1. Vaccine COVID 19 được phát triển như thế nào
Có nhiều loại vaccine COVID 19 của nhiều nhà sản xuất khác nhau đang được sử dụng. Chương trình tiêm chủng rộng rãi đầu tiên đã được bắt đầu vào đầu tháng 12 năm 2020 tại Mỹ và đến thời điểm hiện tại, số lượng người được tiêm chủng ngày càng tăng. Chúng tôi sẽ cố gắng cập nhật số lượng tiêm chủng, hiệu quả, các tác dụng phụ và một số điểm lưu ý tại đây. Đến thời điểm hiện tại, có ít nhất 13 loại vaccine (dựa trên 4 nền tảng – 4 type khác nhau) đã được sử dụng. Chúng tôi điểm qua một số loại
- Vaccine Pfizer/BioNtech Comirnaty (sau đây gọi là Pfizer) được tổ chức Y tế thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp vào ngày 31/12/2020. Các Vaccine Covid 19 của SII/Covisheld và Astra Zeneca/AZD 1222 được nghiên cứu và phát triển bởi công ty Dược phẩm AstraZeneca và đại học Oxford và được sản xuất số lượng lớn bởi viện nhà nước Ấn Độ và SK Bio (từ Hàn Quốc) cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ngày 16/2/2021. Vaccine Jassen/Ad26.COV 2.S do Johnson & Johnson phát triển, được cấp phép khẩn cấp tiếp theo vào ngày 12/3/2021. Vaccine Covid của Mordena (mRNA 1273) cũng đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào 30/4/2021 và vaccine Sinopharm được cấp phép vào tháng 7/5/2021. Một điểm đáng chú ý là vaccine Sinopharm được sản xuất bởi Viện sản phẩm sinh học Bắc Kinh, công ty con của tập đoàn dược phẩm sinh học quốc gia Trung Quốc. Một vaccine khác của tập đoàn là Sinovac-CoronaVac được cấp phép sử dụng vào ngày 1/6/2021.
Tổ chức Y tế thế giới vẫn đang tiếp tục theo dõi và cấp phép sử dụng khẩn cấp cho các vaccine khác vào tháng 6.
Một số thông tin chi tiết về các loại vaccine, thời gian tiêm giữa hai liều và giá thành được công bố bởi các hãng được trình bày trong bảng (nguồn YDAACI)
Một vaccine chỉ được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi được các cơ quan quản lý thuốc tại quốc gia sở tại cho phép, được sản xuất và phân phối theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Hiện nay vấn đề đang được quan tâm là sử dụng và tiếp cận vaccine một cách công bằng cho các quốc gia trên toàn thế giới.
2. Các typ vaccine được sử dụng hiện nay và chúng tác động như thế nào?
Hiện nay các loại vaccine COVID 19 được phát triển dựa trên nền tảng
- Vaccine virus bất hoạt hoặc giảm độc lực: Sử dụng dạng virus đã bị bất hoạt hoặc làm suy yếu để không thể gây bệnh, nhưng vẫn đủ tạo ra phản ứng miễn dịch. Vaccine loại này gồm có Sinovac, Sinopharm
- Vaccine protein: Sử dụng các mảnh protein hoặc vỏ protein vô hại, có cấu trúc tương tự COVID 19 để tại ra phản ứng miễn dịch một cách an toàn (vaccine Novavax)
- Vaccine virus vector: Sử dụng một loại virus an toàn không thể gây bệnh, đóng vai trò như một vector dẫn truyền, chứa một đoạn gen để sản xuất protein của coronavirus nhằm kích hoạt đáp ứng của hệ thống miễn dịch (vaccine AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sputnick)
- Vaccine RNA và DNA: Là phương pháp mới và tiên tiến hiện nay, sử dụng RNA hoặc DNA (một dạng vật chất di truyền) được biến đổi gen. Khi vào cơ thể đoạn gen này sẽ tạo ra một loại protein có cấu trúc giống thành phần đặc hiệu của virus, từ đó thúc đẩy tạo ra phản ứng miễn dịch (vaccine Pfizer, Moderna)
3. Khi nào một vaccine được sẵn sàng để sử dụng rộng rãi
Đầu tiên vaccine phải được chứng minh an toàn và hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng pha III (là những thử nghiệm sử dụng vaccine trên quần thể rất lớn). Hiện nay một số vaccine vẫn đang được tiến hành các thử nghiệm pha III.
Một vaccine tiềm năng cần được thông qua các đánh giá một cách độc lập và có đầy đủ các bằng chứng về độ an toàn cũng như hiệu quả, và bao gồm các các quy định tại các quốc gia nơi vaccine được sản xuất trước khi chúng được Tổ chức Y tế thế giới xem xét. Một phần của quá trình đánh giá vaccine là sự xem xét từ Ủy ban cố vấn Toàn cầu về An toàn vaccine (Global Advisory Committee on Vaccine Safety). Ngoài ra, các số liệu trong các nghiên cứu có thể được sử dụng với mục đích đề ra các quyết sách về cách sử dụng, phân phối vaccine.
