Sáng ngày 23/12, tại hội trường tầng 2 Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã diễn ra buổi sinh hoạt chuyên đề cho bệnh nhân Đái tháo đường do khoa Nội tổng hợp tổ chức. Chủ đề buổi sinh hoạt: “Giải pháp chung sống khỏe mạnh với bệnh Đái tháo đường”.
Các hoạt động theo chuyên đề nhằm giúp người bệnh hiểu được bệnh đái tháo đường, các biến chứng, cách theo dõi, điều trị một cách toàn diện và hiệu quả với sự phối hợp của các bác sĩ, chuyên gia về Nội tiết - Đái tháo đường.
Mở đầu chương trình, Thạc sĩ Trần Thị Oanh - Trưởng khoa Nội tổng hợp cùng các bác sĩ đã hướng dẫn người bệnh tiêm Insulin đúng cách tại nhà.
Bác sĩ khoa Nội tổng hợp hướng dẫn người bệnh tiêm Insulin đúng cách
Ngay sau phần hướng dẫn tiêm Insulin, Ths.Bs. Doãn Thị Tường Vi – Chuyên gia dinh dưỡng đã có bài tư vấn giáo dục sức khỏe với chủ đề “Giải pháp chung sống khỏe mạnh với bệnh Đái tháo đường”. Ths.Bs. Tường Vi đã nhấn mạnh: Bệnh đái tháo đường xếp vào tốp đầu những bệnh nguy hiểm nhất hiện nay, đái tháo đường phát triển một cách thầm lặng, âm ỉ, chỉ đến khi bệnh có biểu hiện ra bên ngoài thì lúc đó dường như đã quá nặng, nên việc điều trị sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Điều đặc biệt đáng sợ nhất là những biến chứng của bệnh đái tháo đường. Chính vì vậy việc phát hiện sớm và kiểm soát được bệnh đái tháo đường là một sự mong mỏi không chỉ riêng người bệnh, gia đình mà của toàn xã hội.
Trong buổi tư vấn, Ths.Bs. Doãn Thị Tường Vi đã chia sẻ những kiến thức và kỹ năng sống khỏe với bệnh đái tháo đường. Trong đó, bác sĩ nhấn mạnh đến những cách phòng ngừa tai biến do đái tháo đường gây ra. Đây là những thông tin vô cùng hữu ích nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người bị đái tháo đường. Đồng thời, bác sĩ Tường Vi cũng đưa ra những phương án thay đổi chế độ dinh dưỡng dành riêng cho người bị đái tháo đường. Trong đó, những nguyên tắc trong việc lên thực đơn và bố trí bữa ăn được nhìn nhận là phương pháp tích cực nhằm hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
Ths.Bs. Doãn Thị Tường Vi tư vấn chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bị đái tháo đường
Để phát hiện sớm biến chứng ở bệnh nhân đái tháo đường, bác sĩ khuyến cáo người bệnh nên thường xuyên: Theo dõi glucose máu mao mạch; khám bàn chân; đo huyết áp và theo dõi cân nặng. Bên cạnh đó, định kỳ 3-12 tháng cần kiểm tra công thức máu; chức năng thận; điện tim; khám mắt, nha khoa, khám bàn chân và tiêm phòng cúm, phế cầu.
Kết thúc buổi sinh hoạt, các thành viên ai cũng vui mừng, phấn khởi vì qua buổi sinh hoạt, các người bệnh đái tháo đường đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích về chế độ dinh dưỡng hợp lý và kỹ năng để điều trị và tự chăm sóc cho bản thân tốt hơn nhằm kiểm soát được đường huyết, giảm thiểu biến chứng.