Mỗi việc làm của chúng ta đều bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm xúc tại thời điểm diễn ra. Khi vui thì ta ân cần, nhiệt tình với công việc. Ngược lại, khi ta mệt mỏi, buồn giận thì chỉ muốn bỏ công việc sang một bên. Một năm có 365 ngày, không thể ngày nào ta cũng ở trong tâm trạng vui vẻ, sẽ có những ngày mệt mỏi – đặc biệt với nhân viên y tế khi phải trực đêm và làm thêm giờ vào hôm sau. Và chính những ngày căng thẳng mệt mỏi đó, sẽ là lúc nguy cơ cao xảy ra sự cố - sai sót trong Y khoa. Vì vậy, việc thiết lập – xây dựng một hệ thống y tế an toàn là điều cần được triển khai tại các cơ sở y tế.
Nhận thức được điều đó, Phòng quản lý chất lượng – Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã xây dựng giáo trình và bộ công cụ để tập huấn cho từng khoa phòng cách thức từng bước để thiết lập được hệ thống y tế an toàn.
Theo như định luật Heinrich, để 1 sự cố nghiêm trọng xảy ra thì trước đó đã phải có khoảng 300 sự cố nhỏ tiềm tàng. Ví dụ, để xảy ra sự cố phẫu thuật nhầm bên, có thể có những sai sót nhỏ hơn từ trước mà ta không để ý, ví như thiếu kiểm tra chéo giữa lâm sàng bệnh nhân với thông tin hồ sơ bệnh án, thiếu kiểm tra chéo – trao đổi chéo giữa điều dưỡng chuẩn bị bệnh nhân với bệnh nhân, với bác sĩ phẫu thuật... Do đó, nếu bệnh viện muốn giảm thiểu các sự cố nghiệm trọng, thì cần khuyên khích được từng nhân viên ở từng vị trí làm việc phát hiện những sự cố nhỏ tiềm tàng. Bởi chính họ là người hiểu rõ nhất tính chất công việc, những sự cố nhỏ thường gặp, những khó khăn, thách thức tại vị trí làm việc đó.
Và tại sao chúng ta lại muốn tập trung vào các sự cố nhỏ tiềm ẩn? Bởi những 2 lý do chính sau: Với những sự cố nhỏ tiềm tàng được phát hiện kịp thời thì ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, ít ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý và sự nghiệp của nhân viên y tế. Và theo thống kê của các tổ chức y tế trên thế giới thì chi phí để khắc phục một sự cố nghiêm trọng tốn kém gấp 10.000 lần so với chi phí để khắc phục sự cố nhỏ tiềm tàng.
Vậy làm thế nào để xây dựng một hệ thống y tế an toàn?
Trong hơn 20 năm qua, các tổ chức y tế uy tín trên thế giới đã ngồi lại và thống nhất với nhau rằng, để xây dựng được một hệ thống y tế an toàn cần có đầy đủ 7 yếu tố sau đây:
1. Nhìn nhận bản chất mọi hoạt động của chúng ta là có nguy cơ cao
2. Đặt an toàn là mục tiêu hàng đầu trong các chính sách và quy trình
3. Đánh giá các sai sót là “sai sót hệ thống” ,chứ không phải thất bại của cá nhân
4. Đầu tư các nguồn lực cần thiết cho vấn đề an toàn, ví dụ như thời gian và công nghệ
5. Nhận thức rằng môi trường làm việc “an toàn“ không có nghĩa là sẽ không bao giờ có sai sót
6. Báo cáo tất cả những sự kiện và sự cố “xém sai” , và bảo đảm một môi trường làm việc “không đổ lỗi” và “không trừng phạt”
7. Thiết lập các quy trình cho việc kiểm định chéo giữa các đồng nghiệp và nghiên cứu nguyên nhân gốc rễ.
Trên đây là 7 yếu tố bắt buộc phải được tuân thủ ở mức cao nhất (nghĩa là phải đạt 10 điểm nếu xét trên thang điểm 10) nếu muốn có được một hệ thống y tế an toàn. Cũng như một chiếc xe đạp bình thường muốn đi được nó phải có 2 bánh, chiếc ô tô bình thường muốn đi được nó phải có 4 bánh.
