19 không gây ra nguy cơ có hại đối với phụ nữ có thai cũng như trẻ bú mẹ. Phụ nữ cho con bú có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19. Một số báo cáo gần đây cho thấy phụ nữ cho con bú được tiêm vắc xin mARN có kháng thể trong sữa mẹ, nhờ vậy có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh.Tuy nhiên cần có thêm dữ liệu để xác định mức độ bảo vệ mà kháng thể trong sữa mẹ có thể đem lại cho trẻ.
Những người chuẩn bị mang thai
Các cặp đôi hiện tại hoặc trong tương lai muốn có con có thể tiêm vắc xin phòng COVID-19 không ?
Hiện không có bằng chứng cho thấy bất kì loại vắc xin nào, bao gồm cả vắc xin phòng COVID-19, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ. CDC không khuyến cáo thử thai thường xuyên trước khi tiêm vắc xin phòng COVID-19. Nếu bạn muốn có thai, bạn không cần phải tránh mang thai sau khi tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Tình hình tiêm chủng tại Bệnh viện đa khoa Đức Giang
Bệnh viện được SYT chỉ đạo tiêm chủng phục vụ các đối tượng trên địa bàn Quận Long Biên. Đến thời điểm hiện nay số liều vắc xin đã được tiêm cho các đối tượng như sau:
Tổng số 10.189 liều vắc xin đã được tiêm, trong đó:
- Moderna: 585 liều
- Pfizer: 397 liều
- Astrazenica: 9207 liều
Các phản ứng thường gặp sau tiêm phần lớn là đau mỏi cơ, đau đầu, sưng đau chỗ tiêm, sốt nhẹ >37,5oC. Phần lớn các triệu chứng này sẽ mất sau từ 24-36h sau tiêm.
Nguồn tham khảo:
https://www.cdc.gov/coronavirus/2019ncov/vaccines/recommendations/pregnancy.html
http://canhgiacduoc.org.vn/CanhGiacDuoc/DiemTin/1987/CDC-Hoa-Ky-Khuyen-cao-ve-tiem-phong-vaccin-COVID-19-o-phu-nu-co-thai-va-cho-con-bu.htm