Tổ chức Y tế thế giới cũng tổ chức một nhóm gồm các chuyên gia bên ngoài nhằm phân tích kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng của vaccine để kiến nghi có nên sử dụng vaccine được thử nghiệm hay không và sử dụng như thế nào.
Tại từng quốc gia, các cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ xem xét và quyết định có phê duyệt vaccine không và thông qua các chính sách sử dụng vaccine ở từng nước (dựa trên số liệu bằng chứng từ các thử nghiệm, và khuyến nghị từ WHO).
Cuối cùng, các vaccine được phê duyệt sẽ được phân phối thông qua một quy trình chặt chẽ và phức tạp, đảm bảo kiểm soát chặt chẽ các điều kiện như nhiệt độ, bảo quản và phân phối.
4. Vaccine covid 19 có thể bảo vệ tôi trong thời gian lâu dài?
Các loại vaccine COVID chỉ mới được phát triển trong khoảng thời gian ngắn, vì vậy quá sớm để kết luận hiệu quả bảo vệ của vaccine. Tuy nhiên một thông tin đáng mừng đó là những bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm virus COVID 19 cho thấy hệ miễn dịch sau đó cung cấp khả năng bảo vệ chống tái nhiễm. Mặc dù vậy cho đến hiện tại vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu về con số cụ thể.
5. Lợi ích khi được tiêm vaccine như thế nào?
Vaccine covid 19 tạo ra sự bảo vệ chống lại bệnh do virus corona. Có được điều này là kết quả của hệ thống miễn dịch đã được tập luyện (bằng cách tiêm vaccine) và khi thực sự đối mặt với virus SARS-Cov-2, hệ miễn dịch sẽ phản ứng một cách đặc hiệu và hiệu quả hơn rất nhiều. Khi đó bạn sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm khả năng lây truyền và các diễn biến nặng nề do virus. Tiêm vaccine cũng giúp bảo vệ những người thân xung quanh bạn, bởi nếu bản thân được bảo vệ khỏi nhiễm virus, bạn cũng ít khả năng lây truyền cho những người xung quanh. Và nếu càng nhiều người được tiêm vaccine thì sự bảo vệ với cộng đồng cũng sẽ được nâng cao. Điều này đặc biệt quan trọng để bảo vệ những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng khi nhiễm COVID 19, chẳng hạn những người lớn tuổi, người mắc các bệnh mạn tính khác hoặc chính các nhân viên Y tế.
6. Những ai nên tiêm vaccine Covid 19
Các loại vaccine COVID 19 hiện nay đều an toàn với hầu hết mọi người trên 18 tuổi, kể cả những người có một số bệnh mạn tính hoặc các rối loạn tự miễn kèm theo. Ví dụ tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi, bệnh gan mạn tính, bệnh thận mạn tính ở giai đoạn ổn định và đang được kiểm soát tốt. Tùy vào từng cơ địa của mõi người, bác sĩ sẽ đánh giá và thăm khám kĩ trước khi đưa ra lời khuyên đối với từng bệnh nhân. Đối với vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế quy định những trường hợp sau đây cần thận trọng khi tiêm và phải theo dõi rất kĩ sau tiêm vaccine (theo QĐ số 2995/QĐ – BYT)
a) Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
b) Người có bệnh nền nặng, bệnh mạn tính chưa được điều trị ổn định.
c) Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
d) Người trên 65 tuổi
e) Người có tiền sử giảm tiểu cầu/ và hoặc rối loạn đông máu.
f) Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
- Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút
- Huyết áp
- Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg
- Huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg
- Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có)
7. Chúng ta có được ngừng các biện pháp phòng vệ khác sau khi đã được tiêm chủng?
Vaccine COVID 19 bảo vệ bạn khỏi không bị diễn biến nặng và hạn chế tử vong do COVID 19. Tuy nhiên cho đến 2 tuần sau khi tiêm vaccine, nhiều khả năng bạn vẫn chưa đạt được hiệu quả bảo vệ cao nhất của vaccine. Hiệu quả bảo vệ của vaccine sẽ được được tăng dần sau đó.
Mặc dù các vaccine COVID 19 sẽ bảo vệ bạn không tiến triển nặng và giảm tỉ lệ tử vong, các nhà nghiên cứu vẫn chưa có lết luận về ảnh hưởng của chúng đến mức độ lan truyền bệnh. Dữ liệu hiện có từ các quốc gia cho thấy hiệu quả bảo vệ làm giảm bệnh nặng và tử vong. Tuy nhiên không có vaccine nào hiệu quả 100% và đôi khi vẫn có những trường hợp nhiễm virus tiến triển nặng.
Những bằng chứng hiện có cho thấy vaccine có tác dụng bảo vệ khỏi nhiễm trùng và lây truyền, tuy nhiên tổ chức Y tế thế giới vẫn đang nghiên cứu về hiệu quả bảo vệ chống lại các biến thể mới xuất hiện. Vì những lý do này, và trong khi nhiều người trong cộng đồng có thể chưa được tiêm chủng, việc duy trì các biện pháp phòng ngừa khác rất quan trọng, đặc biệt trong các vùng đang có lưu hành dịch. Để giữ an toàn cho bạn và những người xung quanh, bạn nên tiếp tục tuân thủ 5K của bộ y tế (Khoảng cánh, Không tụ tập, Khẩu trang, Khử khuẩn Khai báo y tế).