Khi tập huấn trực tiếp tại các khoa phòng trong bệnh viện, chúng tôi cố gắng nhấn mạnh những điều sau:
1) Lâu nay, nhân viên y tế cứ ngỡ sự cố nghiêm trọng ảnh hưởng đến bệnh nhân, ảnh hưởng đến nhân viên y tế mới là sự cố. Thì giờ đây cần ý thức rằng chính những sai sót nhỏ gặp hàng ngày, những cái mà anh chị ấy tự phát hiện và tự sửa chữa kịp thời được cũng chính là sự cố. Và việc báo cáo thống kê những điều đó thì mới có ý nghĩa hỗ trợ anh chị ấy. Còn sự cố nghiêm trọng, anh chị không cần báo cáo thì toàn bệnh viện cũng sẽ biết, và lúc đó thì anh chị sẽ chịu trách nhiệm giải trình theo quy chế của bệnh viện.
Báo cáo và thống kê các lỗi nhỏ, sự cố nhỏ tiềm tàng hàng ngày hàng tuần không nhằm mục đích kiểm điểm, kỷ luật, so sánh đánh giá năng lực của anh chị. Mà nhằm mục đích duy nhất là để lãnh đạo khoa phòng cùng Phòng quản lý chất lượng bệnh viện biết tại vị trí làm việc đó có nguy cơ xảy ra những sự cố nào, có những yếu tố nào sẽ gây ra sự sai sót, có những khó khăn thách thức nào ... từ đó chủ động xây dựng những bảng kiểm, bài tập huấn cho toàn bộ nhân viên tham gia làm việc tại vị trí đó. Nói chính xác là biến những sai sót kinh nghiệm của cá nhân thành một bài học quý cho cả tập thể.
2) Phòng quản lý chất lượng chia sẻ 7 yếu tố để xây dựng hệ thống y tế an toàn tại các Khoa phòng. Điều đó không có nghĩa lâu nay Khoa phòng đang không làm được những điều đó. Có thể lâu nay Khoa phòng đã làm được 3, 5... hay cả 7 yếu tố. Nhưng đang làm ở mức độ mấy? Có được 10/10 điểm không? Và điều quan trọng là Phòng quản lý chất lượng muốn cung cấp một bản đồ rõ ràng, giúp anh chị làm đúng và đi nhanh hơn, sớm hoàn chỉnh hệ thống y tế an toàn cho chính Khoa phòng.
3) Có 2 lý do chính mà khiến nhân viên tại khoa phòng chưa thực sự tham gia vào việc báo cáo các sự cố y khoa:
- Do tự mặc cảm về bản thân. Khi xảy ra những sự cố nhỏ tiềm tàng, họ tự phát hiện và tự sửa chữa và rồi im lặng. Bởi họ tự nói với bản thân rằng “Mình làm bao nhiều năm rồi, mà cái lỗi nhỏ này vẫn mắc phải. Nói ra thì nhân viên mới họ cười chê”. Nhưng như tôi trao đổi ban đầu, mỗi việc làm của chúng ta bị ảnh hưởng rất nhiều bởi cảm xúc tại thời điểm đó. Và chúng ta không nên dựa vào một tình huống mà quy chụp đánh giá năng lực của cả một quá trình công tác của nhân viên. Dù là ai, dù ở trong tình trạng như thế nào, họ vẫn luôn cố gắng làm tốt nhất trong khả năng lúc đó của họ.
- Do tâm lý lo sợ. Nếu báo cáo những sự cố này sẽ bị lưu vào hồ sơ, rồi có những cuộc họp để rút kinh nghiệm kiểm điểm lẫn nhau, thậm chí còn bị phạt, bị trừ lương. Có điều này là do nhân viên chưa được cập nhật Nội dung Quy chế dân chủ nội bộ cơ quan năm 2016, 2017: “Những cá nhân có thành tích phát hiện và báo cáo những nguy cơ – sự cố - rủi ro giúp bệnh viện xây dựng được hệ thống khắc phục – phòng ngừa được xét thưởng ngay từ 100.000đ – 300.000đ/lần.”
Sau khi được tập huấn trực tiếp, các nhân viên tại khoa phòng đánh giá rất cao tính thiết thực và ý nghĩa của buổi tập huấn. Và mong muốn Phòng quản lý chất lượng có nhiều buổi tập huấn chuyên sâu hơn nữa giúp phát hiện các sự cố tiềm tàng, hỗ trợ xây dựng các bài tập huấn phòng tránh các yếu tố nguy cơ gây ra sai sót.