Hiện tại tại Việt Nam đang sử dụng bốn loại vắc xin phòng COVID 19, đó là vắc xin của các hãng AstraZeneca, Pfizer, Modena và Sinopharm. Ngoại trừ vắc xin Sinopharm được tiêm cho công dân Trung Quốc hoặc người có nhu cầu làm việc tại Trung Quốc. Không ít người phân vân giữa bộ ba các vắc xin còn lại và có tâm lý “chờ vắc xin”. Vậy có đúng là vắc xin này tốt hơn vắc xin khác hay không và niềm tin rằng phải chờ bằng được một loại vắc xin nào đó có hợp lý và chính xác trong thời điểm hiện tại?
Câu trả lời là KHÔNG, hãy tiêm ngay càng sớm càng tốt nếu bạn trong danh sách đối tượng được tiêm chủng. Niềm tin rằng có vắc xin nào đó “xịn” hơn là hoàn toàn sai lầm!
Bắt đầu của sự nhầm tưởng về mức độ tác dụng của vắc xin đến từ các con số đánh giá hiệu quả (eficacy) của vắc xin. Sau đây là hình minh họa mức độ hiệu quả của các loại vắc xin theo công bố của nhà sản xuất
Hình 1: Hiệu quả một số loại vắc xin (theo như công bố của nhà sản xuất)
Chúng ta có thể thấy rằng theo kết quả các nghiên cứu, vắc xin của Pfizer và Moderna cho hiệu quả chống lại sự lây nhiễm rất đáng ngưỡng mộ, cao hơn hẳn so với Johnson & Johnson và AstraZenaca. Nhưng có thật sự những con số này cho ta bức tranh chính xác về tác dụng của vắc xin? Câu trả lời là KHÔNG. Chúng tôi sẽ giải thích lý do ở sau đây
- Trước tiên, hãy bắt đầu bằng câu hỏi, tại sao các hãng sản xuất vắc xin có những con số này. Đó là kết quả của nghiên cứu pha III của từng loại vắc xin. Các nghiên cứu pha III là những nghiên cứu thuần tập được tiến hành trên hàng nghìn người. Để rõ ràng hơn, chúng ta hãy nhìn vào nghiên cứu của Pfizer đánh giá hiệu quả của vắc xin của họ. Nghiên cứu này được tiến hành trên 43000 người. Những người tham gia nghiên cứu được chia thành hai nhóm bằng nhau: Nhóm được tiêm vắc xin và nhóm còn lại được tiêm giả dược (một chất vô hại). Sau đó những người này được theo dõi sát để ghi nhận triệu chứng nhiễm COVID 19. Trong suốt thời gian theo dõi, đã có tổng cộng 170 người nhiễm COVID 19. Số người nhiễm covid 19 này được phân bố như sau:
Số người bị nhiễm COVID 19 |
Nhóm giả dược | Nhóm tiêm vắc xin Pfizer |
162 người | 8 người |
- Hiệu quả của vắc xin được tính bằng công thức sau (162-8)/162 x 100% = 95%. (Vắc xin đã giúp 154 người không bị nhiễm COVID 19, chỉ còn 8 người nhiễm so với nhóm đối chứng là 162 người). Hay nói cách khác, hiệu quả của vắc xin là 95%.
- Các vắc xin khác cũng được tính hiệu quả từ những nghiên cứu tương tự. Chúng ta biết rằng các nghiên cứu của những vắc xin khác nhau được tiến hành trên những nhóm quần thể khác nhau, độ tuổi khác nhau, thời gian khác nhau và tình trạng mắc bệnh tại mỗi thời điểm cũng khác nhau. Ta lấy ví dụ thời điểm tiến hành thử nghiệm pha 3 đối với các vắc xin của Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson tại Hoa Kì (hình 2). Có thể thấy tại thời điểm tiến hành nghiên cứu của Moderna và Pfizer, số ca nhiễm mới của Hoa Kì đang ở mức thấp hơn so với thời điểm nghiên cứu Johnson & Johnson được tiến hành. Vì vậy hiệu quả của vắc xin Johnson & Johnson được tính toán “có vẻ” thấp hơn so với hai vắc xin còn lại. Chưa kể đến sự không tương đồng của các quần thể nghiên cứu, các chủng virus COVID 19 cũng khác nhau ở mỗi một thời điểm…
Hình 2: Minh họa thời gian tiến hành nghiên cứu pha 3 của một số vắc xin tại Hoa Kì
Như vậy dựa vào những con số kể trên để so sánh hiệu quả của các loại vắc xin trên cùng một bàn cân là không hợp lý, cũng tương tự như việc dùng điểm số trong trường để so sánh độ xuất sắc một sinh viên Đại học Y Hà Nội và một sinh viên trường Đại học Ngoại thương vậy!
Hơn nữa, để đánh giá mức độ tác động của vắc xin đối với cộng đồng, chúng ta quan tâm đến từng loại vắc xin làm giảm mức độ làm giảm tỉ lệ tử vong như thế nào? Vắc xin làm giảm tỉ lệ nhập viện ra sao? Rõ ràng là các vắc xin đang được lưu hành ở Việt Nam đều cho ta câu trả lời là những con số ấn tượng (hình 3). Vì vậy, hãy nhanh chóng tiêm vắc xin để cùng chung tay chiến thắng đại dịch COVID 19.