8. Tôi có thể tiêm liều thứ hai vaccine khác loại vaccine với liều đầu tiên hay không?
Chưa đủ dữ kiện để xác minh hiệu quả của cách tiêm này
Một số thử nghiệm lâm sàng ở các quốc gia cho kết quả đáp ứng miễn dịch khá tốt khi bạn tiêm liều thứ hai khác loại với mũi vaccine thứ nhất (ví dụ liều thứ nhất là vaccine của AstraZeneca, liều thứ hai là của Pfizer). Tuy nhiên cần thêm nhiều nghiên cứu nữa để có thể kết luận và đưa ra khuyến cáo.
9. Khi tôi tiêm xong vaccine COVID 19, liệu có thể làm kết quả xét nghiệm COVID của tôi bị DƯƠNG TÍNH?
KHÔNG, vaccine COVID 19 không làm kết quả test COVID 19 (cả test nhanh hoặc bằng phương pháp PCR) dương tính (trường hợp này được gọi là dương tính giả).
10. Tôi có nên tiêm vaccine COVID 19 khi đã từng bị nhiễm COVID 19.
Theo QĐ 2995/QĐ BYT, người mới nhiễm vaccine COVID trong vòng 6 tháng gần đây nên trì hoãn tiêm vaccine.
Tổ chức Y tế thế giới có hướng dẫn rõ hơn về vấn đề này. Đối với những người đã nhiễm COVID 19, đáp ứng miễn dịch chống lại virus này có thể có, tuy nhiên thời gian bảo vệ của những kháng thể này chưa được biết rõ. Vì vậy, nếu có thể, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để cân nhắc tiêm vaccine.
11. Vaccine có an toàn đối với trẻ em?
Những nghiên cứu về độ an toàn của vaccine và mức độ hiệu quả đối với trẻ em vẫn đang được tiến hành. Dữ liệu từ tổ chức Y tế thế giới cho thấy vaccine của Pfizer được phép sử dụng đối với trẻ trên 12 tuổi.
Trong điều kiện hiện nay nguồn cung cấp vaccine hiện đang còn hạn chế tại Việt Nam, vaccine sẽ được ưu tiên hơn đối với những đối tượng nguy cơ cao như những người có bệnh mạn tính, người lớn tuổi và nhân viên y tế.
12. Vaccine có bảo vệ bạn chống lại các biến thể mới của virus?
Cần có thêm nhiều dữ liệu từ các nghiên cứu hơn để đánh giá hiệu quả của vaccine đối với các biến thể (như biến thể của Anh, biến thể của Ấn Độ). Tuy nhiên ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy rằng hầu hết các vaccine COVID 19 đều kích thích đủ khả năng miễn dịch để duy trì hiệu quả đáng kể với hầu hết các biến thể, đặc biệt làm giảm tỉ lệ bệnh nặng và tử vong.
13. Liệu vaccine có gây ra những tác dụng phụ khác nhau ở nam và nữ? Độ tuổi có ảnh hưởng đến tác động của vaccine?
Tác động của vaccine khác nhau đối với mỗi người. Và không có bằng chứng về sự khác biệt về tác dụng phụ giữa nam và nữ. Hiện tại cũng chưa có đủ dữ liệu để khẳng định liệu tuổi có ảnh hưởng đến tác dụng của vaccine. Chúng tôi cũng không thể lường trước được những người có tác dụng phụ và mức độ tác dụng phụ ở mỗi người.
14. Có phải là có tác dụng phụ sau tiêm vaccine chứng tỏ vaccine đang hoạt động tốt? Nếu tiêm vaccine mà không có bất kỳ phản ứng sau tiêm nào, điều đó có bình thường không?
Vaccine hoạt động dựa trên nguyên tắc kích hoạt và luyện tập hệ thống miễn dịch của bạn để bảo vệ bạn khỏi nhiễm virus thực sự sau này. Quá trình luyện tập này có thể gây ra một số tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh, đau đầu, nhưng không phải tất cả mọi người đều gặp phải những tác dụng phụ này. Sự hiện diện hoặc mức độ của các phản ứng bạn gặp phải sau tiêm vaccine không dự đoán hoặc không phản ánh mức độ đáp ứng của hệ miễn dịch. Bạn không nhất thiết cần phải sốt, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc có các triệu chứng khó chịu khác để đổi lấy sự bảo vệ từ vaccine.
15. Có khác biệt gì về chế độ ăn uống trong vòng một hoặc hai ngày sau tiêm vaccine?
Hiệu lực của vaccine không phụ thuộc vào bất cứ loại thức ăn hay đồ uống nào được sử dụng trước và sau tiêm.
Mọi thắc mắc về thông tin tiêm chủng vui lòng liên hệ:
https://benhvienducgiang.com/
https://www.facebook.com/Benhviendakhoaducgiang/?ref=pages_you_manage